Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019: Bài cuối: Thiếu giáo viên cục bộ ở một số địa phương

Một trong những điểm nóng trước thềm năm học mới 2018- 2019 là vấn đề thiếu giáo viên ở một số địa phương. Nhiều địa phương đang tìm phương án giải quyết vấn đề này.

Địa phương loay hoay với thiếu giáo viên

Theo Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông, năm học 2018 - 2019, toàn tỉnh có gần 173.000 học sinh, tăng hơn 7.000 em so với năm học trước. Đây là mức tăng cao nhất trong vòng mấy năm trở lại đây. Nguyên nhân chính dẫn tới thực trạng này là do số dân di cư không theo quy hoạch liên tục tăng trong các năm gần đây. Năm nay, ngoài đội ngũ gần 9.500 giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục theo biên chế, các địa phương trong tỉnh Đắk Nông dự kiến cần hợp đồng khoảng 600 giáo viên, chủ yếu là giáo viên bậc học mầm non, mới đáp ứng cơ bản nhu cầu dạy và học.

Chú thích ảnh
Nhiều phụ huynh ôm con ngồi sân trường bức xúc vì con mình không được nhận vào lớp học. Ảnh: Phan Quân - TTXVN

Ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông cho biết tổng số học sinh tại Đắk Nông liên tục tăng từ thời điểm thành lập tỉnh vào năm 2004. Trong khi đó, từ năm 2015 đến nay, biên chế giáo dục giữ nguyên, không được bổ sung nên ngày càng khó khăn.

Năm nay, Sở Giáo dục - Đào tạo Đắk Nông đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục - Đào tạo ưu tiên tổ chức dạy học 2 buổi/ngày đối với trẻ 5 tuổi; lưu ý các địa phương bố trí đủ giáo viên cho các khu vực còn nhiều khó khăn, khu vực đông đồng bào dân tộc thiểu số với mục tiêu chính là đảm bảo tăng cường khả năng tiếng Việt cho các cháu trước khi vào lớp 1. Bên cạnh đó, đối với các khu vực quá thiếu giáo viên, ngành giáo dục Đắk Nông sẽ cho tăng số học sinh mỗi lớp để đảm bảo nhu cầu của học sinh mầm non.

Còn ở Quảng Ngãi, ngày khai giảng đang đến gần nhưng lãnh đạo ngành giáo dục tại tỉnh này vẫn lo lắng với vấn đề thiếu giáo viên, nhưng lại không thể ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế.

Lý do là vì, công văn số 2843 ngày 29/7/2014 của Bộ Nội vụ về thực hiện đúng quy định việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức nêu rõ: Không thực hiện việc ký hợp đồng để làm công việc chuyên môn, nghiệp vụ trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị hành chính. Thực hiện công văn này, ngày 9/4/2018, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ngãi có Công văn số 2681 yêu cầu từ năm 2019 trở đi các cơ quan, đơn vị hành chính chấm dứt hợp đồng với người lao động ký hợp đồng lao động làm việc chuyên môn, nghiệp vụ có tính chất thường xuyên. Vì vậy, từ năm học 2018-2019, các Phòng Giáo dục và Đào tạo trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi không ký hợp đồng lao động với giáo viên ngoài biên chế.

Theo thống kê của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà, năm học này toàn huyện có khoảng 5.900 học sinh ở 3 cấp học Mầm non, Tiểu học và Trung học cơ sở. Ngoài số giáo viên biên chế theo định mức, hiện huyện thiếu 91 giáo viên, nhân viên, trong số đó có 41 giáo viên. Cụ thể, bậc Mầm non thiếu 16 giáo viên, Tiểu học thiếu 15 giáo viên và Trung học cơ sở thiếu 10 giáo viên. Theo quy định, nếu các điểm trường bậc Tiểu học có lớp ghép thì tổng số học sinh trong lớp không được quá 15 em. Tuy nhiên, hiện nay số học sinh tại nhiều lớp ghép đã tăng đến 27 em/lớp.

Ông Phạm Sơn, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tây Trà cho biết: Năm học 2017-2018, Phòng ký hợp đồng với 167 giáo viên. Nhưng năm học 2018-2019 này, Phòng không được phép ký hợp đồng với giáo viên ngoài biên chế, nên chúng tôi đang rất lo lắng. Khó khăn nhất là giáo viên môn tiếng Anh, vì môn này giáo viên bộ môn khác không thể thay thế được. Hiện mỗi trường của huyện chỉ có 1 giáo viên tiếng Anh, nhưng lại có đến 8-9 lớp học môn này, nên giáo viên rất khó để hoàn thành nhiệm vụ.

Không chỉ huyện Tây Trà, nhiều huyện khác cũng đang có chung khó khăn này. Tại Trà Bồng, bậc Mầm non của huyện thiếu 20 giáo viên, bậc Tiểu học thiếu 14 giáo viên. Tuy nhiên, trên địa bàn huyện lại thừa 20 giáo viên ở bậc Trung học cơ sở. Ông Trần Minh Diệp, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Trà Bồng, cho hay: Nếu không được ký hợp đồng để bổ sung số giáo viên còn thiếu, chúng tôi buộc phải giảm quy mô bán trú để đưa giáo viên về các điểm trường thiếu giáo viên. Điều này đi ngược với chủ trương của ngành và sẽ kéo chất lượng giáo dục đi xuống. Nhưng nếu không làm vậy, các điểm trường sẽ không có giáo viên đứng lớp.

Năm học mới đang cận kề, tuy nhiên đến thời điểm hiện tại ngành chức năng vẫn chưa có giải pháp cụ thể cho tình trạng thiếu giáo viên ở Quảng Ngãi.

Chưa hết, những ngày cuối tháng 8/2018, thông tin từ TP Hà Tĩnh, thị xã Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) có tới hơn 1.200 trẻ chưa được đến trường. Về việc này, theo lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Tĩnh, nguyên nhân chính do thiếu giáo viên nên phải cắt giảm lớp. Tỉnh Hà Tĩnh đang nỗ lực tìm giải pháp để giải quyết vấn đề tuyển sinh đầu năm học.

Theo kế hoạch, năm học này, Trường Mầm non Thạch Linh (thành phố Hà Tĩnh) tuyển sinh 10 lớp, trong đó có 2 lớp dành cho trẻ 3 tuổi, với tổng số 50 cháu. Ngày 20/8, đã có 127 cháu 3 tuổi có nhu cầu đến nhập học nhưng nhà trường chỉ nhận được 50 học sinh. Số học sinh còn lại không được nhận vào học khiến nhiều phụ huynh rất bức xúc. Theo cô giáo Lê Thị Thắng, Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Linh: Nguyên nhân do nhà trường thiếu giáo viên và lớp học. Trường cũng đã đề xuất bổ sung thêm giáo viên, tăng thêm lớp học để đáp ứng nhu cầu của phụ huynh và học sinh.

Không chỉ riêng Trường Mầm non Thạch Linh, năm học 2018-2019, trên địa bàn thành phố Hà Tĩnh có 303 trẻ mẫu giáo, 85 trẻ trong độ tuổi đi nhà trẻ thuộc địa bàn các phường Trần Phú, Bắc Hà, Tân Giang, Thạch Bình, Đại Nài đang có nhu cầu vào học tại các trường mầm non công lập nhưng chưa thể bố trí.

Tại huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh, vấn đề quá tải vào đầu năm học cũng đang khiến ngành Giáo dục và Đào tạo địa phương đau đầu tìm cách giải quyết. Tính đến ngày tựu trường, huyện Kỳ Anh còn 404 cháu, thị xã Kỳ Anh với 447 cháu có nhu cầu đến trường nhưng do thiếu phòng học và giáo viên nên đến nay số trẻ nói trên vẫn đang phải ở nhà.

Đã nhiều năm qua, việc tuyển dụng giáo viên ở Hà Tĩnh không được thực hiện bởi tình trạng thừa - thiếu giáo viên cục bộ ở các cấp học, môn học và các địa phương. Năm học 2017-2018, Hà Tĩnh thiếu gần 1.000 giáo viên bậc tiểu học, mầm non, trong đó môn Tin học, Tiếng Anh tại bậc tiểu học chưa bố trí đủ giáo viên đứng lớp, đúng tiết theo quy định.

Để giải quyết tình trạng này, ngày 25/7/2018, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có văn bản đồng ý chủ trương tuyển 410 giáo viên (226 giáo viên mầm non, 184 giáo viên văn hóa bậc tiểu học). Tuy nhiên, việc tuyển mới 410 giáo viên này mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ nhu cầu thiếu giáo viên, đặc biệt ở bậc mầm non.

Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Kỳ Anh Nguyễn Thị Hải Đường cho biết: Để giải quyết việc quá tải học sinh, ngành đã tham mưu UBND huyện hỗ trợ mức lương tối thiểu cho giáo viên hợp đồng. Những địa phương nào có nhu cầu lớn giao hiệu trưởng các trường xem xét để quyết định sử dụng phòng chức năng đảm bảo an toàn làm phòng học...

 Sẽ điều chỉnh biên chế

Chú thích ảnh
Cô và trò Trường Tiểu học Lương Định Của, Quận 3 cùng sinh hoạt lớp trong ngày đầu tiên của năm học. Ảnh: Thu Hoài - TTXVN

 Trước vấn đề ngày, ngày 31/8, Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Hữu Độ đã trả lời báo chí. Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, thừa/thiếu giáo viên xảy ra ở một số địa phương là do biến động về quy mô trường/lớp do dồn dịch, cơ cấu lại các trường hoặc do tăng dân số cơ học tại các khu vực trung tâm, thành phố lớn, khu công nghiệp dẫn tới việc thừa/thiếu cục bộ tại một số địa phương, khu vực nhất định...

