Tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học

Chính phủ vừa báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 về hoạt động chất vấn tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, trong đó có nội dung quản lý, sử dụng biên chế giáo viên, khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ và thiếu giáo viên tại các cấp học do tăng quy mô học sinh, triển khai các môn học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Chú thích ảnh
Một tiết học tại trường PTDTBT-THCS Keo Lôm, xã Keo Lôm, huyện Điện Biên Đông (tỉnh Điện Biên). Ảnh: Xuân Tư/TTXVN

Theo báo cáo, Quyết định số 72-QĐ/TW của Bộ Chính trị về biên chế các cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương đã nêu rõ việc bổ sung biên chế giáo viên công lập năm 2022-2023 cho từng địa phương.

Nhằm thực hiện giao bổ sung kịp thời biên chế giáo viên cho năm học 2022-2023, đảm bảo đúng các quy định của Đảng và pháp luật về quản lý biên chế, Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ quán triệt, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng hiệu quả số biên chế giáo viên được giao; tuyển dụng giáo viên trong chỉ tiêu biên chế theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm đúng tiêu chuẩn, vị trí việc làm, cơ cấu môn học theo từng bậc học. Tổ chức lại các cơ sở giáo dục gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; rà soát, sắp xếp, điều chỉnh lại quy mô lớp học; thu gọn lại các điểm trường trên nguyên tắc thuận lợi cho người dân và phù hợp với điều kiện thực tế của vùng, miền, địa phương.

Cùng với đó, nâng cao mức độ tự chủ tài chính của sơ sở giáo dục công lập, đẩy mạnh xã hội hóa lĩnh vực sự nghiệp giáo dục, nhất là xã hội hóa đối với bậc học mầm non và tiểu học. Theo đó, giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước, bảo đảm đúng chủ trương theo Kết luận số 40-KL/TW về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026. Thực hiện nghiêm việc tinh giản biên chế, cơ cấu lại đội ngũ viên chức theo đúng quy định của  Đảng và của pháp luật.

Theo Chính phủ, tình trạng thừa, thiếu giáo viên của các địa phương là vấn đề mang tính khách quan trong điều kiện sắp xếp, cơ cấu lại trường, lớp, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông, hoàn thiện về tiêu chuẩn đội ngũ giáo viên, đặc biệt đối với một số địa bàn có sự gia tăng dân số cơ học, tập trung phát triển nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế, khu đô thị.

Để khắc phục tình trạng này, trên cơ sở tổng kết Nghị quyết số 39-NQ/TW, Chính phủ đã kịp thời báo cáo Bộ Chính trị để bổ sung 65.980 biên chế giáo viên, trong đó, đối với năm học 2022-2023 đã bổ sung 27.850 biên chế. Đối với năm học 2023-2024, Chính phủ giao Bộ Nội vụ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát nhu cầu thừa, thiếu giáo viên đối với từng bậc học để bổ sung cho các địa phương. Đồng thời, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 111/2022/NĐ-CP (về hợp đồng đối với một số loại công việc trong cơ quan hành chính và đơn vị sự nghiệp công lập), trong đó có quy định các địa phương chưa được giao đủ định mức sẽ được ký hợp đồng đối với giáo viên, bảo đảm kịp thời bố trí đủ nguồn nhân lực trong các cơ sở giáo dục công lập.

Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Nội vụ hướng dẫn các địa phương xây dựng phương án tạo nguồn bổ sung giáo viên các cấp học, nhất là tăng cường đào tạo giáo viên mầm non, tiểu học, giáo viên dạy các môn học thuộc Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Trong đó có việc tiếp tục hợp đồng thỉnh giảng đối với những giáo viên đạt chuẩn trình độ đào tạo theo quy định tại Điều 77 Luật Giáo dục năm 2005 đã ký hợp đồng trước ngày 01/7/2020. Nghiên cứu, trình cấp có thẩm quyền cơ chế, chính sách để thu hút sinh viên sư phạm ra trường trở về địa phương giảng dạy; thu hút sinh viên giỏi tốt nghiệp chuyên ngành đào tạo giáo viên hoặc sinh viên giỏi tốt nghiệp các ngành khác có nguyện vọng dự tuyển vào làm giáo viên, ngoài những chính sách được quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP quy định về chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm.

Cùng với đó, chủ động rà soát số giáo viên được đào tạo ra trường chưa đạt trình độ chuẩn theo quy định tại Điều 72 Luật Giáo dục năm 2019, lập kế hoạch, ký hợp đồng đặt hàng đối với các cơ sở giáo dục đại học được giao đào tạo giáo viên thực hiện đào tạo để đạt trình độ chuẩn theo quy định của Luật Giáo dục năm 2019. Nghiên cứu, dự báo quy mô dân số trong độ tuổi đi học của từng cấp, bậc học tại địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng nguồn nhân lực phục vụ cho ngành Giáo dục để có phương án đào tạo nhà giáo, bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình bổ sung biên chế giai đoạn 2026-2030.

Chu Thanh Vân (TTXVN)
Đà Nẵng: Không học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài trong giờ chính khóa ở bậc Tiểu học
Đà Nẵng: Không học tiếng Anh với giáo viên nước ngoài trong giờ chính khóa ở bậc Tiểu học

Trước dư luận một số trường Tiểu học tổ chức học tiếng Anh với giáo viên người nước ngoài trong giờ chính khóa, ngày 28/9, Sở Giáo dục và Đào tạo thành phố Đà Nẵng cho biết đã yêu cầu các trường chỉ dạy ngoài giờ chính khóa, trên tinh thần tự nguyện của cha mẹ học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN