Thực hiện phổ cập giáo dục tiểu học, Trường tiểu học xã Chung Chải, huyện Mường Nhé, Điện Biên đã vượt mọi khó khăn, từng bước nâng cao chất lượng dạy và học, huy động tối đa trẻ em đến trường.
Khó trăm bề…
Chung Chải là một trong những xã nghèo của huyện Mường Nhé, đời sống kinh tế của nhân dân chủ yếu dựa vào nương rẫy, tỷ lệ hộ đói nghèo còn ở mức cao, nên việc chăm lo học hành của con em các dân tộc trong xã còn rất hạn chế. Làm thế nào để thu hút được học sinh và nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường là vấn đề luôn được Ban Giám hiệu và thầy trò Trường tiểu học Chung Chải quan tâm, đặt lên hàng đầu.
Cô và trò Trường tiểu học Chung Chải tại điểm trường Nậm Sin. Ảnh: Minh Phúc |
Nếu năm học 2009 – 2010, Trường Tiểu học Chung Chải có 36 lớp với tổng số gần 600 học sinh, thì đến năm học 2010 – 2011, do di dân tự do, số lớp của trường tăng lên 44, với 679 học sinh. Trong đó 60% học sinh dân tộc Mông, còn lại là học sinh dân tộc Si La và Hà Nhì. 3/4 số học sinh của nhà trường không được học lớp mầm non nên trình độ nhận thức của các em cũng hạn chế, nhiều em chưa thạo tiếng phổ thông, các thầy cô giáo gặp nhiều khó khăn trong việc truyền đạt kiến thức.
Bên cạnh đó, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn. Hiện trường còn 7/9 điểm bản lớp học còn tạm bợ bằng tranh, tre, nứa, lá. Công tác dạy và học gặp nhiều khó khăn, nhất là vào mùa mưa.
…khéo liệu cũng xong
Đứng trước những khó khăn đó, ngay từ đầu năm học, nhà trường đã lên kế hoạch, đề ra những mục tiêu, giải pháp nhằm huy động trẻ đến lớp đúng độ tuổi, duy trì sĩ số học sinh, hạn chế số học sinh bỏ học giữa chừng. Đồng thời, nhà trường từng bước nâng cao chất lượng dạy và học. Đối với những học sinh bỏ học giữa chừng, trường cử giáo viên đến tận gia đình tìm hiểu rõ nguyên nhân và giúp đỡ, động viên các em trở lại lớp.
Thầy Phạm Văn Khiêm, Hiệu trưởng Trường tiểu học Chung Chải cho biết: “Để các bậc phụ huynh học sinh hiểu được lợi ích của việc học tập của con em họ trước mắt cũng như lâu dài, Ban giám hiệu nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương, các đoàn thể trong xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới các bậc phụ huynh, tạo điều kiện cho con em mình đến lớp. Nhờ tuyên truyền sâu, rộng và nhiều hình thức nên từ đầu năm học đến nay số học sinh bỏ học đã giảm hẳn”.
Một phụ huynh học sinh người Hà Nhì tâm sự: “Trước đây, con em chúng tôi hay bỏ học vì gia đình còn khó khăn, phải để các cháu ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy. Nhưng bây giờ các thầy cô giáo đến tận nhà động viên, người lớn chúng tôi cũng đã hiểu nếu bây giờ mình không chịu vất vả một chút, cố gắng cho các con được đi học để biết cái chữ thì sau này con cháu mình cũng sẽ vất vả như mình thôi”.
Do 100% học sinh là dân tộc thiểu số, đại bộ phận chưa được học lớp mầm non 5 tuổi nên các thầy cô giáo không những phải có sự sáng tạo trong phương pháp truyền đạt kiến thức mà còn cần sự nhiệt tình giảng dạy, sự yêu thương.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, hàng tháng nhà trường tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn, chuyên đề, qua đó giáo viên trao đổi, rút kinh nghiệm, đặc biệt là các thầy cô giáo mới công tác, còn bỡ ngỡ trong quá trình giảng dạy. Ban giám hiệu nhà trường cùng các tổ trưởng chuyên môn bàn bạc thống nhất phân nhóm học sinh theo học lực để có phương pháp dạy phù hợp với trình độ nhận thức của từng nhóm, tổ chức dạy phụ đạo cho các học sinh chưa qua lớp 5 tuổi và yếu kém.
Các thầy cô Trường tiểu học Chung Chải còn tổ chức cho các em chơi những trò chơi dân gian như: Đu quay, nhẩy dây, ném còn…, tạo môi trường giáo dục thân thiện để học sinh coi trường học là ngôi nhà thứ hai của mình. Hàng tuần vào thứ 2 và thứ 4, các em mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, qua đó giáo dục cho các em biết giữ gìn và phát huy những bản sắc, truyền thống của dân tộc.
Với những giải pháp và hành động cụ thể, chất lượng giáo dục của nhà trường đã từng bước được cải thiện, tỷ lệ trẻ đến lớp đúng độ tuổi đã được huy động tối đa. Năm học tới, trường phấn đấu huy động trẻ đến lớp đúng độ tuổi đạt 100%, tiến tới đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi.
Minh Phúc