Nơi ươm mầm ước mơ cho học sinh vùng khó khăn

Với vai trò đặc biệt vừa là nhà giáo, vừa là “cha mẹ”, tập thể cán bộ, giáo viên Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Khánh Hòa đã không ngừng nỗ lực, cống hiến, “thắp sáng” tri thức, “chắp cánh” ước mơ cho các thế hệ học sinh dân tộc thiểu số vươn lên, hội nhập và thành công.

Chú thích ảnh
Một giờ lên lớp của cô và trò Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Khánh Hòa.

Ngôi nhà thứ hai

Học năm thứ 3 tại ngôi trường này, Cao Là Voi, dân tộc Raglai, kể rất nhiều câu chuyện ấn tượng của em với thầy cô, bạn bè. Kỷ niệm đáng nhớ nhất với Cao Là Voi là khi giải đề thi thử tốt nghiệp Trung học Phổ thông. Từ năm lớp 10, em đã hăng say học tập, giải đề thi tốt nghiệp của các anh chị lớp 12, lúc đầu chỉ giải được 70% hoặc hơn, nhưng đến năm nay, khi giải đề thi thử theo chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018, kết quả thấp hơn mọi năm. Khi đem thắc mắc này hỏi thầy cô, Voi nhận được những lời giải đáp quý giá, giúp em nhận ra rằng mình cần bổ sung thêm kiến thức thực tiễn và kiến thức ngoài sách giáo khoa. Sau những chỉ bảo tận tình từ giáo viên, em đã điều chỉnh phương pháp học tập và kết quả gần đây trong các kỳ thi thử đã có sự tiến bộ đáng kể.

Cao Là Voi chia sẻ: “Quê em ở huyện miền núi Khánh Vĩnh, điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. Em luôn cố gắng để có thể mở rộng cơ hội phát triển bản thân và giúp đỡ gia đình sau này. Em dự định thi vào Đại học Y Dược Huế, vì vậy ngoài giờ học trên lớp, em tự học buổi tối, nếu gặp bài tập khó, em không ngần ngại hỏi giáo viên. Thầy cô ở đây luôn yêu thương và hỗ trợ chúng em học tập. Trường học là mái nhà thứ hai của chúng em, thầy cô như những người cha, người mẹ”.

Không chỉ có Cao Là Voi, trên 190 học sinh dân tộc thiểu số khác tại trường cũng có những cảm xúc tương tự. Các em không chỉ được chăm lo đầy đủ bữa ăn, khu ký túc xá cũng được trang bị tiện nghi, tạo điều kiện cho các em có giấc ngủ ngon, sẵn sàng cho một ngày học tập mới.

Chú thích ảnh
Thư viện của Trường Dân tộc nội trú THPT tỉnh Khánh Hòa.

Cô Nguyễn Thị Diệu Hiếu, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông Dân tộc nội trú Trung học Phổ thông tỉnh Khánh Hòa, chia sẻ: "Giáo viên ở đây vừa là thầy, vừa là cha mẹ của các em. Học sinh đa phần đều có hoàn cảnh khó khăn, chúng tôi luôn khích lệ tinh thần các em bằng những phần thưởng nhỏ từ tiền túi. Cũng như trong các chương trình văn nghệ, thầy cô luôn giúp đỡ các em từ việc thuê trang phục đến đạo cụ. Buổi tối, chúng tôi còn tham gia hỗ trợ các em trong giờ tự học, kiểm tra bài vở và nhắc nhở các em nghỉ ngơi khi kết thúc giờ học".

Với phương châm chăm lo toàn diện cho học sinh, giáo viên tại trường không chỉ dạy học, còn là những người thân trong gia đình của các em. Cô Hiếu chia sẻ: "Một ngày của giáo viên ở đây không khác gì một người thân trong gia đình. Chúng tôi không chỉ dạy học mà còn chăm lo cho bữa ăn, giấc ngủ của các em. Niềm vui của chúng tôi là thấy các em học giỏi và ngoan ngoãn".

