Phải bắt đầu từ đổi mới tư duy dạy và học

Ngày 15/8, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị Hiệu trưởng các trường đại học, cao đẳng năm 2014. Đây là Hội nghị trực tuyến được thực hiện tại các điểm cầu Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Thái Nguyên, Đà Nẵng, Nghệ An và Cần Thơ.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tham dự Hội nghị.

 

Tại Hội nghị, sáu vấn đề đã được các đại biểu tập trung thảo luận, gồm: Đổi mới tuyển sinh; Tổ chức và quản lý đào tạo; Phát triển đội ngũ giảng viên; Tổ chức và quản lý nhà trường; Việc thành lập Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam; Nhiệm vụ đổi mới giáo dục đại học.

 

Chất lượng giáo dục đại học có sự phân hoá rõ rệt

Luật Giáo dục đại học ra đời đã tạo bước chuyển sâu sắc trong nhận thức về giáo dục đại học. Qua những cải cách và đổi mới, chất lượng giáo dục đại học đã có sự phân hóa rõ rệt từ thấp đến cao. Sinh viên tốt nghiệp các trường đại học uy tín, các chương trình tiên tiến, các chương trình chất lượng cao có tính cạnh tranh tốt trên thị trường lao động trong khu vực. Trong những năm qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ưu tiên đầu tư, tập trung nguồn lực cho công tác xây dựng, ban hành chính sách, chỉ đạo quản lý và thực hiện việc thanh tra, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học.

 

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với các đại biểu dự Hội nghị. Ảnh: Thanh Vũ – TTXVN

 

Nhiều trường đã xây dựng cơ sở vật chất khang trang, môi trường sư phạm tốt như Đại học Thăng Long, Đại học An Giang, Đại học Tôn Đức Thắng…; một số trường đã có các phòng thí nghiệm, thực hành hiện đại, đáp ứng được nhiệm vụ giảng dạy, học tập, nghiên cứu khoa học.

 

Để đảm bảo chất lượng đào tạo, Bộ đã thành lập 2 trung tâm kiểm định và thời gian tới sẽ thành lập thêm một số trung tâm phân bố ở các vùng miền trên cả nước để kiểm định chất lượng của tất cả các cơ sở giáo dục đại học trong cả nước.

 

Tại hội nghị, các đại biểu đã nêu ý kiến về những vấn đề xung quanh công tác tuyển sinh, xây dựng đội ngũ, chương trình đào tạo, đào tạo liên thông….

 

Về công tác tuyển sinh, đa số ý kiến của các đại biểu đều thống nhất phương án một kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Trong đó, nhiều ý kiến lựa chọn phương án 2 và mong muốn trong tương lai gần Bộ Giáo dục và Đào tạo có lộ trình để thực hiện phương án 3. Tuy nhiên, các đại biểu cũng đề nghị cần có phương án tổ chức chặt chẽ để đảm bảo độ tin cậy cho kỳ thi quốc gia, từ đó các trường đại học, cao đẳng có thể yên tâm sử dụng kết quả để xét tuyển.

 

Để đảm bảo chất lượng kỳ thi quốc gia, một số đại biểu đề xuất có thể tổ chức thi với sự tham gia của các trường đại học, cao đẳng và tổ chức luôn tại các trường đại học, sau đó lấy kết quả thi chuyển về để xét tốt nghiệp phổ thông. Các trường đại học sẽ chủ trì chính về chuyên môn, Sở, trường phổ thông đóng vai trò phối hợp, hoặc tổ chức thi theo cụm nhưng có sự phối hợp của các trường đại học với vai trò phụ trách chuyên môn. Công tác ra đề cũng cần được chú trọng, đ ề thi cần có sự phân hóa để vừa xét tốt nghiệp, vừa xét vào đại học, cao đẳng. Một số ý kiến đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo làm ngân hàng đề thi hỗ trợ các trường.

 

Về xây dựng đội ngũ, các trường đều khẳng định cần coi trọng việc xây dựng đội ngũ các trường đại học, cao đẳng cả về chất và lượng, không chỉ năng lực chuyên môn mà cả năng lực quản trị. Về nâng cao trình độ tiếng Anh, các đại biểu đề nghị Bộ có chuẩn hóa yêu cầu giảng viên với từng bậc đào tạo và Đề án Ngoại ngữ 2020 tiếp tục hỗ trợ các trường trong nâng cao năng lực tiếng Anh cho giảng viên.

