Sẵn sàng để tự chủ sau năm 2015

Dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2014 đang nhận được nhiều ý kiến khác nhau. Bắt đầu từ số báo ra ngày hôm nay, báo Tin Tức mở diễn đàn đăng tải ý kiến của một số chuyên gia đầu ngành, nhà giáo, nhà quản lý giáo dục... về vấn đề này.


Ông Hoàng Văn Châu, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại thương Hà Nội: Sẽ nhờ ra đề


Luật Giáo dục đại học đã có hiệu lực, vì vậy việc các trường thực hiện tự chủ là hợp lý, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Theo tôi, dự thảo quy định về tự chủ tuyển sinh các trường ĐH, CĐ 2014 có lộ trình khá hợp lý. Trước mắt, các trường cần hoàn tất đề án để Bộ GD - ĐT xem xét. Bộ cũng đưa ra các phương án để các trường lựa chọn hình thức phù hợp với mình: Có thể tự tổ chức kỳ thi hoặc làm theo nhóm. Đối với các trường có khó khăn về tuyển sinh, thì có thể nhờ kỳ thi “3 chung” của Bộ. Về lâu dài, nếu chưa thể tự chủ hoàn toàn trong tuyển sinh, các trường có thể nhờ Trung tâm khảo thí của hai trường Đại học Quốc gia: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh để giúp cho việc đề thi, là khâu quan trọng nhất trong việc thực hiện tự chủ tuyển sinh.

 

Vấn đề tự chủ trong tuyển sinh ĐH, CĐ nhận được nhiều ý kiến khác nhau từ dư luận. Ảnh: Quý Trung - TTXVN


Trường ĐH Ngoại thương đang trong quá trình hoàn thiện đề án tự chủ tuyển sinh riêng. Trước mắt, vẫn sử dụng kỳ thi “3 chung” của Bộ GD - ĐT. Theo tôi, lộ trình Bộ đưa ra cho các trường chuẩn bị tự chủ tuyển sinh từ nay đến năm 2016, là phù hợp. Trong 3 năm “quá độ", trường sẽ thực hiện tự chủ tuyển sinh ở một số ngành, khoa, nhất là những chương trình tiên tiến, chất lượng cao. Theo tôi, khâu khó nhất của việc tự chủ tuyển sinh chính là khâu ra đề, bảo mật, sự chính xác và có tính phân loại cao. Có thể sắp tới Trường Ngoại thương cũng nhờ trung tâm khảo thí của ĐH Quốc gia Hà Nội giúp làm đề thi.

 

TS Nguyễn Kim Sơn, Phó Hiệu trưởng ĐH Quốc gia Hà Nội: Thí điểm từ các trường thành viên


Trường ĐH Quốc gia Hà Nội tán thành với những điểm mà Bộ đưa ra trong dự thảo tự chủ tuyển sinh. Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ 2014, trường vẫn sử dụng kết quả "3 chung". Đồng thời từ năm 2014, mỗi khoa của các trường đại học thành viên sẽ thí điểm tự chủ. Trong quá trình đó, trường tiếp tục hoàn thiện phương án tuyển sinh riêng của trường mà trước đó đã trình Bộ GD - ĐT.


Tôi cho rằng, việc chuyển từ kiểm tra kiến thức sang đánh giá năng lực cần một quá trình. Trường đã chuẩn bị một bộ công cụ, kiểm tra năng lực, phẩm chất người học.Với thí sinh đã trúng tuyển vào trường, chúng tôi sẽ dùng bộ công cụ đó để đánh giá qua đó tuyển sinh vào đào tạo theo chương trình chất lượng cao, chương trình tiên tiến. Việc thi “3 chung” hiện nay vẫn rất cần thiết, thí sinh sẽ làm bài thi đánh giá năng lực tổng hợp với 10 năng lực cốt lõi như ngôn ngữ, khoa học tự nghiên, xã hội... Thời gian làm bài khoảng từ 4 - 4,5 giờ. Dự kiến đến năm 2015, ĐH Quốc gia Hà Nội sẽ triển khai đại trà phương thức thi này. Khi đó, thí sinh đủ điều kiện dự thi đại học sẽ được tham gia bài thi đánh năng lực thường xuyên tại trường.

 

PGS. TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng: Phải có sự giám sát


Ý kiến của các trường ngoài công lập cho rằng việc tuyển sinh riêng là việc của các trường, không cần có đề án, là không hợp lý. Theo tôi, trong dự thảo tuyển sinh, việc cần có đề án tuyển sinh riêng và được xã hội giám sát là hợp lý. Nên đáp ứng đầy đủ nội dung quy định. Đề án chính là “quy chế tuyển sinh của trường” mà các cơ quan quản lý Nhà nước và xã hội dựa vào đó để giám sát. Nếu trường không có đề án tuyển sinh riêng thì rất khó cho việc phân định đúng sai, công bằng.


Trước mắt, nếu đề án của trường nào phù hợp thì sẽ để trường đó làm trước. Vẫn có 3 năm để các trường chuẩn bị, trong khi chuẩn bị thì vẫn có thể sử dụng kết quả “3 chung”. Đây là cách làm rất mở mà Bộ đưa ra.

 

GS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường ĐH, CĐ ngoài công lập: Không nên quy định điểm sàn


Theo tôi, dường như Bộ GD - ÐT chưa thật sự sẵn sàng trao ngay quyền tự chủ tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ÐH, cho nên trong dự thảo quy định đã đưa ra những yêu cầu quá phức tạp. Bộ chỉ nên xem kỳ thi chung do Bộ tổ chức như là một dịch vụ công ích cần thiết để hỗ trợ cho các cơ sở giáo dục ÐH. Đây là việc làm giúp các trường thực hiện quyền tự chủ tuyển sinh của mình. Vì vậy, quy định điểm sàn như hiện nay không hợp lý, vì đề thi năm dễ, năm khó, lại đều nằm trong chương trình phổ thông thì khó có thể xác định là chuẩn quốc gia đầu vào được.


Về lâu dài, cần nhập hai kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ÐH, CÐ làm một và thực hiện trao quyền tự chủ xét tuyển sinh cho các cơ sở giáo dục ÐH. Trong đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT phải làm nghiêm túc để có chuẩn quốc gia về đầu vào cho các trường ÐH, CÐ dùng xét tuyển sinh. Kinh nghiệm thế giới cho thấy, chuẩn trình độ đầu vào của các cơ sở giáo dục ÐH thường được nhiều quốc gia chọn là văn bằng tốt nghiệp THPT hoặc các văn bằng tương đương khác.


Phần lớn các trường thuộc Hiệp hội các trường ÐH, CÐ ngoài công lập đều cho rằng, để có được quyền tự chủ tuyển sinh thật sự, Bộ cần xác định: Chỉ đưa ra các quy định về công tác tuyển sinh, không nên bắt từng trường phải trình duyệt đề án tuyển sinh thì mới công nhận quyền tự chủ; thay cụm từ "kỳ thi" bằng cụm từ "kỳ tuyển sinh"; bỏ quy định điểm sàn và công bố quy định quốc gia về trình độ đầu vào tối thiểu của các cơ sở giáo dục ÐH.


Lê Vân

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN