Ám ảnh những con tàu đổ

Quốc hội trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải ngày 4/6 lại “nóng” vấn đề tai nạn giao thông, trong đó có tai nạn đường sắt. Dù trước đó, người đứng đầu ngành giao thông vận tải đã có lời xin lỗi trước dư luận, nhưng hình ảnh về những con tàu đổ xảy ra liên tục trong những ngày gần đây vẫn là nỗi ám ảnh đối với nhiều người.

Ngày 24/5/2018, đoàn tàu khách SE19 va chạm với ô tô tải chở đá tại Km 234+050, khu gian Khoa Trường - Trường Lâm, Thanh Hóa khiến 6 toa xe bị đổ lật, làm 2 chết, 14 người bị thương. Ảnh: TTXVN phát

Thực tế cho thấy, tàu hỏa là phương tiện có mức độ an toàn cao, tuy nhiên trong thời gian ngắn mà xảy ra nhiều vụ tai nạn nghiêm trọng đã gây ra tâm lý lo lắng cho người dân và hành khách đi tàu. Chưa hẳn là “giậu đổ bìm leo”, nhưng với thực tế, trong một thời gian rất ngắn mà có đến 5 vụ tai nạn tàu hỏa nghiêm trọng để lại những hậu quả đau lòng, thì bức xúc của dư luận cũng là dễ hiểu.

Nguyên nhân dẫn đến các vụ tai nạn đường sắt thời gian gần đây, rõ ràng cần được phân tích trên nhiều khía cạnh, trong đó có yếu tố con người. Yếu tố con người ở đây cũng được nhìn nhận từ nhiều phía, cả người vận hành quy trình chạy tàu và người điều khiển các phương tiện giao thông khác (ô tô, xe máy...). Nếu con người chủ quan, không chấp hành đúng các quy trình, quy phạm đã quy định thì nguy cơ xảy tai nạn là khó tránh khỏi, hậu quả sẽ rất khó lường.

Theo lý giải của lãnh đạo ngành đường sắt, quy trình, quy phạm về an toàn chạy tàu được ngành xây dựng, phổ biến và hướng dẫn chi tiết, đồng thời yêu cầu người lao động phải chấp hành nghiêm, đơn vị, cá nhân vi phạm đều bị xử lý thích đáng. Cũng theo ngành đường sắt, với các vụ tai nạn đường sắt gần đây, có nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân nhân viên thực hiện công vụ (lái tàu, lái xe, gác chắn, trưởng ga...) đã lơ là trách nhiệm của mình, không kiểm tra, không thực hiện đúng các quy định đã được ban hành. Bên cạnh đó, vấn đề phối hợp giữa các bộ phận trong ngành đường sắt chưa thật hiệu quả. Nếu các bộ phận trực ban, điều độ, thông tin tín hiệu, kiểm soát, gác chắn… có sự phối hợp chặt chẽ, chắc chắn sẽ không xảy ra những hậu quả đau lòng của ngành đường sắt như thời gian qua.

Dù có lý giải thế nào, thì trong suy nghĩ của nhiều người, ngành đường sắt trong những năm gần đây vẫn chưa thoát khỏi sự trì trệ, lạc hậu từ thời bao cấp, gây cản trở tới sự phát triển chung của nền kinh tế đất nước. Sự trì trệ của ngành đường sắt được cho là bắt nguồn từ sự độc quyền, hay nói cách khác là từ chính lợi ích cục bộ và tư duy kiểu “ngồi chờ” sự hỗ trợ của nhà nước. Không thể hình dung, hệ thống hạ tầng cũng như phương tiện của ngành đường sắt chẳng được cải tiến là bao; dịch vụ thì nghèo nàn mà lại đắt đỏ, cơ sở hạ tầng cũ kỹ, lạc hậu, cung cách phục vụ chậm được cải tiến...

Có những bất cập vừa nêu, có nguyên nhân là do chính bản thân ngành đường sắt đã tự đóng mình trong không gian bao cấp quá lâu, "một mình, một chợ", khai thác toàn bộ tuyến đường sắt quốc gia nhưng gần như không phải chịu bất cứ sức ép nào liên quan đến sản xuất kinh doanh. Dường như, phương tiện tàu hỏa chỉ được hành khách quan tâm vào những dịp lễ, Tết. Còn vào những ngày bình thường, một toa tàu chỉ lèo tèo vài hành khách. Ấy vậy, ngay cả vào dịp cao điểm, ngành đường sắt cũng bộc lộ rõ sự trì trệ trong cách thức phục vụ, khi hành khách phải xếp hàng dài chen chúc mua vé chẳng khác thời bao cấp vào dịp Lễ, Tết… Không chỉ vậy, nhiều nhân viên của ngành lợi dụng dịp lễ, Tết đưa khách "chui" lên tàu để kiếm chác. Số liệu thống kê cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, bình quân số người sử dụng phương tiện đường sắt chỉ là 0,12 lần. Nói một cách khác, mỗi người dân bình quân 9 - 10 năm mới đi tàu hỏa một lần trong một thị phần hơn 90 triệu dân, thì rõ ràng ngành đường sắt đang đánh mất lợi thế và tụt hậu khá xa so với thế giới.

Dù được xác định là một trong những ngành vận tải then chốt trong phát triển đất nước, thế nhưng sự trì trệ đã đặt ra yêu cầu cần phải đổi mới một cách toàn diện đối với ngành đường sắt. Đã tới lúc cần phải có một cuộc cách mạng thực sự đối với ngành đường sắt nước nhà; mà cuộc cách mạng này phải bắt đầu bằng việc triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn trong vận hành tàu.

Yến Nhi
Bộ trưởng GTVT nhận trách nhiệm về yếu kém của ngành đường sắt
Bộ trưởng GTVT nhận trách nhiệm về yếu kém của ngành đường sắt

Sáng 4/6, trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thể đã nhận trách nhiệm về sự yếu kém của ngành đường sắt.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN