Theo đó, học sinh các trường trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên trên địa bàn huyện Ninh Phước và thành phố Phan Rang - Tháp Chàm (nơi trước đây thực hiện giãn cách xã hội phòng, chống dịch COVID-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ) đến trường vào ngày 13/9; bậc học mầm non và tiểu học đến trường vào ngày 20/9. Đối với cấp trung học phổ thông, Ban Giám hiệu các trường chủ động và linh hoạt triển khai ôn tập, tổ chức các hoạt động giáo dục… theo hình thức trực tuyến từ ngày 6/9. Các trường học trên địa bàn các huyện còn lại sẽ khai giảng vào ngày 5/9 và bắt đầu năm học vào ngày 6/9.
Ông Nguyễn Huệ Khải, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận cho biết, về công tác tổ chức dạy học, Sở Giáo dục và Đào tạo đã đưa ra 4 phương án. Theo đó, phương án 1 là tại địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ bình thường mới ("vùng xanh"), các cấp học mầm non, tiểu học, trung học cơ sở và trung học phổ thông vẫn thực hiện khai giảng vào ngày 5/9 và bắt đầu năm học vào ngày 6/9.
Phương án 2, tại địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ ("vùng vàng"), trẻ em mầm non, học sinh tiểu học lùi thời gian tựu trường, thời gian học sau 1 tuần so với kế hoạch năm học 2021-2022. Cấp trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên tổ chức cho học sinh học cách nhật, thực hiện giãn cách lớp học theo quy định, kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến.
Phương án 3, tại địa phương được đánh giá mức độ nguy cơ cao ("vùng cam"), học sinh lớp 9 và lớp 12 đến trường học cách nhật, kết hợp hình thức dạy học trực tiếp và trực tuyến, mỗi phòng học không quá 20 học sinh, xếp vị trí ngồi theo hình chữ “Z” để đảm bảo khoảng cách tối thiểu 2m. Học sinh các cấp, các khối lớp còn lại triển khai dạy học trực tuyến.
Phương án 4, tại địa phương được đánh giá mức độ nguy rất cao ("vùng đỏ"), tất cả trẻ em mầm non, học sinh tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông và giáo dục thường xuyên không đến trường cho đến khi hết dịch. Các trường tổ chức cho trẻ em mầm non, học sinh học trực tuyến qua internet hoặc học qua truyền hình.
Nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nguy cơ cao và rất cao còn diễn ra, giải pháp của ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận là triển khai dạy học trực tuyến trong thời gian dài. Ngành đang tổ chức khảo sát cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin của các cơ sở giáo dục cũng như học sinh để có giải pháp cụ thể.
Ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận đang nghiên cứu ban hành và thống nhất các tài liệu, giải pháp phần mềm áp dụng cho dạy học trực tuyến; đào tạo nâng cao nâng lực thực tiễn về công nghệ thông tin cho giáo viên. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần tăng cường cơ sở vật chất, hỗ trợ thiết bị cho học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; tận dụng tối đa phương tiện để hỗ trợ cho giáo viên khi dạy học trực tuyến.
Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận yêu cầu các cơ sở giáo dục chỉ đạo Ban Giám hiệu các trường phối hợp với phụ huynh học sinh trao đổi kế hoạch, thống nhất cách làm, tăng cường sự phối hợp giữa gia đình và nhà trường để linh hoạt lựa chọn hình thức dạy học phù hợp với điều kiện của học sinh và nhà trường. Căn cứ vào đặc thù vùng, miền và các điều kiện hiện có, các thầy, cô giáo chủ động, linh hoạt lựa chọn hình thức tổ chức dạy học online cho phù hợp.
Ông Nguyễn Huệ Khải chia sẻ, sắp bước vào năm học mới nhưng mỗi thầy, cô giáo ở tỉnh mới chỉ được tiêm vaccine mũi 1, số ít được tiêm mũi 2, còn lứa tuổi học sinh chưa được tiêm vaccine phòng dịch, trong khi dịch bệnh vẫn phức tạp nên nguy cơ xảy ra dịch cũng rất cao. Do đó, để đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên và đảm bảo chương trình của cả năm học, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã có văn bản chỉ đạo các cơ sở giáo dục tổ chức vệ sinh tẩy trùng trường, lớp theo đúng hướng dẫn của ngành Y tế, đảm bảo trường học an toàn trong phòng, chống dịch mới cho học sinh đến trường.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Thuận, năm học 2021-2022, toàn ngành giáo dục của tỉnh có trên 9.900 cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên; có trên 146.000 học sinh theo học các cấp. Để chuẩn bị cho năm học mới, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chủ động, đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị, đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên.
Bên cạnh đó, ngành cũng đã lựa chọn sách giáo khoa cho lớp 1, 2, 6; hoàn thành tuyển sinh các lớp đầu cấp; đồng thời đã triển khai tập huấn, bồi dưỡng cho đội ngũ giáo viên… Nhìn chung, công tác chuẩn bị cho năm học mới của tỉnh đã sẵn sàng, đảm bảo an toàn cho cả năm học.