Mong học trò có tương lai tốt đẹp hơn
Tại chương trình gặp mặt, các thầy, cô giáo và các nhà giáo trẻ đã trao đổi, chia sẻ những khó khăn trong quá trình giảng dạy; những động lực giúp các thầy cô tận tâm, cống hiến với nghề và những mong muốn, nguyện vọng về chế độ chính sách cho những giáo viên vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Đồng thời, chia sẻ kinh nghiệm trong công tác chuyên môn, giảng dạy, hỗ trợ học sinh trong cuộc sống, học tập. Các thầy cô đều đau đáu nỗi niềm, mong mỏi lớn nhất là làm được điều gì đó cho học trò của mình, để các con yên tâm học tập, có môi trường giáo dục hạnh phúc, cuộc sống và tương lai tốt đẹp hơn.
Cô giáo Hoàng Thị Ngọc Xuyến, Trường giáo dưỡng số 4, Cục Cảnh sát quản lý trại giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, Bộ Công an cho biết: "Công việc của chúng tôi là quản lý, giáo dục, chăm sóc trẻ vị thành niên có hành vi vi phạm pháp luật, trong độ tuổi từ 12 đến dưới 18 tuổi. Ở độ tuổi còn nhỏ, nhưng các em trước khi vào trường đã có những hành vi gây nguy hiểm cho xã hội như: Giết người, hiếp dâm, trộm cắp, buôn bán và tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý, gây rối trật tự công cộng... Dù còn gặp nhiều khó khăn trong quá trình giáo dục các em, nhưng chúng tôi luôn nỗ lực, cố gắng để giúp các em thay đổi về nhận thức, tu dưỡng, học tập và rèn luyện sớm trở thành những người công dân lương thiện, hữu ích cho xã hội".
Bên cạnh tham gia giảng dạy văn hóa, cô Ngọc Xuyến còn dạy hai cấp: Tiểu học và Bổ túc THCS theo chương trình giáo dục theo quy định của Bộ Giáo dục và đào tạo; tăng cường thêm giáo dục đạo đức công dân; giáo dục kỹ năng sống; giáo dục giới tính, tình dục và sức khỏe sinh sản cho các em.
Còn với cô giáo Bùi Thị Thuý, Trường Trẻ em khuyết tật huyện Giao Thuỷ, tỉnh Nam Định chia sẻ: Là một giáo viên dạy học sinh bình thường đã khó, khi dạy các em học sinh khuyết tật còn khó hơn nhiều. Nhưng bằng lòng yêu nghề, mến trẻ, coi học sinh như những người thân yêu, các thầy cô luôn cố gắng để các em có thể tiếp thu kiến thức, có kỹ năng xã hội, kỹ năng giao tiếp, có thể hoà nhập tốt hơn.
Là một nhà giáo đã 31 năm đứng trên bục giảng ở một xã đảo đặc biệt khó khăn, thầy giáo Đặng Văn Bửu luôn chăm chỉ, tìm tòi, học hỏi kiến thức. Đặc biệt, trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy. Với môn Lịch sử, thầy luôn có cách truyền cảm hứng để mỗi giờ học của mình trở thành giờ học sinh yêu thích nhất.
Thầy Đặng Văn Bửu cho biết: "Tôi luôn cập nhật các kiến thức liên môn để truyền đạt và vun đắp thêm niềm đam mê môn Lịch sử cho các em. Tôi luôn tự nhủ, đổi mới giáo dục phải từng bước vững chắc, không được chủ quan nóng vội. Nếu vội vàng sẽ trả giá đắt, đôi khi là cả một thế hệ học sinh. Chẳng hạn như với việc ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy, nếu quá đà sẽ kém hiệu quả. Theo tôi, việc kết hợp phương pháp truyền thống và hiện đại hợp lí, sẽ mang lại hiệu quả giáo dục cao hơn, tiết kiệm được nhiều thời gian, tiền của cho xã hội".
Sự tôn vinh là cần thiết
Sau khi nghe những chia sẻ của các thầy, cô giáo, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Thị Kim Chi ghi nhận và đánh giá cao sự nỗ lực, cống hiến của các thầy cô giáo trong chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” bởi ý nghĩa lớn lao đối với lực lượng cán bộ, giáo viên tại các địa phương.
“Nhiệm vụ giáo dục ở vùng sâu, vùng xa và những trường chuyên biệt còn nhiều thử thách, thiếu thốn, bất cập, nên cần hơn hết những nhà giáo tiên phong, lĩnh xướng nhận nhiệm vụ”, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi cho hay.
Chia sẻ tại buổi gặp mặt, anh Nguyễn Minh Triết, Bí thư Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam cho biết, sau 8 năm triển khai, chương trình đã tuyên dương 516 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu xuất sắc. Đó là các thầy cô “bám bản” dạy vùng sâu, vùng xa; các thầy cô đang giảng dạy ở các huyện đảo, xã đảo xa xôi; các thầy giáo là những chiến sĩ Bộ đội Biên phòng mang quân hàm xanh nâng bước em đến trường và các thầy, cô giáo dục đặc biệt dạy các em học sinh khuyết tật; các giáo viên các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an; các thầy giáo, cô giáo có nhiều cải tiến, sáng tạo, thành tích trong thời kỳ cả nước phòng, chống đại dịch COVID-19; các thầy giáo, cô giáo có học sinh đạt thành tích cao trong nước và quốc tế. Các thầy cô giáo được vinh danh là những tấm gương sáng về sự sẵn sàng cống hiến, không chỉ kiến thức, mà còn cả tình yêu thương và sự hi sinh để mang lại tương lai tốt đẹp cho những học sinh tại các vùng khó khăn của Tổ quốc.
Năm nay, Trung ương Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo và Tập đoàn Thiên Long tổ chức chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024, tuyên dương 60 thầy giáo, cô giáo tiêu biểu. Đó là những nhà giáo dạy học ở vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, huyện đảo, xã đảo, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn; các thầy giáo, cô giáo giáo các trường giáo dưỡng thuộc Bộ Công an, các cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng làm công tác xóa mù chữ cho đồng bào, thanh thiếu nhi trên địa bàn đóng quân.
Trong đó có 4 cán bộ chiến sĩ Bộ đội Biên phòng, 4 giáo viên thuộc trường giáo dưỡng Bộ Công an, 6 giáo viên giáo dục đặc biệt dạy học sinh khuyết tật, 6 giáo viên thuộc xã đảo, huyện đảo và thầy giáo, cô giáo thuộc các xã vùng III (đặc biệt khó khăn) thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2025 theo Quyết định số 861/QĐ – TTg của ngày 4/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ.
Với những giá trị tinh thần và sự động viên từ xã hội, chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” và “Nhà giáo trẻ tiêu biểu” đã tạo ra một động lực lớn, khuyến khích những sinh viên sư phạm, những người trẻ yêu thích ngành giáo dục thêm tin tưởng vào lựa chọn của mình. Các tấm gương của thầy cô được vinh danh là hình ảnh mẫu mực, truyền cảm hứng để các thế hệ nối tiếp không ngừng phấn đấu, vượt qua thử thách, nối tiếp truyền thống “người đưa đò” của dân tộc.
Tại chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Thị Kim Chi đã trao Bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho 60 thầy giáo, cô giáo tham dự chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” năm 2024.