Tìm lời giải cho những ngày nghỉ lễ bằng đáp án lịch sử

Tổ chức hoạt động trải nghiệm hay bằng cách chia sẻ với học sinh những dấu mốc lịch sử thông qua các ngày nghỉ lễ là cách truyền cảm hứng học môn Lịch sử mà một số trường đã và đang thực hiện.

Chú thích ảnh
Học sinh Trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) học Lịch sử tại Bảo tàng. Ảnh: Lê Vân.

Truyền cảm hứng học lịch sử bằng kiến thức từ đời sống      

Thầy Trần Trung Hiếu, Giáo viên dạy Lịch sử, Trường THPT Phan Bội Châu (TP Vinh, Nghệ An) cho biết: “Trong nhiều năm qua, cán bộ viên chức, công nhân lao động nói chung, thầy trò ngành Giáo dục nói riêng đều được nghỉ 3 ngày lễ quan trọng của dân tộc: Ngày 10/3 Âm lịch, ngày 30/4 và ngày 2/9. Với vai trò của giáo viên dạy Lịch sử, đến gần các ngày lễ, giáo viên chỉ cần giải thích cho học trò câu hỏi: “Tại sao chúng ta lại được nghỉ làm việc, học tập trong 3 ngày đó?”.      

Ngày 10/3 Âm lịch - Ngày Quốc giỗ. Theo thầy Trần Trung Hiếu, giáo viên cần giải thích đơn giản cho học trò là ngày Giỗ của Vua Hùng - người có công sáng lập ra nhà nước đầu tiên của quốc gia, dân tộc Việt Nam. Nhà nước đã chọn ngày mất của Vua Hùng là ngày "Quốc giỗ". Đến ngày đó, chúng ta được nghỉ để tưởng nhớ về cội nguồn của quốc gia, dân tộc Việt Nam.

Ngày 30/4 - ngày thống nhất non sông sau 21 năm đất nước bị chia cắt (1954 - 1975). Theo thầy Trần Trung Hiếu, để có ngày thống nhất đó, dân tộc Việt Nam phải tiến hành cuộc kháng chiến trường kỳ đầy gian khổ, mất mát, hy sinh để chống đế quốc Mỹ và tay sai. Chúng ta được nghỉ ngày này để thế hệ trẻ biết tôn trọng những giá trị bất biến của lịch sử và biết tưởng nhớ, tri ân những người đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu và hy sinh vì nền độc lập tự do của dân tộc.

Với ngày 2/9 - Ngày độc lập của đất nước, giáo viên chỉ cần giải thích ngắn gọn là ngày Bác Hồ đọc bản "Tuyên ngôn độc lập", khai tử chế độ thuộc địa nửa phong kiến gần 1 thế kỷ và khai sinh Nhà nước mới với tên gọi là Việt Nam dân chủ cộng hòa - nay là Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

“Với 3 mốc thời gian quan trọng đó trong một tiến trình lịch sử dựng nước và giữ nước hàng ngàn năm của dân tộc, giáo viên Lịch sử chỉ cần giải thích mộc mạc cho học trò là chúng ta đã hoàn thành thiên chức, nhiệm vụ của mình với trò, với nghề, với xã hội. Giáo viên luôn gắng khơi đam mê, truyền cảm hứng học sử cho các học trò của mình từ những kiến thức trong cuộc sống", thầy Trần Trung Hiếu nhấn mạnh. 

Bày tỏ về cách giảng dạy này, thầy Trần Trung Hiếu cho rằng, dù trong chương trình sách giáo khoa không có, nhưng thầy vẫn luôn dành thời gian để dạy và kiểm tra kiến thức về các sự kiện lịch sử.

Thông qua trải nghiệm  

Những ngày qua, một số trường phổ thông trên cả nước tổ chức chuyên đề hoạt động trải nghiệm hướng về ngày Giỗ tổ Hùng Vương.

Trường Tiểu học Hùng Vương (quận Hồng Bàng, Hải Phòng) lấy chủ đề “Hướng về nguồn cội”, đã giúp học sinh tìm hiểu về truyền thống ngày Giỗ tổ bằng cách trả lời thật nhanh các câu hỏi của người dẫn chương trình, được học sinh chờ đón và nhanh chóng tìm ra đáp án đúng.

Cô Vũ Thị Tuyết, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hùng Vương cho hay, hoạt động trải nghiệm “Hướng về nguồn cội” để tỏ lòng ghi nhớ công ơn của các Vua Hùng đã có công dựng nước và các bậc tiền nhân, những người anh hùng đã vì dân giữ nước.  

Hoạt động trải nghiệm ở các trường tại TP Hồ Chí Minh cũng diễn ra rộng rãi hơn khi nhiều nơi tổ chức cho giáo viên, nhân viên, học sinh dâng hương lên Vua Hùng để nhớ về nguồn cội.

Đánh giá về những hoạt động trải nghiệm, cô Vũ Hạnh Nguyên, Phó Hiệu trưởng trường THCS Chu Văn An (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết: “Sau khi quan sát các con học Lịch sử, tôi thấy được hiệu quả rõ rệt của hình thức trải nghiệm. Các con không chỉ học được kiến thức lịch sử, mà còn học kiến thức môn sinh học, giáo dục công dân… Điều này cũng khắc phục việc học Lịch sử trước đây. Chúng tôi đã nghĩ đến việc đưa học sinh đến bảo tàng Lịch sử và các khu di tích để giúp học sinh tìm hiểu hiệu quả hơn".

LV/Báo Tin tức
Bài học lịch sử từ dịch 'cúm châu Á' 1957-1958
Bài học lịch sử từ dịch 'cúm châu Á' 1957-1958

Virus cúm xuất hiện tại Trung Quốc vào mùa Đông năm 1957 rồi nhanh chóng lây lan khắp thế giới qua tàu thuyền, máy bay và tàu hỏa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN