10 năm trước và 10 năm sau

Cách đây 10 năm, vào ngày 11/9/2001, khi hai chiếc máy bay đâm vào Tòa tháp đôi của Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) ở New York, không chỉ người dân Mỹ mà cả thế giới bàng hoàng, rúng động. Al Qaeda đã tiến hành vụ tấn công khủng bố nhằm phá hoại nước Mỹ, cường quốc số một của thế giới. Tuy nhiên, cả Mỹ cũng như Al Qaeda đều không thể ngờ rằng trong 10 năm sau đó, không chỉ nước Mỹ thay đổi mà trật tự thế giới cũng có nhiều biến đổi. Đó là sự suy yếu của Nhóm G7 và sự nổi lên của BRICS gồm bốn nền kinh tế thị trường lớn là Nga, Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil.

Sau sự kiện 11/9, nước Mỹ đã phát động chiến dịch chống chủ nghĩa khủng bố trên toàn cầu. Thoạt nhìn, Mỹ và các đồng minh dường như đã giành được chiến thắng với thành công lớn nhất là trùm khủng bố Bin Laden và nhiều thủ lĩnh then chốt khác bị tiêu diệt, Al Qaeda chìm trong khủng hoảng lãnh đạo và tài chính. Tuy nhiên, cái giá mà nước Mỹ phải trả cho cuộc chiến chống khủng bố là vô cùng lớn. Hai cuộc chiến Irắc và Ápganixtan đã “góp phần” làm kinh tế Mỹ lâm bệnh nghiêm trọng, nợ công leo lên mức kỷ lục 14.700 tỷ USD. Không chỉ riêng Mỹ, khu vực đồng tiền chung châu Âu cũng chìm vào cuộc khủng hoảng nợ. Song song với đó là sự xuất hiện lần lượt các dấu hiện của một trật tự thế giới mới.

Trái ngược với thực trạng của Mỹ và châu Âu, trong 10 năm qua, nhóm BRICS đã phát triển khá nhanh. Trung Quốc trở thành cường quốc kinh tế lớn thứ hai thế giới. 10 năm trước, không ai có thể ngờ rằng Trung Quốc sẽ mua trái phiếu chính phủ của khu vực đồng euro giữa lúc lục địa già đang ngập trong khó khăn tài chính. Không chỉ có vậy, Trung Quốc còn là quốc gia sở hữu nhiều trái phiếu chính phủ Mỹ nhất, tổng trị giá tới 1.200 tỷ USD.
Trật tự ngoại giao cũng có nhiều thay đổi. Bài học xuất khẩu dân chủ bằng quân sự của Mỹ đã bị đem ra mổ xẻ. Và như Joseph Nye, cựu Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ đã phải thừa nhận rằng những hành động xuất khẩu dân chủ bằng quân sự đó đã làm ảnh hưởng trầm trọng "quyền lực mềm" của họ về ngoại giao.

10 năm trước, nhà kinh tế Jim O'Neil thuộc Ngân hàng Goldman Sachs đã dự đoán khả năng vụ tấn công 11/9 sẽ ảnh hưởng tới hình thái tương lai của thế giới. Và rồi 10 năm sau, thế giới đã chứng kiến sự vươn lên mạnh mẽ của Nhóm BRICS. Có thể nói “số phận” của thế giới giờ đây không chỉ nằm trong tay của Nhóm G7, vì trên sân chơi hôm nay, những “tay chơi” quan trọng khác đã vào cuộc.


Cẩm Tuyến
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN