Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Ninh Bình nêu rõ, những năm qua, ngành đã chủ động, tập trung chỉ đạo tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo, đảm bảo kế hoạch năm học, thích ứng an toàn, linh hoạt trong phòng, chống dịch COVID-19. Quy mô trường, lớp các cấp học phổ thông đáp ứng được nhu cầu học tập của nhân dân. Tỷ lệ huy động trẻ mầm non đến trường ở độ tuổi nhà trẻ đạt từ 36 - 40% (cao hơn tỷ lệ bình quân của cả nước), ở độ tuổi mẫu giáo đạt từ 97 - 99% dân số độ tuổi, riêng trẻ 5 tuổi luôn đạt trên 99%. Tỉ lệ trẻ vào lớp 1 trên 99%; có từ 85 - 93% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào lớp 10, học trung cấp nghề. 100% các xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục cho trẻ em 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học mức độ 3, phổ cập trung học cơ sở mức độ 3 và xóa mù chữ mức độ 2, Ninh Bình là một trong 3 địa phương dẫn đầu cả nước về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.
Tại buổi làm việc, các đại biểu đã trao đổi, thảo luận, làm rõ những kết quả đạt được và đề xuất các giải pháp trong thực hiện các nhiệm vụ giáo dục, tập trung vào các nội dung: Thay sách giáo khoa mới; đổi mới trong giáo dục và đào tạo hiện nay; nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên; công tác tuyển dụng, tiếp nhận, thu hút và chi trả chế độ, chính sách cho ngành...
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn ghi nhận, đánh giá cao kết quả đạt được trong công tác giáo dục và đào tạo tỉnh Ninh Bình những năm qua. Bộ trưởng cho biết, nhiệm vụ của ngành giáo dục và đào tạo trong thời gian tới là rất nặng nề, khó khăn, nhất là trong lộ trình đổi mới theo Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Do đó, Bộ trưởng mong muốn tỉnh nhận thấy được thuận lợi, khó khăn để phối hợp, triển khai; huy động sự vào cuộc của toàn xã hội nhằm từng bước tháo gỡ, khắc phục khó khăn, thực hiện nhiệm vụ hiệu quả. Ninh Bình cần đẩy mạnh xã hội hóa đầu tư cho hoạt động giáo dục, quan tâm đến đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên dạy các môn học mới, có chế độ, chính sách phù hợp trong đào tạo, tuyển dụng... Đặc biệt, dịch COVID-19 vẫn đang là nguy cơ, thách thức, nên phải chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó, tận dụng thời gian để triển khai chương trình dạy học trong năm học mới 2022-2023...
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cũng thống nhất, chia sẻ với những khó khăn, bất cập tại địa phương, mong muốn tỉnh Ninh Bình tiếp tục dành sự quan tâm hơn nữa cho sự nghiệp giáo dục. Với những kiến nghị, đề xuất của tỉnh Ninh Bình, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ tiếp thu, nghiên cứu, xem xét và có sự điều chỉnh, giải quyết phù hợp trong thời gian tới.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Nguyễn Thị Thu Hà và Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình Phạm Quang Ngọc cảm ơn sự quan tâm, tạo điều kiện của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong thời gian qua. Với những kết luận và định hướng, gợi mở của Bộ trưởng và đoàn công tác, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian. Đó là đẩy mạnh xã hội hóa công tác giáo dục, chú ý quy hoạch phát triển giáo dục, quan tâm đến công tác biên chế, tổ chức bộ máy... Đồng thời, tỉnh tiếp tục nỗ lực để có thêm nguồn lực đầu tư cho giáo dục; đề ra chiến lược phát triển đồng bộ, tạo bước đột phá trong thực hiện nhiệm vụ, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo của tỉnh ngày càng phát triển hơn nữa.
* Trước đó, Đoàn công tác đã kiểm tra công tác thi tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Hoa Lư A (huyện Hoa Lư). Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đã động viên cán bộ làm nhiệm vụ thi nêu cao tinh thần trách nhiệm, thực hiện các nhiệm vụ theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn; bảo đảm cho kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, hiệu quả. Bộ trưởng cũng động viên các thí sinh, mong các em giữ gìn sức khỏe, bình tĩnh, tự tin, an tâm làm bài để đạt kết quả cao nhất.
Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm 2022, tại Ninh Bình có 10.575 thí sinh, trong đó có 10.550 thí sinh đăng ký dự thi và 25 thí sinh tự do chỉ đăng ký để xét tuyển đại học. Hội đồng thi đã thành lập 24 điểm thi chính thức và 24 điểm thi dự phòng với 456 phòng thi chính thức và 372 phòng thi dự phòng; điều động 1.910 cán bộ, giáo viên, nhân viên, bảo vệ, y tế, công an làm nhiệm vụ coi thi; điều động 84 cán bộ, chuyên viên, giáo viên tham gia công tác thanh tra thi; chọn cử 255 giáo viên làm nhiệm vụ dự phòng.