Không ngừng đổi mới để học sinh thích đến trường
Cô giáo Quàng Thị Xuân, Trường Phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) Tiểu học Mường Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp, Sơn La, là một trong 60 thầy giáo, cô giáo tham gia chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.
Cô giáo Quàng Thị Xuân chia sẻ: “Đây không chỉ là niềm tự hào cá nhân, mà còn là niềm vui, động lực vô cùng lớn để tôi và các thầy cô khác tiếp tục nỗ lực, cống hiến cho sự nghiệp trồng người nơi vùng cao xa xôi. Trường PTDTBT Tiểu học Mường Lạn có 54 lớp phân bố tại 8 điểm trường cách xa nhau về khoảng cách địa lý, học sinh dân tộc thiểu số chiếm đến 98,1%".
Đối với nhiều học sinh nơi đây, việc đến trường, được học chữ, biết thêm những điều mới mẻ về thế giới bên ngoài là hành trình đầy gian nan. Thế nhưng, những điều kiện thiếu thốn đó là động lực, lý do thôi thúc các thầy giáo, cô giáo luôn cố gắng, không ngừng đổi mới, sáng tạo trong việc dạy học để giúp học sinh được tiếp cận với nền giáo dục tiên tiến.
Theo cô giáo Quàng Thị Xuân, việc đầu tiên để các em học sinh thấy hứng thú đến lớp là giúp các em hiểu được tầm quan trọng của việc học, tăng cường các hoạt động thực hành, trò chơi... Các em học sinh ở vùng cao cần được học không chỉ kiến thức sách vở, mà còn cần được trang bị các kỹ năng sống, kỹ năng giao tiếp và đặc biệt là kỹ năng tự chăm sóc bản thân.
"Tôi dự định xây dựng những giờ học kỹ năng sống để các em biết cách xử lý các tình huống trong cuộc sống, tạo cơ hội cho các em rèn luyện tính tự lập, sự tự tin trong giao tiếp. Tôi cũng mong muốn xây dựng một thư viện nhỏ hoặc các góc đọc sách thân thiện ngay tại trường. Các em sẽ được tự do chọn những cuốn sách mình yêu thích, khám phá thêm nhiều kiến thức bổ ích và hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ...", cô giáo Quàng Thị Xuân cho biết.
Giá trị lớn lao của học tập ở biên cương
Đại úy Nguyễn Đình Thông, Đồn Biên phòng Tuyên Bình, Bộ đội Biên phòng tỉnh Long An cho biết: “Với vai trò là một người lính mang quân hàm xanh và là một giáo viên công tác tại nơi biên giới của tổ quốc, nơi có nhiều khó khăn, thử thách, tôi hiểu rõ về ý nghĩa và giá trị của giáo dục đối với những vùng xa xôi của tổ quốc. Việc học tập đối với các em học sinh ở đây là một hành trình đầy khó khăn và thử thách. Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi càng nhận thức rõ về nhiệm vụ trồng người như nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc".
Theo Đại úy Nguyễn Đình Thông, giáo dục nơi biên giới không chỉ góp phần phát triển tri thức cho các em học sinh, mà còn là sợi dây gắn kết giữa nhân dân và những người lính, nền tảng để xây dựng hòa bình, hữu nghị, ổn định và phát triển.
Đến nay lớp học tình thương của Đại úy Nguyễn Đình Thông đã đạt được nhiều kết quả về số lượng và chất lượng. Học sinh được dạy theo chương trình phổ cập giáo dục tiểu học. Các em cơ bản đã biết đọc, biết viết và biết làm toán. Ngoài việc dạy chữ, Đại úy Thông còn thường xuyên dạy cho các em về văn hóa của người Việt Nam, các kiến thức, kỹ năng cơ bản trong cuộc sống, phép cư xử trong gia đình, xã hội, từng bước giúp các em trau dồi kiến thức, trở thành những thành viên tích cực cho cộng đồng.
Còn Đại úy Lò Văn Thoại, người dân tộc Lào, sinh ra và lớn lên ở bản Mường Và, xã Mường Và, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La, từ khi còn nhỏ đã quyết tâm học tập để trở thành cán bộ giúp cho đồng bào xóa đói, giảm nghèo, xây dựng và bảo vệ quê hương bình yên, giàu đẹp. Ước mơ trở thành người lính quân hàm xanh cứ thế lớn dần và trở thành hiện thực khi anh nhập ngũ và được cử đi học tại Trường Trung cấp Biên phòng 1. Năm 2003, anh tốt nghiệp ra trường, được điều động về công tác tại Đồn Biên phòng Mường Lạn, Bộ đội Biên phòng tỉnh Sơn La, với nhiệm vụ là nhân viên vận động quần chúng.
Tại huyện Sốp Cộp, tỷ lệ mù chữ vẫn còn cao, anh Lò Văn Thoại đã đề xuất với cấp ủy, chỉ huy Đồn Biên phòng Mường Lạn mở lớp dạy xóa mù chữ cho bà con. Từ đó, anh bắt đầu dạy học tại điểm trường Tiểu học bản Nậm Lạn, xã Mường Lạn, huyện Sốp Cộp. Anh Lò Văn Thoại bày tỏ, tư tưởng đi học vẫn trở về làm nương đã ăn sâu vào suy nghĩ của đồng bào. Hiểu được điều này, anh Thoại đã đến từng nhà để giải thích về lợi ích của việc biết đọc, biết viết, để học cách thoát nghèo...
Sau hơn 20 năm đứng lớp, lớp học xóa mù của Đại úy Lò Văn Thoại có nhiều bà con biết đọc, biết viết. Không chỉ dạy chữ, lớp học của thầy giáo quân hàm xanh còn tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội vùng dân tộc thiểu số vào bài giảng; tuyên truyền cho bà con về công tác bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào các dân tộc, bài trừ các tập tục lạc hậu, mê tín dị đoan, tục tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống; cách để duy trì, phát triển các lễ hội văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc khu vực biên giới...
Cô giáo Xuân, thầy giáo Thông hay thầy giáo Thoại... là những tấm gương trong 60 tấm gương nhà giáo được tuyên dương trong Chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024. Còn nhiều tấm gương thầy giáo, cô giáo khác đã và đang nỗ lực "cõng" chữ nên non cao với niềm hạnh phúc với nghề. Bởi các thầy cô hiểu rõ giá trị của tri thức, giúp đồng bào xây dựng, phát triển kinh tế và gìn giữ biên cương.