Thứ trưởng Bộ GD - ĐT: Cần ngăn chặn các trường hạ điểm chuẩn

Ngày 5/3, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD- ĐT) đã họp với Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng ngoài công lập (NCL) theo yêu cầu của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để bàn về những kiến nghị khẩn cấp của Hiệp hội về nguy cơ tan rã của nhiều trường NCL. Nhiều vấn đề đã được Bộ GD - ĐT giải đáp. Trao đổi với báo chí, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Bùi Văn Ga (ảnh) cho biết, dù là giải pháp gì thì cũng phải tính toán đến đảm bảo chất lượng lâu dài, nếu chỉ giải quyết những vướng mắc tạm thời thì sau này còn khó cứu vãn hơn.



Thưa Thứ trưởng, Bộ có ý kiến gì trước việc các trường NCL kiến nghị là có phương án tuyển sinh riêng và không tổ chức thi, chỉ xét tuyển dựa vào kết quả phổ thông?


- Luật Giáo dục ủng hộ các trường xây dựng phương án tuyển sinh riêng: Thi, xét tuyển hoặc kết hợp cả hai. Quan trọng là cách làm phải đảm bảo công bằng và xã hội yên tâm về chất lượng.


Về phương án xét tuyển dựa trên kết quả học tập ở bậc phổ thông, hiện nay Bộ đang cho áp dụng đối với các trường khối nghệ thuật, thi 2 môn năng khiếu và điều kiện. Trong đó, cho phép xét tuyển 3 năm phổ thông môn Văn.


Tuy nhiên, dư luận xã hội cho rằng, không thi mà xét tuyển dễ dẫn tới chất lượng không tốt nên nhiều ý kiến chưa thực sự đồng tình. Việc thi “3 chung” như hiện nay được xã hội yên tâm về chất lượng. Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL cũng nên cân nhắc kỹ về ý kiến này.


Trước kiến nghị của Hiệp hội các trường ĐH, CĐ NCL, Bộ và các trường sẽ cùng nghiên cứu nhiều phương án, đảm bảo công bằng, tránh phức tạp và căng thẳng. Bộ không phân biệt giữa trường công, trường tư mà quan tâm nhất là đảm bảo quyền lợi người học. Nếu cho các trường ĐH, CĐ NCL cơ chế tuyển sinh riêng sẽ có sự phân biệt của xã hội. Hơn nữa, với cơ thế đặc thù tuyển sinh hoặc cho cơ chế dễ dãi hơn so với trường công lập thì chỉ giải quyết khó khăn cho các trường NCL trong thời gian một vài năm, sau đó, nếu xã hội không thừa nhận thì các vấn đề sẽ trầm trọng hơn, thậm chí có thể bế tắc hơn.


Bộ có xem xét cơ chế điểm sàn nào đối với các trường NCL không, thưa ông?


- Tại hội nghị tuyển sinh tổ chức cuối tháng 2/2013, nhiều trường ĐH, CĐ NCL đã phản ánh về tình trạng không tuyển đủ thí sinh. Mặc dù Hội đồng điểm sàn đã tính toán điểm sàn dôi dư lớn, tuy nhiên sự dịch chuyển của thí sinh không tính toán được chính xác nên nhiều trường gặp khó khăn. Thực trạng này Bộ GD - ĐT đã tiếp thu và sẽ xây dựng phương án điểm sàn theo hướng để các trường và địa phương đủ nguồn tuyển.


Với đề nghị có nhiều mức điểm sàn khác nhau, hiện Bộ đang xây dựng nghị định phân tầng và xếp hạng đại học, khi đó sẽ có cơ chế về nhiều mức điểm sàn khác nhau. Tuy nhiên, quan điểm của Bộ là vừa đảm bảo các trường đủ nguồn tuyển nhưng cũng phải ngăn chặn các trường liên tục hạ điểm chuẩn, ảnh hưởng đến chất lượng tuyển sinh.


Với thực trạng, sẽ có trường phải giải tán vì không tuyển đủ thí sinh. Bộ có bằng mọi cách cứu không, thưa ông?


- Trên nguyên tắc phải đảm bảo chất lượng, không thể hy sinh chất lượng. Chỉ tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ năm nay là 1,2 triệu thí sinh, trong đó 900.000 thí sinh mới. Chỉ tiêu ĐH, CĐ là 550.000 người còn lại là đào tạo nghề và trung cấp chuyên nghiệp. Nếu các trường ngoài công lập nâng cao uy tín vẫn có cơ hội tuyển sinh.



Hiện nay, các trường NCL còn gặp khó khăn về cơ sở vật chất. Bộ có cơ chế nào giao đất “sạch”, cấp đất gần khu dân cư cho các trường NCL hay không, thưa Thứ trưởng?


- Đất đai thì thuộc thẩm quyền của các địa phương, vì vậy Bộ không có ý kiến gì. Ngoài quy định muốn bố trí trường gần khu dân cư, gần dân để dễ tuyển được thí sinh thì trước khi thành lập, trường cần phải có ý kiến của địa phương. Từ nay về sau, địa phương và trường phải thống nhất với nhau về quỹ đất, nếu không thống nhất được thì không thỏa mãn các điều kiện về thành lập trường.


- Xin cảm ơn Thứ trưởng!



Lê Vân (ghi)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN