Tại Hội nghị trực tuyến “Sơ kết 1,5 năm thực hiện Chỉ thị số 296/CT- TTg của Thủ tướng Chính phủ về Đổi mới quản lý giáo dục đại học giai đoạn 2010- 2020 và tổng kết năm học 2010- 2011 khối các trường đại học, cao đẳng (ĐH- CĐ), lãnh đạo ngành giáo dục đã khẳng định, tuyển sinh ĐH- CĐ năm 2011- 2012 sẽ giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy, giao chỉ tiêu tuyển sinh phải căn cứ trên yêu cầu về chất lượng đào tạo…
Giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy
Nhìn lại vấn đề tuyển sinh năm 2011, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT) Bùi Văn Ga cho hay, một số trường đã thông tin, quảng bá thu hút thí sinh trong xét tuyển thiếu lành mạnh, gây phản cảm và bức xúc trong dư luận xã hội.
Học viên cao học tra cứu tư liệu tại thư viện của trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN |
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận thừa nhận: “Trong thời gian vừa qua, một số ngành, một số trường không tuyển đủ chỉ tiêu như Nông lâm, Nông nghiệp, Hán nôm, Điện hạt nhân, Nguyên tử, Sư phạm. Qua kiểm tra, một số trường chỉ có 50 giáo viên (số lượng chưa bằng trường THPT) nhưng lại có tới hàng chục ngành đào tạo. Thậm chí, có bộ môn chỉ có 2 - 3 giáo viên cơ hữu. Có trường diện tích chỉ 0,9 m2/sinh viên mà cơ sở lại đi thuê. Việc giao chỉ tiêu của Bộ chưa chính xác. Chúng tôi sẽ kiểm tra việc này kỹ hơn. Những trường được giao chỉ tiêu tăng đột biến, chắc sẽ điều chỉnh trở lại”.
Để giảm tình trạng này, tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT Bùi Văn Ga nhấn mạnh, tiếp tục giảm chỉ tiêu tuyển sinh hệ không chính quy, giảm dần chỉ tiêu tuyển sinh trung cấp chuyên nghiệp trong các trường ĐH, CĐ; Tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng để từng bước nâng cao chất lượng đào tạo chính quy. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ hệ chính quy năm 2012 về cơ bản vẫn giữ ổn định theo giải pháp “3 chung” (chung đợt, chung đề và chung kết quả thi để xét tuyển).
Bộ trưởng Bộ GD – ĐT Phạm Vũ Luận cho biết: “Bộ sẽ xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh, dựa trên giảng viên cơ hữu, diện tích phòng học và định mức mà Bộ đã công bố, lấy chất lượng làm đầu. Điều chỉnh này áp dụng cả với chỉ tiêu chính quy và dài hạn”.
Thận trọng giao quyền tự chủ tuyển sinh
Đảm bảo chất lượng, không phát triển tràn lan số trường đại học Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Chính phủ xác định vai trò của giáo dục đại học là rất to lớn và việc quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục đại học có nhiều thách thức. Vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần quán triệt, nâng cao nhận thức, tạo cơ chế động lực phát triển giáo dục đại học, kiên quyết chấm dứt việc không kiểm soát được chất lượng giáo dục đại học. Giải pháp đột phá để để đạt mục tiêu trên là đổi mới quản lý nhà nước về giáo dục đại học cũng như đổi mới quản lý trong từng cơ sở đại học. Phó Thủ tướng lưu ý: Đổi mới hoạt động giáo dục là phải đổi mới ngay từ công tác quy hoạch hệ thống trường học gắn với quy hoạch nguồn nhân lực; các trường phải thực hiện nguyên tắc đảm bảo trung thực, kỷ cương. Phó Thủ tướng nhấn mạnh: Với Chỉ thị 296 này, lần đầu tiên việc giải quyết đảm bảo phát triển cân đối giữa quy mô và chất lượng giáo dục đại học đã được coi trọng, các cấp quản lý đã nhìn rõ nguy cơ và hạn chế được tốc độ gia tăng quy mô của giáo dục đại học. Nguyễn Văn Cảnh |
Trước thông tin về một số trường có thể tự tổ chức tuyển sinh trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012, trao đổi với Tin Tức, Thứ trưởng Bộ GD – ĐT Bùi Văn Ga cho biết, hiện nay, Bộ đang đề nghị một số trường xây dựng phương án tuyển sinh. Trường nào có phương án tuyển sinh tốt sẽ được áp dụng nhưng hiện giờ Bộ vẫn chưa nhận được phương án tuyển sinh của trường nào nên chưa khẳng định sẽ giao quyền tự chủ tuyển sinh trong năm 2012.
Việc giao quyền tự chủ tuyển sinh phải được triển khai thận trọng và làm theo lộ trình rõ ràng. Điều này đòi hỏi các trường phải có lực lượng đủ mạnh, cách quản lý tốt, đặc biệt là đối với khâu ra đề thi. Có thể tiên phong trong việc này là hai ĐH Quốc gia. Phương án tuyển sinh được Bộ lựa chọn cũng phải theo hướng gọn nhẹ, thiết thực và hiệu quả. Đồng thời, những thay đổi về tuyển sinh phải làm từng bước bởi còn liên quan đến sự chuẩn bị cho học sinh THPT. Việc đổi mới trong thi cử cũng sẽ ảnh hưởng phần nào đến quá trình học tập của học sinh.
Lê Vân