Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có 5 trường đại học có tổng thu trên 1 nghìn tỷ đồng/năm. Trong đó, 2 trường đại học tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP và 3 trường tư thục tự chủ gồm: Trường Đại học FPT, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh.
Trong top 10 trường tham gia khảo sát có tổng thu cao nhất, có 5 trường đại học thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP gồm: Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Trường Đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TP Hồ Chí Minh, 1 trường đại học công lập tự chủ (Trường Đại học Bách khoa - Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh) và 4 trường đại học tư thục gồm: Trường Đại học FPT, Trường Đại học Văn Lang, Trường Đại học Công nghệ TP Hồ Chí Minh và Trường Đại học Nguyễn Tất Thành.
Ngoài ra còn có 14 trường trong danh sách các trường thí điểm tự chủ theo Nghị quyết số 77/NQ-CP trong danh sách 30 trường có tổng thu cao nhất năm 2021.
Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn cũng cho biết, thống kê cho thấy chi đầu tư cho giáo dục đại học (GDĐH) tính trên GDP chiếm ít nhất 1% GDP ở nhiều quốc gia, các nước trong khu vực Đông Nam Á tỷ trọng chi cho GDĐH cũng gấp nhiều lần so với Việt Nam.
Ngân sách Nhà nước (NSNN) cơ bản chỉ đáp ứng chi tiền lương và chi thường xuyên, nguồn chi hoạt động chuyên môn thấp, kinh phí tăng cường nâng cao chất lượng đào tạo và đổi mới sáng tạo hạn chế, cũng không còn chênh lệch thu chi để tăng thu nhập cho giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục.
Hàng năm Nhà nước cắt giảm theo lộ trình 5-15% chi thường xuyên nên nhìn chung hoạt động của các cơ sở GDĐH công lập là rất khó khăn nếu không chủ động đẩy mạnh tự chủ đại học. Các khoản thu hoạt động dịch vụ GDĐT chủ yếu để bù đắp chi phí tạo lập nguồn thu nên cũng không còn chênh lệch để bổ sung quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để cải tạo cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị giảng dạy...
Trong điều kiện kinh phí khó khăn, các đơn vị sử dụng kinh phí cơ bản đúng chế độ, phát huy hiệu quả, đảm bảo công khai minh bạch, bên cạnh đó còn có một số tồn tại cá biệt như thu vượt, thu các khoản thu ngoài chế độ quy định... chi không đúng nguồn, chi dạy vượt giờ chưa đúng quy định đã được Bộ GDĐT chấn chỉnh, khắc phục kịp thời hàng năm.
Bộ GD&ĐT nhận định, đa phần các trường đại học tích cực triển khai tự chủ tài chính toàn diện và sâu rộng và đã thu được những kết quả tích cực; một số trường bước đầu tự chủ tài chính nên kết quả chưa đáng kể.
Đa số các trường cho rằng triển khai các chính sách tự chủ về học phí thuận lợi và đã mang lại tác động rất tích cực. Đồng thời, đa phần các trường (khoảng 90%) cho rằng các chính sách về tự chủ, quy chế tài chính và chi tiêu nội bộ thuận lợi trong triển khai và chính sách mang lại tác động tích cực cho các trường.