Thi trên máy tính: Lo nhất phần ngân hàng câu hỏi và kỹ thuật

Phương án thi thi THPT quốc gia mới được Bộ GD&ĐT trình Chính phủ với điểm mới là học sinh sẽ làm bài thi trên máy tính. Trước thông tin này học sinh, giáo viên khá bất ngờ. Bộ GD&ĐT cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng trước sự khác biệt của tình hình thực tế và phương án thi.

Lo cho học sinh miền núi

Một số học sinh lớp 11 khi được hỏi về phương án thi THPT quốc gia mới này khá bất ngờ. Các em cho rằng, nếu triển khai sẽ cần có thời gian. Các học sinh ở miền núi sẽ gặp khó khăn về khả năng tiếp cận máy tính không thường xuyên.

Chú thích ảnh
Kỳ thi đánh giá năng lực bằng hình thức thi trên máy tính đã được ĐH Quốc gia Hà Nội thực hiện. Ảnh: ĐH Quốc gia Hà Nội. 

Em Phạm Thị Phương Huyền, lớp 11, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết: Em bất ngờ trước thông tin phải làm bài thi THPT quốc gia trên máy tính. Các bạn xung quanh chia sẻ bài viết về vấn đề này nhiều. Phải thừa nhận, phương án này có ưu điểm là minh bạch, tránh gian lận. Việc tiếp cận sử dụng máy tính tương đối phổ biến nhưng khi gặp bài thi trực tiếp thì bản thân em cũng như nhiều bạn không tránh khỏi sự lúng túng.

Em Chu Quỳnh Hà, lớp 11, trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai, Hà Nội cho biết: Phương pháp mới có nhiều ưu điểm là tiết kiệm quá trình chấm thi, tránh gian lận nhưng em vẫn muốn chọn thi trên giấy. Nếu áp dụng thi trên máy tính như báo chí nêu thì hơi sớm. Để quen việc làm bài thi này cần giãn thời gian ra để học sinh chuẩn bị. Các bạn ở nông thôn sẽ gặp khó khăn nhiều hơn.

Còn cô Trần Thị Lam Oanh, Giáo viên trường THPT Nguyễn Thị Minh Khai nói: Tôi thấy Bộ GD&ĐT đề xuất phương án trong thời điểm này là hơi vội. Học sinh cần có thời gian chuẩn bị khi chuyển từ hình thức thi giấy sang máy tính. Trường tôi có cơ sở vật chất tốt nhưng không đủ máy tính để tập dượt. Làm bài thi trên máy tính thì chuyển nội dung nháp ra giấy khó khăn hơn và dễ sai sót.

Theo sát sự chuẩn bị 

Ở khía cạnh chuyên gia và là trường có thể sử dụng kết quả của kỳ thi chung này lại đồng tình nhưng điều họ lo lắng hơn cả là sự chuẩn bị.

PGS TS Trần Văn Tớp, Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội cho biết: Năm 2018, Bộ GD&ĐT công bố sau năm 2020 hình thức thi tốt nghiệp THPT quốc gia và tuyển sinh có những thay đổi. Năm 2018 đã thông qua Luật Giáo dục đại học, năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục. Trong đó có Luật Giáo dục nêu về khả năng cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình phổ thông cho những người không có có nhu cầu học lên đại học. Những năm qua có tới 30% học sinh phổ thông không có nhu cầu học lên đại học và chỉ cần chứng nhận hoàn thành chương trình, đặc biệt sau khi Luật Giáo dục đại học có hiệu lực. Vấn đề còn lại là giấy chứng nhận tốt nghiệp có giá trị như thế nào. Ví dụ, sau 3 - 5 năm đi làm, giấy chứng nhận có giá trị như bằng tốt nghiệp phổ thông không, người học có phải thi nữa không?

“Hiện nay, phương án thi mới của Bộ GD&ĐT phù hợp với lựa chọn số đông. Việc tổ chức đánh giá năng lực trên máy tính được hai trường ĐH quốc gia thực hiện và có đề án. Trường ĐH Bách khoa Hà Nội tuy chưa tổ chức nhưng trong trường có những học phần như Ngoại ngữ, Tin học đại cương tổ chức thi theo hình thức này. Rõ ràng, việc tổ chức thi trên máy tính là cơ sở nhưng để thực hiện được thì Bộ GD&ĐT cần có phương án triển khai rõ ràng. Tổ chức thi trên máy tính giảm thiểu can thiệp của con người, khách quan hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh. Giống như các kỳ thi: SIT, ICT hoặc thi bằng tiếng Anh đã tổ chức thi trên máy khá nhẹ nhàng và tuyển được người có năng lực. Nhưng tổ chức thi như thế nào, kỹ thuật ra sao lại là điều cần phải bàn rất cụ thể”, PGS TS Trần Văn Tớp nói.

Phân tích về điều này, PGS TS Trần Văn Tớp cho rằng, ở các thành phố lớn có thuận lợi về hạ tầng công nghệ thông tin và khả năng tiếp cận trên máy tính của học sinh nhiều hơn so với những vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Những học sinh ở vùng này phần lớn tiếp cận trên máy tính qua phòng thí nghiệm phổ thông, trong khi giờ thực hành, thí nghiệm lại không nhiều. Tôi e rằng đến khi thi thì thí sinh bỡ ngỡ quá. Để đánh giá kỳ năng lực của một kỳ thi có độ phủ rộng 63 tỉnh, thành, cần tập trung nguồn lực trí tuệ, xây dựng nguồn dữ liệu đủ lớn. Bộ dữ liệu đủ lớn theo các lĩnh vực từ Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội… Trong câu hỏi tích hợp nhiều kiến thức, môn học khác nhau và liên tục cập nhật. Những người xây dựng đến từ các thầy cô dạy phổ thông, giảng viên các trường đại học.

Theo Luật Giáo dục, các trường tự chủ có đề án tuyển sinh riêng, tổ chức thi riêng. Tổ chức thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học đến năm 2020 sẽ vẫn theo phương thức 2 trong 1. Với phương án mới sẽ có thời gian chuẩn bị và công bố từ 2021 - 2025.

Giải thích vì sao trong những năm qua ĐH Bách khoa Hà Nội không tổ chức thi riêng, PGS TS Trần Văn Tớp cho biết, nếu cả nước thi chung mà trường tách riêng sẽ bị ảo. Khi tổ chức thi, thí sinh tham gia đông nhưng khi gọi thì nhập học rất thấp. Chưa kể, nếu tổ chức thi riêng thì không so sánh được năng lực thí sinh.    

Phương án thi trên máy tính này vẫn được các trường đại học theo sát phương thức chuẩn bị của Bộ GD&ĐT.

Lê Vân/Báo Tin tức
Bộ GD&ĐT trình phương án thi THPT quốc gia mới: Thi trên máy nhiều lần trong năm
Bộ GD&ĐT trình phương án thi THPT quốc gia mới: Thi trên máy nhiều lần trong năm

Sáng 25/9, Bộ GD&ĐT đã có tờ trình Chính phủ về phương án tổ chức thi, xét công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2020. Điểm đáng lưu ý của phương án này là học sinh thi trên máy tính nhiều lần trong năm do các tổ chức khảo thí độc lập đáp ứng theo tiêu chí của Bộ GD&ĐT tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN