Phụ huynh được chủ động với đồng phục học sinh

Chỉ còn vài ngày nữa, năm học 2018- 2019 bắt đầu. Để chuẩn bị cho con vào năm học mới, nhiều phụ huynh đều trải qua bước chuẩn bị đồng phục cho con.

Hạn chế sự khó dễ

Từ vài năm trở lại đây,việc may mặc đồng phục đã không còn cứng nhắc như trước. Đó là việc phụ huynh bắt buộc phải mua đồng phục của nhà trường. Nhiều phụ huynh than thở rằng vải may quần đồng phục đều pha nilon, đũng quần chật, rất bí bách. Thậm chí, nhiều học sinh sợ mặc đồng phục. Nay thay vào đó, nhiều trường đưa ra mẫu mã và phụ huynh lấy mẫu đi may. Tùy điều kiện, các gia đình có thể lựa chọn vải phù hợp.

 

Chú thích ảnh
Đồng phục của học sinh THCS Lý Thường Kiệt khá linh hoạt. Ảnh: Tạ Nguyên

  

Cô Đặng Thị Hồng Hải, Hiệu trưởng trường THCS Lý Thường Kiệt, Hà Nội cho biết : Về đồng phục, 5 năm nay trường không thay đổi mẫu mã đồng phục, nhà trường cũng không ép buộc học sinh phải may đồng phục đầu năm học mới. Thường nhà trường sẽ đưa ra các mẫu đồng phục cho phụ huynh và học sinh lựa chọn thống nhất, đơn giản là áo trắng, quần sẫm màu. Phụ huynh có thể may hoặc chủ động mua cho con miễn là đảm bảo đúng mẫu chung.

Tuy nhiên, mặc dù phụ huynh được chủ động nhưng vẫn còn những tiếng kêu. Chị N.T.M (Tòa nhà A6, Giảng Võ, Ba Đình, Hà Nội) cho biết: “Nếu đồng phục đơn giản như quần sẫm màu, áo trắng, đính những tấm vải thêm để phân biệt thì dễ dàng. Đằng này, với lý do tạo nét riêng cho đồng phục của trường thì còn quy định thêm những màu vải khác đính kèm, đồng thời, logo không in mà phải thêu. Nếu chỉ thêu vài cái thì giá đã lên tới 300-400 nghìn đồng tiền thêu”.

Vì thế sát ngày khai giảng, chị M. mới tìm được nhóm 6 phụ huynh để cùng thêu cho giảm chi phí. “Tôi nghĩ, đồng phục mỗi trường có sự khác biệt là đúng nhưng cũng đừng quá cầu kỳ. Bởi tiêu chí của đồng phục không phải là sự cầu kỳ mà hướng tới sự tiện lợi, khỏe khoắn”.

Theo khảo sát, bên cạnh mẫu mã đồng phục thì giá cả cũng được nhiều phụ huynh bàn tới. Đồng phục ở các trường công lập, tư thục, quốc tế đều có sự khác biệt rất nhiều về số lượng, chất lượng cũng như giá cả. Có trường may 4 bộ đồng phụ hết khoảng 700 nghìn đồng. Nhưng cũng có trường lên tới 2-3 triệu đồng. Nhiều phụ huynh vẫn quan niệm đồng phục là phụ nhưng hiện nay rất nhiều trường ở Hà Nội cho học sinh mặc thường xuyên.

Chị PT, có con học PTTH tại một trường tư thục tại quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Ngay từ từ tiểu học, con tôi đã khá quen thuộc với mặc đồng phục rồi. Có thể trường tư thục nơi con học đặt ra quy định khá rõ ràng như: tạo nét riêng, không phân biệt khi các con đến trường. Để đảm bảo được điều đó thì đồng phục cần đảm bảo về chất lượng cũng như sự thoải mái cho các con. Con mặc đồng phục từ thứ 2 đến thứ 5, thứ sáu được mặc tự do. Xác định khoảng thời gian dài như vậy nên chất lượng quần áo cũng phải đảm bảo sự thoải mái cho các con”.

“Riêng tiền đồng phục vào đầu năm học là 2 triệu đồng. Mặc dù mỗi năm trường có cải tiến một chút nhưng không nhiều, các con có thể sử dụng lại đồng phục đã cũ. Tuy nhiên, để đảm bảo con mặc đủ cả năm thì tiền đồng phục cũng phải lên tới 3- 4 triệu đồng”, chị PT cho biết.

Hà Nội yêu cầu không bắt học sinh mua đồng phục mới

Sở GD- ĐT Hà Nội vừa có văn bản gửi các phòng giáo dục, trường học yêu cầu không được bắt buộc phụ huynh, học sinh mua đồng phục mới.

Văn bản đặc biệt yêu cầu các nhà trường thực hiện nghiêm túc quy định tại Thông tư số 26/2009/TT-BGDĐT ngày 30/9 của Bộ GD- ĐT. Theo đó, các trường không được phép bắt buộc học sinh, phụ huynh phải mua đồng phục mới. Chỉ cần học sinh mặc sạch sẽ, gọn gàng để khuyến khích tiết kiệm và tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.

Sở GD- ĐT Hà Nội cũng yêu cầu đồng phục phải thiết kế giản dị, kiểu dáng phù hợp lứa tuổi học sinh và văn hóa của từng địa phương, được hội đồng nhà trường, cha mẹ học sinh đồng thuận.

Nhà trường có thể cung cấp mẫu, kiểu dáng, màu sắc, logo để phụ huynh chủ động mua sắm cho học sinh. Sở cũng đề nghị các trường không để một học sinh vì chưa có đồng phục mới mà không được vào trường.

Về phía Bộ GD – ĐT, Thông tư 26/2009/TT-BGDĐT của Bộ GD-ĐT quy định việc mặc đồng phục của học sinh “phải bảo đảm tính thẩm mỹ, phù hợp với giới tính, lứa tuổi của học sinh và bản sắc văn hóa của dân tộc, đặc điểm của từng địa phương, đảm bảo tính ổn định, thể hiện truyền thống của nhà trường”.

Đồng phục phải phù hợp với điều kiện thời tiết, thuận tiện cho việc học tập, sinh hoạt ở trường và tham gia các hoạt động khác, bảo đảm tiết kiệm, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của từng địa phương, từng trường.

Theo chỉ đạo của Bộ GD-ĐT, các trường không được bắt ép học sinh mặc đồng phục hằng ngày. Nhưng thực tế, các trường vẫn linh động để phù hợp với điều kiện nhà trường. Nhiều phụ huynh vẫn mong mỏi, vấn đề đồng phục thực sự không quá nặng nề để vừa đảm bảo được quy định của trường và tạo sự thoải mái cho học sinh cũng như điều kiện chuẩn bị của gia đình.

Nguyên Vân/ Báo Tin Tức
Bất tiện đồng phục học sinh
Bất tiện đồng phục học sinh

Với sự phát triển của các loại hình trường học, đồng phục học sinh vì thế cũng rất phong phú với nhiều kiểu dáng bắt mắt, tạo nên phong cách riêng của mỗi trường. Tuy nhiên, nhiều bộ đồng phục có vẻ ngoài đẹp nhưng chất vải lại dày, nóng, thậm chí ngứa ngáy cho học sinh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN