Đáp ứng nhu cầu học tập suốt đời
Xã hội học tập, học tập suốt đời là mọi người dân có nhu cầu học tập đều được đáp ứng và đều có nghĩa vụ học tập, trong đó ý thức tự học, học một cách tự giác là yếu tố quyết định nhất. Nền giáo dục thông minh được xây dựng thành công sẽ tạo điều kiện thuận lợi, đáp ứng đầy đủ các yêu cầu để xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời.
Một trong những nhiệm vụ của giáo dục thông minh là tạo điều kiện cho người học có cơ hội được học tập suốt đời. Theo Tiến sĩ Nguyễn Thị Huyền, Trung tâm Nghiên cứu Cải tiến Phương pháp dạy và học đại học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Thành phố Hồ Chí Minh (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), mục tiêu của giáo dục thông minh là cải tiến chất lượng của việc học tập suốt đời của người học. Đây được xem là một trong những yêu cầu then chốt của con người ở giai đoạn hiện nay. Việc khai thác môi trường học thông minh hiệu quả cần tập trung vào việc học tập hỗ trợ cho người học đạt được các chuẩn đầu ra học tập mong đợi; phát triển các kỹ năng cần thiết gồm cả kỹ năng chuyên môn, kỹ năng xã hội, kỹ năng số; phát triển các phẩm chất đạo đức bao gồm cả khả năng học tập suốt đời.
Theo các nhà giáo dục, xây dựng xã hội học tập, học tập suốt đời không chỉ hướng đến đạt được chứng chỉ văn bằng mà quan trọng mỗi người dân nhìn thấy mục tiêu, giá trị học tập để nâng cao năng lực chuyên môn nghề nghiệp, làm chủ cuộc sống của mình. Quá trình học tập đó phải hướng đến việc xây dựng gia đình hạnh phúc, là nền tảng để mỗi người dân tham gia quá trình xây dựng xã hội, thành phố văn minh, sạch đẹp, thông minh và không ngừng phát triển.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh Lê Hồng Sơn cho rằng, với lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và công nghệ thông tin là cơ hội để người dân cập nhật, khai thác kho tàng kiến thức, chủ động trong học tập nâng cao kiến thức. Việc đẩy mạnh thực hiện giáo dục thông minh sẽ góp phần xây dựng xã hội học tập thông minh, tạo điều kiện cho mọi người dân có cơ hội học tập suốt đời. Ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố đang tích cực xây dựng hệ thống tài nguyên số, khai thác và sử dụng hiệu quả kho học liệu số, học liệu điện tử toàn ngành, ngân hàng câu hỏi trực tuyến dùng chung, kho bài giảng e-learning… Đây là điều kiện quan trọng tạo môi trường học tập mở, giúp học sinh tự học, tự nghiên cứu, là điều kiện quan trọng để xây dựng xã hội học tập, hướng đến học tập suốt đời.
Giáo dục đi đầu trong xây dựng đô thị thông minh
Theo các chuyên gia, với mục tiêu xây dựng Thành phố Hồ Chí Minh trở thành đô thị thông minh và phát triển bền vững, cần phải lấy giáo dục làm trọng tâm để đào tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao, có kiến thức hiện đại, kỹ năng thực tế và có thái độ hợp tác tốt.
Nhìn nhận vai trò của giáo dục trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng thành phố thông minh, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố cho rằng, giáo dục phải đi trước, hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ quốc tế, tạo nguồn lực để xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Thực tế, nhiều năm qua thành phố đã đặc biệt chú trọng đầu tư cho giáo dục, xây dựng hạ tầng cơ sở hiện đại, đáp ứng hiệu quả các hoạt động dạy và học.
Trong đó, thành phố luôn dành hơn 25% vốn ngân sách cho việc chi thường xuyên và chi đầu tư xây mới, sửa chữa và cải tạo, nâng cấp trường học và nhất là mua sắm các trang thiết bị dạy - học hiện đại. Thành phố cũng đã chủ động đổi mới nội dung, phương pháp dạy và học, đưa các nội dung, chuyên đề dạy học, ngoại khoá liên quan đến lĩnh vực tự động hóa ứng dụng, STEM, STEM robot, trí tuệ nhân tạo - AI vào các hoạt động trong trường phổ thông...
Mặc dù được chú trọng đầu tư, nhưng với đặc thù của một đô thị lớn, việc thúc đẩy giáo dục thông minh của thành phố cũng gặp không ít khó khăn. “Số lượng học sinh hàng năm tăng rất nhanh, bình quân tăng 60.000 học sinh mỗi năm tạo áp lực lớn đối với việc đầu tư xây dựng trường lớp, đáp ứng yêu cầu chỗ học cho học sinh của thành phố. Điều này ảnh hưởng đến việc duy trì và nâng cao chất lượng giáo dục, rào cản cho mục tiêu xây dựng mô hình dạy học tiên tiến, hiện đại” - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Lê Hồng Sơn nhận định.
Mặt khác, với hình thức tổ chức dạy học truyền thống khiến giáo dục thiếu tính linh hoạt, sáng tạo, trong khi đó, giáo dục thông minh đòi hỏi sự linh hoạt cả về thời gian, không gian học tập, nguồn tài liệu phong phú… Điều đó đòi hỏi giáo viên phải thay đổi nhận thức, chủ động đổi mới hình thức dạy học trên lớp phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
Từ thực tế, Phó Chủ tịch Thường trực UBND Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Liêm nhận định, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và những thành tựu công nghệ thông tin mang đến cho thành phố cơ hội nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước, xây dựng các tiện ích phục vụ doanh nghiệp, người dân. Vì thế, lãnh đạo thành phố quyết tâm xây dựng đô thị thông minh, trong đó xác định giáo dục có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, phải đi trước, là nền tảng, động lực của quá trình xây dựng thành phố trở thành đô thị thông minh.
Thời gian qua, ngành Giáo dục thành phố đã chủ động chuẩn bị, triển khai nhiều giải pháp tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý, hoạt động dạy và học, kiểm tra đánh giá; các cơ sở giáo dục phổ đã chủ động triển khai nhiều mô hình thí điểm về giáo dục thông minh và đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, các mô hình giáo dục thông minh của thành phố mới chỉ tập trung thí điểm ở một số trường, vì vậy trong thời gian tới cần phải đầu tư phát triển hơn nữa để đáp ứng yêu cầu thực tế.