“Bộ GD- ĐT luôn xác định và đề cao vai trò có tính chất “then chốt ” của đội ngũ giáo viên - nhân tố quyết định đến kết quả và sự thành công trong triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ năm học cũng như công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo và đổi mới chương trình giáo dục phổ thông. Ngay từ học kỳ II của năm học 2017-2018, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo các địa phương rà soát hiện trạng giáo viên theo từng môn học, cấp học gắn với quy hoạch, cơ cấu lại hệ thống các cơ sở giáo dục để sắp xếp, bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ giáo viên hiện có cho năm học 2018-2019; đồng thời, điều chỉnh chỉ tiêu tuyển sinh sư phạm sát với nhu cầu sử dụng”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ nhấn mạnh.

Trước vấn đề thừa/thiếu cục bộ giáo viên, đặc biệt là vấn đề thiếu giáo viên do tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh đang xảy ra ở một số địa phương, Bộ GD - ĐT đã chỉ đạo tiếp tục rà soát, quy hoạch mạng lưới trường/lớp, không để những trường quy mô nhỏ; những lớp có số lượng học sinh không đủ theo định mức để thực hiện điều tiết giáo viên từ những trường thừa sang những trường/lớp thiếu giáo viên; ưu tiên bố trí biên chế của các địa phương để tuyển dụng giáo viên, không xảy ra tình trạng có học sinh mà không có giáo viên dạy học.

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ, để khắc phục tình trạng còn một số lượng lớn giáo viên mầm non, phổ thông đang hợp đồng lao động và tình trạng thiếu giáo viên mầm non, nhất là việc một số địa phương có tăng trưởng “nóng” về quy mô học sinh do phát triển mạnh các khu công nghiệp. Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2018, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo và giao cho Bộ Nội vụ chủ trì phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, điều chỉnh chỉ tiêu biên chế ngành giáo dục của một số địa phương cho phù hợp với mức tăng dân số cơ học, bảo đảm phù hợp với Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017 của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập.

Cụ thể, Bộ Nội vụ đã họp bàn với Bộ GD - ĐT thống nhất chỉ đạo Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiến hành rà soát vấn đề biên chế, hợp đồng lao động đối với giáo viên trong các đơn vị sự nghiệp công lập ngành Giáo dục; rà soát, tổng hợp về dân số, số học sinh trên địa bàn từ năm 2015 đến năm 2018 nhằm làm rõ việc tăng, giảm về dân số và tăng, giảm học sinh tại các cấp học, bậc học, trong đó tập trung làm rõ việc tăng, giảm học sinh cơ học tại các cấp học, bậc học ở các địa bàn có khu công nghiệp, khu chế xuất, khu đô thị.

Trên cơ sở đó tổng hợp nhu cầu về giáo viên cần tăng thêm của tỉnh sau khi đã thực hiện tự điều chỉnh, cân đối trong tổng số người làm việc được giao của địa phương nhưng vẫn không thể đáp ứng được nhu cầu để Bộ Nội vụ thống nhất với Bộ Giáo dục và Đào tạo phương án trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định để giải quyết những khó khăn, bất cập của các phương nhằm bảo đảm không để xảy ra tình trạng có trường, lớp, học sinh mà không có giáo viên giảng dạy.

Về những chỉ đạo từ năm học trước để đảm bảo giáo viên đứng lớp, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ khẳng định: Các địa phương đang thực hiện việc tuyển dụng, sắp xếp đội ngũ và tổ chức các khóa bồi dưỡng hè về chính trị, phương pháp, nghiệp vụ dạy học cho tất cả cán bộ quản lý, giáo viên các cấp; tiếp tục thực hiện các chính sách và làm tốt việc đánh giá, tôn vinh, khen thưởng đối với đội ngũ.

“Đi cùng với đó, Bộ chỉ đạo các địa phương thực hiện đánh giá cán bộ quản lý, giáo viên theo các chuẩn/tiêu chuẩn mới được ban hành thay thế cho các chuẩn trước đây nhằm giúp cho bộ có được bức tranh tổng thể về chất lượng đội ngũ, từ đó có những chỉ đạo và kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ”, Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết.

 

Theo Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục, Bộ GD – ĐT: Đến tháng 8/2018, so với định mức giáo viên/lớp quy định, cả nước thiếu 43.732 giáo viên mầm non, 18.953 giáo viên tiểu học, 10.142 giáo viên THCS (đây là số thiếu cục bộ ở một số địa phương, mặc dù cả nước hiện vẫn thừa 12.165 giáo viên THCS).

 

Lê Vân - TTN/Báo Tin tức
Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019: Bài 2: Kiên quyết với vấn đề lạm thu trong trường học
Sẵn sàng cho năm học mới 2018-2019: Bài 2: Kiên quyết với vấn đề lạm thu trong trường học

Một trong những vấn đề được nhắc đến đầu năm học mới là lạm thu. Mặc dù, lạm thu là một trong những căn bệnh không mới nhưng đến hẹn lại lên, đầu năm học, vấn đề này tiếp tục được đưa ra.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN