Theo ông Bùi Thanh Liêm, Phó Tổng Biên tập Báo Người Lao Động, mỗi em được trao học bổng đều có hoàn cảnh khác nhau, nhưng tất cả cùng có điểm chung là tinh thần vượt qua khó khăn, mặc cảm, phấn đấu học tập để trở thành con ngoan, trò giỏi. Dù là học sinh trung học phổ thông, tiểu học hay trung học cơ sở, các em đều cảm nhận được những nhọc nhằn, khó khăn của cha mẹ, cố gắng vươn lên, tự giác trong học tập, tham gia phụ giúp gia đình, phấn đấu trở thành người có ích cho xã hội.
Một trong những trường hợp điển hình là em Võ Thị Mỹ Anh, học sinh lớp 10A6 Trường Trung học phổ thông Long Thới, xã Hiệp phước, huyện Nhà Bè đã tranh thủ những ngày hè đi làm thêm phụ giúp gia đình. Em Võ Thị Mỹ Anh chia sẻ, mẹ em bị bệnh ung thư, cha làm công nhân Công ty Cơ khí Tân Thanh nên làm bao nhiêu tiền đều "đổ" vào việc chữa bệnh cho mẹ, hoàn cảnh gia đình luôn trong tình trạng túng thiếu. Vì vậy, khi nhận được học bổng này, em sẽ dành nhiều thời gian hơn cho việc học, cố gắng rèn luyện, học thật giỏi để mai sau có cơ hội phụ giúp gia đình, xã hội, nhất là những trường hợp học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn như gia đình em hiện nay.
Theo ông Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động Thành phố Hồ Chí Minh, do đặc thù công việc vất vả, hoặc làm việc ở môi trường độc hại, nguy hiểm hay bị tai nạn lao động, mắc bệnh hiểm nghèo, nhưng nhiều công nhân vẫn bám trụ công việc, thực hiện trách nhiệm với cộng đồng chỉ mong ước con cái được học hành đến nơi đến chốn để có tương lai tốt đẹp hơn.
Vì vậy, Học bổng báo Người Lao động là việc làm thật sự có ý nghĩa trong việc đồng hành cùng tổ chức Công đoàn chăm lo cho con em công nhân lao động có hoàn cảnh khó khăn, nhất là những trường hợp có nguy cơ bỏ học. Mong các mạnh thường quân, báo Người Lao động cùng các cấp công đoàn tiếp tục phát huy các loại hình học bổng nhằm chia sẽ gánh nặng, chăm lo người lao động, tiếp sức cho các em có điều kiện đến trường để hoàn thành ước mơ trong tương lai.