Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng chip bán dẫn, đó là các ngành: Điện tử Viễn thông; Thiết kế vi mạch (ĐTVT); Hệ thống nhúng (ĐTVT); Điện/Tự động hóa; Cơ điện tử; Kỹ thuật máy tính/Khoa học máy tính; Vật lý kỹ thuật; Vật liệu/Vật liệu điện tử; Công nghệ Vi điện tử và nano với tổng số hơn 3.300 sinh viên.
Chuyên ngành Thiết kế vi mạch trong ngành đào tạo Kỹ thuật Điện tử Viễn thông và ngành Kỹ thuật vi điện tử và Công nghệ nano được Đại học Bách khoa Hà Nội mở mới năm 2023, nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của ngành bán dẫn.
Các chương trình này tập trung vào cung cấp nhân lực chất lượng cao, chuyên gia trong lĩnh vực thiết kế vi mạch và sản xuất - đóng gói - kiểm tra vi mạch.
Đại học Quốc gia Hà Nội đã giao cho Trường Đại học Công nghệ triển khai các kế hoạch đào tạo, nghiên cứu khoa học tập trung vào những lĩnh vực có liên quan tới công nghiệp bán dẫn/chip bán dẫn từ rất sớm.
Trong sản xuất linh kiện bán dẫn và vi mạch, công đoạn thiết kế có vai trò quyết định và chiếm tới hơn một nửa giá trị trong tổng số giá trị của chuỗi sản xuất chất bán dẫn. Công đoạn này là thế mạnh và là tiền đề để các kỹ sư của Việt Nam có thể tham gia. Trường Đại học Công nghệ đã triển các chương trình đào tạo định hướng về bán dẫn và vi mạch từ bậc Đại học đến Thạc sĩ, Tiến sĩ.
Trong đó có các chương trình đào tạo như: Công nghệ Kỹ thuật Điện tử - Viễn thông, Kỹ thuật Máy tính, Công nghệ Kỹ thuật Cơ Điện tử…
Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đào tạo khoảng 6.000 sinh viên các nhóm ngành liên quan trực tiếp và gián tiếp đến công nghệ bán dẫn. Trong giai đoạn 2023 - 2030, Đại học quốc gia TP Hồ Chí Minh đặt ra mục tiêu đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực chất lượng cao cho sự phát triển nền công nghiệp vi mạch Việt Nam và thế giới.
Năm 2024, Đại học Đà Nẵng có 3 trường kỹ thuật là Trường Đại học Bách Khoa, Trường Đại học Sư Phạm Kỹ thuật, Trường Đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt Hàn đào tạo ngành thiết kế vi mạch bán dẫn, với tổng 200 chỉ tiêu.
Trường Bách Khoa thuộc Trường Đại học Cần Thơ đã được phê duyệt chủ trương mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn thuộc ngành Kỹ thuật máy tính trình độ đại học, tuyển sinh và đào tạo năm 2024.
Trên nền tảng về cơ sở hạ tầng, thiết bị máy móc, đội ngũ giảng viên giàu kinh nghiệm trong việc đào tạo chương trình ngành gần là "Vật lý Kỹ thuật - Điện tử," từ năm 2024, Trường Đại học Khoa học và Công nghệ bắt đầu triển khai đào tạo ngành vi mạch bán dẫn.
Từ năm học 2024 - 2025, Trường Đại học Phenikaa dự kiến mở chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn. Thời điểm này, nhà trường đã chuẩn bị đầy đủ đội ngũ giảng viên để tham gia giảng dạy chuyên ngành Thiết kế vi mạch bán dẫn.
Trường Đại học FPT cùng Công ty Cổ phần Bán dẫn FPT đã thành lập Khoa Vi mạch Bán dẫn nhằm bổ sung nguồn nhân lực chất lượng cao đang thiếu hụt tại Việt Nam. Khoa dự kiến đón lứa học viên, sinh viên đầu tiên vào năm 2024 với định hướng đào tạo chuyên sâu về thiết kế vi mạch, thực hiện nghiên cứu cho ngành vi mạch bán dẫn của Việt Nam.