Những thành công này không phải là điều tự nhiên mà có, mà là kết quả của quá trình đổi mới trong công tác giảng dạy và quản lý học sinh. Ban giám hiệu luôn giám sát chặt chẽ việc ăn uống và sinh hoạt của học sinh, tổ chức các cuộc họp với cấp dưỡng và lấy ý kiến của học sinh về thực đơn. Điều này giúp đảm bảo bữa ăn đầy đủ dinh dưỡng và làm tăng hứng thú của các em với bữa cơm bán trú, từ đó nâng cao chất lượng học tập.

Thầy Lê Biên Hải, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết: “Vào lúc 22 giờ, tôi thường xuyên kiểm tra khu ký túc xá để đảm bảo các em tuân thủ nội quy và có giấc ngủ đủ dài. Đây là yếu tố quan trọng giúp các em có tinh thần sảng khoái khi lên lớp học tập.”

Nâng cao chất lượng dạy học

Chú thích ảnh
Trường Phổ thông Dân tộc nội trú THPT tỉnh Khánh Hòa.

Trường Phổ thông Dân tộc Nội trú Trung học Phổ thông Khánh Hòa hiện có 9 lớp, với 256 học sinh, chia thành hai hệ: học sinh dân tộc thiểu số và hệ năng khiếu thể dục thể thao. Những năm gần đây, trường được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị mới các phòng học và khu nội trú. Những cải thiện này giúp nhà trường nâng cao chất lượng giáo dục và hướng tới một nền giáo dục toàn diện.

Với những cố gắng không ngừng trong công tác giáo dục, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp của nhà trường luôn đạt 100% đối với hệ dân tộc thiểu số trong suốt 5 năm qua. Năm 2024, trong kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông, trường có 18 học sinh đạt tổng điểm ba môn xét tuyển đại học từ 26 điểm trở lên, cao hơn hẳn so với các năm trước. Hệ năng khiếu thể dục thể thao cũng có tỷ lệ tốt nghiệp 100% trong năm học 2023 - 2024.

Dẫu học sinh có điểm số đầu vào cao nhưng đặc thù các em là người đồng bào dân tộc thiểu số nên còn rất nhiều kiến thức của các em vẫn có phần bị hạn chế. Nhận thấy điều này, ngay từ đầu năm học, Nhà trường đã tổ chức kiểm tra đầu vào, từ đó nhận được kết quả chính xác về trình độ của các em, để có phương án dạy học phù hợp. Để đảm bảo dạy học hiệu quả, nhà trường đã xây dựng và triển khai kế hoạch đào tạo, tổ chức cho tất cả giáo viên tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng do Sở Giáo dục và Đào tạo, Bộ tổ chức, đồng thời tạo điều kiện cho giáo viên tự học nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ.

Hoạt động theo dõi dự giờ, thăm lớp, tổ chức sinh hoạt tổ chuyên môn có chất lượng, đi vào thực chất, khuyến khích giáo viên trao đổi, chia sẻ những phương pháp hay. Trường cũng chú trọng công tác tư vấn hướng nghiệp trên cơ sở năng lực của các em, tùy vào điều kiện kinh tế gia đình, nhu cầu của địa phương nhằm giúp các em chọn được ngành học phù hợp.

Năm năm qua, nhà trường đã 2 lần được Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa tặng Bằng khen vì thành tích hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm học. Mới đây, đúng dịp 20/11, nhà trường được Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc đột xuất trong phong trào thi đua “Đổi mới, sáng tạo trong quản lý giảng dạy và học tập” năm học 2023 - 2024. Đây là sự khẳng định đóng góp công sức của tập thể cán bộ, nhân viên nhà trường cùng với học sinh các thế hệ tạo nên; xứng đáng là nơi dạy dỗ, "ươm mầm" ước mơ cho học sinh người đồng bào dân tộc thiểu số ở địa phương.

Bài và ảnh: Phan Sáu (TTXVN)
Ươm mầm ước mơ cho trẻ vùng cao
Ươm mầm ước mơ cho trẻ vùng cao

Thầy Hà Cảnh Dinh (sinh năm 1993, dân tộc Thái), giáo viên, Tổng phụ trách Đội tại Trường Trung học cơ sở Hoàn Lãm (huyện Quỳ Châu, tỉnh Nghệ An) đã có nhiều cống hiến góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, mũi nhọn cho học sinh ở vùng khó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN