Văn học nhà trường còn khó khăn và phức tạp

Từ lâu, môn Ngữ văn trong nhà trường phổ thông được đánh giá là một trong các môn học quan trọng hàng đầu đánh giá kết quả học tập của học sinh. Với đặc thù là một môn học dạy về cái hay cái đẹp, dạy cách làm người, dạy văn hóa, kỹ năng, môn văn còn đặt ra nhiều vấn đề về tiếp cận, phương pháp giảng dạy và lựa chọn nội dung giáo dục hướng tới trong tác phẩm văn chương. Trước yêu cầu mới khi mà điều kiện kinh tế, xã hội, khoa học kỹ thuật phát triển như vũ bão, cái nhìn, cách tiếp cận và thị hiếu thẩm mỹ của người đọc, người học đã và đang đặt ra cho các nhà trường phổ thông nhiều vấn đề về sách giáo khoa, phương pháp giảng dạy, phương pháp học và giá trị đích thực của văn học trong nhà trường.


Về sách giáo khoa văn học trong trường phổ thông


Có thể nói, từ trước tới nay, ở nước ta, chưa có bộ SGK nào có sự biên soạn kỹ càng, dày công và tâm huyết như hiện nay. SGK Ngữ văn mới đã và đang đáp ứng được điều đó. Tuy nhiên, qua đọc bài: “Nhọc nhằn muôn nỗi sách giáo khoa” của GS. Phan Trọng Luận trong cuốn Văn học nhà trường những điểm nhìn, NXB ĐHSP, 2011, chúng tôi thấy, trong quá trình biên soạn SGK, các GS đã gặp rất nhiều khó khăn mà những khó khăn ấy không phải liên quan đến trình độ biên soạn hay kiến thức mà khó khăn trong sự lựa chọn tác phẩm văn học sẽ đưa vào sách cùng với sự chuyển tải nội dung giáo dục. Cùng với đó là những khó khăn về thể loại, thời đại ra đời, tư tưởng tác giả và sự tách bạch một cách rạch ròi văn chương và văn chương trong nhà trường.

Giờ học văn của học sinh lớp 5, trường THCS Cán Chủ Phìn, huyện Mèo Vạc (Hà Giang). Ảnh:Trọng Nghiệp-TTXVN


Song, vấn đề đặt ra là, muốn thay đổi một cuốn sách, một phương pháp hay một quan niệm về văn chương là việc làm không phải một sớm một chiều có thể làm được. Điều đó, đặt ra nhiều khó khăn cho các nhà biên soạn sách giáo khoa, các thầy cô giáo giảng dạy và cả học sinh.


Từ những khó khăn này, khi đưa vào trường phổ thông, người dạy và người học cũng gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận SGK mới. Cụ thể, với quá trình giảng dạy: Vì có nhiều tác giả, tác phẩm nên phải có chọn lọc. Tuy nhiên, có những tác phẩm hay, đoạn trích hay lại không được đưa vào dạy - học mà lại đưa tác phẩm khác, hay đoạn trích khác.


Đồng thời, sự cắt xén dung lượng tác phẩm là ý đồ của nhà soạn sách song có thể làm phương hại đến nội dung tác phẩm. Mặt khác, thời lượng dành cho một số tác phẩm, một số đoạn trích còn khiêm tốn, do vậy, làm ảnh hưởng không ít đến chất lượng dạy - học ở trường phổ thông hiện nay.


Về tiếp cận văn học nhà trường trên cơ sở văn học và thực tiễn xã hội


Người ta thường hay đồng nhất văn học nhà trường và văn học, nhưng thực chất lại là hai nội dung khác nhau. Văn học nhà trường là một bộ phận của văn học nói chung nhưng bản chất và đối tượng của văn học nhà trường lại hoàn toàn khác khi gắn người học vào nội dung, chương trình giáo dục phổ thông. Điều đó đặt ra nhiều vấn đề, trong đó, đâu là văn chương nhà trường đích thực và cái gì sẽ là trung tâm của hoạt động văn học trong nhà trường.


Có nhiều quan điểm cho rằng: Cái đích thực cần hướng tới của văn học nhà trường là tác phẩm, văn bản. Nếu hiểu theo quan điểm này thì văn học mới chỉ là văn học theo đúng nghĩa. Vậy thì, đối tượng giáo dục cần hướng tới là người học thì sẽ ra sao, họ sẽ được gì khi học một tác phẩm văn chương. Do vậy, hiện nay, trong nhà trường phổ thông, người ta luôn chú ý quan tâm đến những vấn đề như: Tính hành dụng của tác phẩm văn học, ý nghĩa xã hội văn học, bài học liên hệ từ văn học, kỹ năng xã hội từ văn học, tích hợp giáo dục... Điều đó, có nghĩa là học văn trong nhà trường phải được đưa vào “quỹ đạo” riêng so với cảm thụ văn học.


Nếu như tiếp cận văn học nói chung, chúng ta cần có những hoạt động như đọc, cảm thụ, thẩm bình, phê bình, giải trí... Văn học nhà trường cũng có những hoạt động đó song cần gắn nó với đối tượng giáo dục là học sinh đang rèn luyện để thành người tốt và môn văn là một trong những môn quan trọng giúp cho các em làm được như vậy. Như thế có nghĩa là, văn học trong nhà trường cần thông qua văn bản (tác phẩm văn chương) để lấy người học làm trung tâm. Thông qua tác phẩm văn học, chúng ta cần hướng người học đi tới những chân trời mang tính xã hội như đạo đức, lối sống, kỹ năng...


Hiện nay, chúng tôi và nhiều giáo viên văn ở nhà trường phổ thông thường kêu ca rằng học văn bây giờ không giống như ngày xưa. Sự so sánh bao giờ cũng là khập khiễng song thực chất lại đúng như vậy. Nhiều đồng nghiệp ca thán rằng, ngày xưa học một giờ văn sao mà thiêng liêng thế, sao mà thấm đẫm tình đời thế, viết văn sao hay thế...Vậy mà giờ đây, học sinh lại thờ ơ thậm chí lãnh đạm với môn văn, nhiều em coi môn văn như một cực hình (nhất là khi viết văn). Rồi đa số học sinh lao vào lập nghiệp bằng các môn KHTN mà bỏ qua môn văn. Chúng ta không thể trách được người học bởi thực trạng đó đều có nguyên nhân, mà nguyên nhân ở đây là do hoàn cảnh xã hội tác động vào. Có thể kể ra đây: Nhiều hoạt động văn hóa đang tràn lan trên thị trường làm cho giới trẻ hấp dẫn bởi nó. Điển hình như chơi game, phim ảnh đồi trụy, cờ bạc, mại dâm, truyện kiếm hiệp, các dịch vụ... đã ảnh hưởng lớn tới học sinh hiện nay. Nhiều phương tiện có thể nhanh và tiện ích như chát, nhắn tin điện thoại... học sinh sẽ không phải viết thư như xưa nữa. Hơn nữa, nhiều hoạt động phim ảnh nhanh, hay, hấp dẫn thay cho việc đọc tác phẩm văn học.


Chính từ thực tế này đã tạo nên áp lực rất lớn đối với người dạy văn hiện nay, khi mà nhiều kênh thông tin xấu đã và đang len lỏi vào học đường thì văn học phải như thế nào mới có thể đứng vững và đạt được hiệu quả giáo dục.


Vấn đề về phương pháp


Nói gì thì nói, chúng ta không thể bỏ đi môn văn mà cũng không thể trách cứ hoàn cảnh và người học. Chúng ta cần nhìn vào chính mình để định hình cho mình cách giảng dạy văn học trong nhà trường hiện nay. Theo chúng tôi, sức hút từ bài giảng là đặc biệt quan trọng đối với người học. Chúng ta có thể vô tình nghe được những câu nói bâng quơ từ học sinh: Cô ấy dạy khô quá; thầy ấy dạy chẳng ra gì; tác phẩm hay thế mà dạy thế có chán không;...Điều đó đặt ra cho chúng ta hiện nay còn đầy rẫy những khó khăn về phương pháp giảng dạy.


Trong bài viết: Văn học nhà trường - Ẩn số và đáp số, GS. Phan Trọng Luận đã đưa ra vấn đề rất phổ biến hiện nay: “Cái khuôn mẫu khô cứng của giờ giảng văn cần được phá vỡ để giải phóng cho sự tiếp nhận sáng tạo của học sinh, để tạo cho giờ văn thực sự là một giờ văn đúng nghĩa của nó, và cũng để cho tác phẩm văn chương vào tay giáo viên không biến thành bát canh nhạt nhẽo”. Đúng là hiện nay, giờ dạy văn đã và đang đi vào khuôn mẫu mà hiệu quả văn chương và hiệu quả giáo dục chẳng có là bao. Giáo viên lên lớp chỉ biết làm theo những công thức đã có sẵn: Kiểm tra sỹ số - Kiểm tra bài cũ - Dạy bài mới: Tìm hiểu chung- Đọc hiểu- Ghi nhớ... Giờ nào cũng như vậy sẽ gây sự nhàm chán cho người học mà hiệu quả tiếp cận và giáo dục ngoài tác phẩm văn học còn là điều đáng bàn.


Nếu rơi vào khuôn mẫu, công thức, chúng ta sẽ làm mất đi tính sáng tạo của người học, đôi khi lại làm mất đi những giá trị đích thực của một giờ giảng văn. Hơn nữa, việc giảng dạy môn văn theo hướng tích hợp giáo dục: Kiến thức - Kỹ năng - Thẩm mỹ hiện nay chưa được mấy giáo viên thực hiện.


Nguyễn Thế Lượng

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN