Gần như đã thành quy luật, cứ vào dịp trong và sau Tết Nguyên đán, khi tháng Giêng “ngày rộng tháng dài”, đâu đâu cũng có hội hè, nông dân chưa xuống đồng…, thì tệ nạn cờ bạc diễn ra khá rầm rộ với những hình thức và quy mô lớn hơn ngày thường. Chưa có con số thống kê đã có bao người vì máu đỏ đen mà khuynh gia bại sản. Cũng chưa có thống kê bao nhiêu người vì thua bạc mà sa vào tệ nạn trộm cắp, cướp giật... Nhưng sự bất ổn, gây mất trật tự an ninh, làm xấu đi nét đẹp của những ngày xuân thì ai cũng thấy rõ.
Có thể thấy, đối tượng tham gia cờ bạc khá đa dạng, từ thanh niên, trung niên, cả những người đã có cháu nội, cháu ngoại, thậm chí cả cán bộ, viên chức có chức có quyền, đảng viên... Bên cạnh những người coi cờ bạc là nghề "kiếm cơm", còn có nhiều thanh niên, sinh viên, cán bộ viên chức cũng lao vào vòng xoáy của tệ nạn này. Một số người giàu còn xác định tổ chức đánh bạc, đánh bạc như một “nghề” để hốt tiền. Một bộ phận người dân, nhất là những người lười lao động, lao vào vòng xoáy cờ bạc với hy vọng đổi đời.
Họ chơi không phải mang tính giải trí trong ngày Tết, mà là ăn thua, sát phạt nhau thâu đêm suốt sáng, kéo dài từ ngày nọ sang ngày kia… Người thắng càng đánh càng hăng, người thua thì cay cú tìm mọi cách gỡ. Sau những cuộc đỏ đen, người thắng thì hả hê, kẻ thua thì thất thểu, thậm chí phải gán nợ bằng đất đai, nhà cửa, hoặc những tài sản có giá trị... Đi đôi với tệ nạn này là các hoạt động vi phạm pháp luật khác phát sinh như dịch vụ cầm đồ, cho vay nặng lãi, xiết nợ, cưỡng đoạt tài sản, trộm cắp, cướp giật..., làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự an ninh, gây bức xúc trong dư luận xã hội, làm xấu đi nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc.
Tình trạng cờ bạc để lại nhiều hậu quả nặng nề. Có không ít kẻ, vì máu đỏ đen mà mất cả cơ nghiệp, gánh những khoản nợ chồng chất. Không ít trường hợp, anh em cùng dòng tộc, họ hàng ngồi chung chiếu bạc, càng thua càng cay cú, rồi cãi vã, đánh nhau, mất cả tình ruột thịt, tình làng nghĩa xóm. Vì máu mê cờ bạc mà không ít người trở thành tội phạm nghiêm trọng như cướp của, giết người. Nhiều gia đình bị tan vỡ chỉ vì chồng, vợ hoặc con cái máu mê cờ bạc. Thật đau lòng khi có những trường hợp chỉ vì mâu thuẫn trong chơi cờ bạc mà anh em ruột thịt đâm chém nhau dẫn đến án mạng. Không ít kẻ vay cả tiền ngân hàng, vay nặng lãi để nướng vào các cuộc đỏ đen, đến khi thua bạc, không có tiền trả nợ, cùng đường đã phải tìm đến cái chết…
Vấn đề đặt ra là vì sao, pháp luật đã nghiêm cấm đánh bạc dưới mọi hình thức và các cơ quan chức năng, các cấp chính quyền đã tích cực ngăn chặn, nhưng tệ nạn này vẫn không giảm? Có ý kiến cho rằng, việc xử lý các đối tượng tổ chức và tham gia đánh bạc, ở nơi này, nơi kia có phần còn nương nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Vẫn tồn tại tình trạng cán bộ, nhân dân biết kẻ cầm đầu, địa điểm tổ chức đánh bạc, nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù… Tình hình trên buộc các cấp chính quyền, cơ quan pháp luật phải tiến hành đấu tranh, truy quét liên tục, thường xuyên, không khoan nhượng và cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Vẫn biết, để triệt phá tận gốc tệ nạn này không thể một sớm, một chiều, nhưng nếu mỗi người dân, nhất là cán bộ, công chức, thanh niên, sinh viên gương mẫu tự giác không tham gia, tin rằng tệ nạn này sẽ được ngăn chặn và nhanh chóng bị đẩy lùi. Bên cạnh đó, cần khắc phục ngay tư tưởng chủ quan, cho rằng dịp Tết nên nhẹ tay để mọi người, mọi gia đình vui vẻ đón xuân. Cần quy định địa bàn nào xảy ra cờ bạc, thì cán bộ đứng đầu địa bàn đó phải bị xử lý kỷ luật. Có như vậy, mới hy vọng xã hội sẽ ngày một bớt đi những “bác thằng bần”.
Yến Nhi