 

Làm rõ cơ cấu hệ thống giáo dục sau Trung học phổ thông

 

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ: Vừa qua, Việt Nam cũng có trường đại học lọt bảng xếp hạng quốc tế. Đây là điều đáng vui mừng. Tuy nhiên hiện nay vấn đề ngành giáo dục cần quan tâm là tìm giải pháp để cơ cấu hệ thống giáo dục sau Trung học phổ thông. Riêng bậc cao đẳng đã có nhiều loại, cao đẳng sư phạm, cao đẳng nghề, cao đẳng cộng đồng… Bậc đại học đang tiến hành phân tầng lại có đại học nghiên cứu, đại học ứng dụng, sau đó là đến đào tạo thạc sỹ, tiến sĩ. Cần có cơ cấu rõ ràng để tương thích cả hệ thống, trả lời câu hỏi của người dân “học để làm gì”, căn cứ xếp hạng các trường như thế nào?..

 

Theo Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, người dân đều cần những thông tin rõ ràng về kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Bộ Giáo dục và Đào tạo cần thực hiện nghiêm túc để công bố công khai, trước dịp khai giảng năm học mới. Kỳ thi có 2 mục tiêu vừa làm căn cứ xét tốt nghiệp phổ thông, vừa làm căn cứ cho các trường làm công tác tuyển sinh theo tinh thần tự chủ. Trước thực tế tỷ lệ tốt nghiệp Trung học phổ thông hiện rất cao, thì trước mắt, kỳ thi quốc gia nên được thiết kế để làm căn cứ đáng tin cậy cho tuyển sinh đại học. Về lâu dài, khi kiểm soát chất lượng đầu vào các trường đại học tốt lên, các trường tự chủ hơn và quản lý chặt chẽ chất lượng đầu ra như nhiều nước trên thế giới thì lúc đó, kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ đóng vai trò chính (cứ tốt nghiệp Trung học phổ là có thể ghi danh vào các trường đại học). Trong quá trình triển khai có thể nảy sinh vướng mắc, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần quyết liệt hành động, “xông vào làm với tinh thần làm đến đâu gỡ đến đấy, không quá cầu toàn”.

 

Về giáo dục đại học, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cần phải làm cho những nhà đầu tư tiềm năng yên tâm đầu tư vào giáo dục đại học, đồng thời, các trường đại học, cao đẳng công lập phải sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ ngân sách trên cơ sở cho phép tự chủ, khuyến khích tự chủ và tiến tới các trường đều phải tự chủ. Từ đó, đảm bảo công bằng để các trường công lập quản lý hiệu quả như các trường đại học tư thục (ngoài công lập). Ngược lại, các trường tư thục quản lý tốt rồi thì cũng đáp ứng nhu cầu đào tạo nhân lực có chất lượng không khác gì các trường công lập. 

 

Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học

 

Phát biểu kết luận hội nghị, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phạm Vũ Luận nhấn mạnh: Cần đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục đại học, nội hàm chính là chuyển từ truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển năng lực và phẩm chất người học, tạo ra kỹ năng, phẩm chất của con người Việt Nam mới. Để làm được điều này cần thay đổi chương trình, giáo trình, phương pháp dạy, cách thức học, phương pháp kiểm tra, đánh giá, thi cử. Các trường cần đưa ra thảo luận với nhau, đặc biệt là trao đổi giữa các nhóm trường cùng khối ngành về các vấn đề kiểm định, phân tầng trường đại học, cao học, vấn đề chất lượng đầu ra... Từ thực tiễn quá trình hình thành, triển khai Đề án đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Bộ trưởng chia sẻ quan trọng nhất phải đổi mới nhận thức và tư duy, cả đội ngũ phải thay đổi, toàn ngành phải thay đổi. Trong đó, những người đứng đầu, lãnh đạo, bao gồm cả lãnh đạo các tổ chức công đoàn và các tổ chức khác phải vào cuộc.

 

Đối với việc tổ chức kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia, Bộ trưởng cho rằng, khối Đại học và khối Phổ thông phải kết hợp chặt chẽ với nhau mới có thể triển khai thành công kỳ thi này, tạo ra sự tin tưởng lẫn nhau. Bên cạnh đó, để tạo được niềm tin về kết quả của kỳ thi chung, trong quá trình triển khai cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý ngay các hạn chế, yếu kém.

 

Trong những năm gần đây, ngày càng nhiều những điểm sáng trong giáo dục phổ thông, trở thành phong trào rộng khắp; việc đổi mới thi cử và phương pháp giảng dạy cũng diễn ra rất sôi nổi. Đặc biệt, đến kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông và tuyển sinh đại học, cao đẳng 2014, cách ra đề, cách làm bài và cách chấm bài đã thay đổi, hiện tượng không trung thực, gian dối trong thi cử đã giảm. Đây là những điều kiện thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai kỳ thi chung quốc gia.

 

Ngọc Anh – Việt Hà

Điều chỉnh trong kỳ tuyển sinh đại học có tác động tích cực
Điều chỉnh trong kỳ tuyển sinh đại học có tác động tích cực

Hai đợt thi đại học chính quy năm 2014 được tổ chức vào ngày 4 - 5/7 (thi khối A, A1 và V) và ngày 9 - 10/7 (thi khối B, C, D và các khối Năng khiếu) đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN