Thi tốt nghiệp THPT đợt 2: ​​Đề Ngữ văn bám sát chương trình THPT

Sáng 6/8, gần 12.000 thí sinh của 38 tỉnh, thành phố trên cả nước bước vào ngày thi đầu tiên của đợt 2 kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 với môn thi Ngữ văn. Đề thi được giáo viên đánh giá là phù hợp với kỳ thi tốt nghiệp, nhưng ít câu hỏi mở và khả năng phân loại thí sinh chưa cao.

Chú thích ảnh
Hai thí sinh trong khu vực phong tỏa được bố trí phòng thi riêng, cán bộ coi thi mặc đồ bảo hộ. Ảnh: Xuân Triệu/TTXVN

Đợt 2 của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 có gần 12.000 thí sinh của 38 tỉnh, thành phố tham dự. Cả nước có 13 Hội đồng thi, với 49 điểm thi, 683 phòng thi.

13 Hội đồng thi đặt tại các tỉnh Cao Bằng, Hưng Yên, Bắc Giang, Hải Phòng, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, An Giang, Tiền Giang, Vĩnh Long, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đồng Nai.

Bài thơ "Tây Tiến" của tác giả Quang Dũng đi vào phần nghị luận văn học, với nội dung thí sinh trình bày cảm nhận và nhận xét cảm hứng lãng mạn trong bài thơ.

Chú thích ảnh
Đề thi Ngữ văn chính thức đợt 2 Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. 

TS Phạm Hữu Cường, giáo viên tại Hệ thống Giáo dục HOCMAI cho biết: "Đề thi tốt nghiệp môn Ngữ Văn đợt 2 năm 2021 có cấu trúc và yêu cầu về kiến thức, kĩ năng tương đương đề thi tốt nghiệp môn Ngữ văn lần 1 năm 2021. Đề thi có khả năng đánh giá được năng lực người học, thông qua yêu cầu vận dụng kiến thức, giảm yêu cầu thuộc lòng, ghi nhớ máy móc hay trả lời theo khuôn mẫu có sẵn". 

"Đề thi bám sát chương trình THPT, nhất là chương trình Ngữ văn 12. Độ dài các câu tương đối hợp lý. Yêu cầu về mức độ kiến thức và kĩ năng trong đề thi khá cơ bản, phù hợp với học sinh có học lực trung bình và khá. Các câu trong đề nhìn chung được sắp xếp từ dễ đến khó, đảm bảo được việc kiểm tra kiến thức và kĩ năng ở các mức độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Tuy nhiên, đề thi cũng ít câu hỏi mở, khả năng phân loại thí sinh chưa cao, nhưng vẫn đáp ứng được yêu cầu vừa xét công nhận tốt nghiệp THPT, vừa dùng để xét tuyển sinh đại học, cao đẳng", TS Phạm Hữu Cường cho biết. 

Về ngữ liệu đọc hiểu, TS Phạm Hữu Cường cho rằng, phần câu hỏi này tương đối hay và có tính thời sự, đề cập đến mối quan tâm chung của nhân loại. Trong đề thi các câu hỏi ở phần đọc hiểu khá cơ bản, không khó đối với học sinh có học lực trung bình trở lên. Các em chỉ cần đọc kĩ văn bản, vận dụng các kĩ năng đọc hiểu thông thường là có thể hoàn thành tốt các câu hỏi này. Vì vậy, ở phần đọc hiểu, sẽ khá nhiều thí sinh đạt được từ 2 đến 2,5 điểm, thậm chí đạt điểm tối đa.  

"Câu nghị luận xã hội không khó và khá quen thuộc, ít có khả năng khơi gợi hứng thú làm bài cho học sinh. Ở câu này, học sinh có học lực trung bình và khá có thể giải quyết được những yêu cầu cơ bản của đề bài, nên việc đạt được từ 1,5 đến 2 điểm cũng là trong tầm tay", TS Phạm Hữu Cường cho biết. 

TS Phạm Hữu Cường phân tích: "Là câu có nhiều “chất văn” hơn cả, câu nghị luận văn học (câu 2, phần II) có thể khơi gợi được ít nhiều hứng thú làm bài của học sinh. Các em chỉ cần bám sát văn bản, vận dụng kĩ năng phân tích và năng lực cảm thụ văn học của mình là có thể hoàn thành được phần lớn yêu cầu của đề. Ở câu này, yêu cầu “nhận xét về càm hứng lãng mạn của Quang Dũng trong đoạn thơ” giúp phân hóa trình độ thí sinh".

"Với đề thi này, phổ điểm chủ yếu mà học sinh đạt được sẽ vào khoảng 7 - 8 điểm", TS Phạm Hữu Cường nhận định. 

Lê Vân/Báo Tin tức
Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)
Phổ điểm thi tốt nghiệp THPT 2021 khối C (Ngữ văn, Lịch sử, Địa lí)

Ngày 26/7/2021, cùng với việc công bố phổ điểm các môn thi của Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021 đợt 1, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố kết quả phân tích phổ điểm của một số khối thi. Theo đó, ở khối C, số thí sinh đạt điểm từ trên 18-19 điểm là nhiều nhất.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN