Đảm bảo công bằng cho học sinh
Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo, chia sẻ: Việc tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2020 làm hai đợt sẽ đảm bảo các cơ hội và quyền lợi của thí sinh. Các em được dự thi theo quy định của Luật Giáo dục, đồng thời có thể dùng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông để được xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng. Thí sinh ở vùng nguy cơ cao của dịch COVID-19 sẽ được lùi thời điểm thi trong điều kiện, môi trường thi an toàn nhất.
Ông Mai Văn Trinh cũng cho biết rằng hiện nay, đề thi đã sẵn sàng cho kỳ thi đợt 1, còn đề thi đợt 2 sẽ được xây dựng theo cách thức của đề thi đợt 1 và cũng lấy từ ngân hàng đề thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xây dựng đề thi với mức độ tương đồng để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Liên quan đến việc xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng, bà Nguyễn Thu Thủy, Quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), cho biết: Để bảo đảm quyền lợi cho thí sinh, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng trên tinh thần tự chủ đại học, xem xét điều chỉnh các phương án xét tuyển sinh và đề án tuyển sinh đã công bố, trong đó đảm bảo tăng cường các phương thức xét tuyển đa dạng, xét tuyển nhiều đợt trong năm để đảm bảo quyền lợi cho thí sinh.
Đối với các thí sinh đăng ký xét tuyển bằng kết quả thi trung học phổ thông, các trường cao đẳng, đại học sẽ dành tỷ lệ chỉ tiêu nhất định để xét tuyển đối với các thí sinh thuộc diện F1, F2 và các thí sinh tại các địa phương có nguy cơ cao về dịch COVID-19 nên chưa tham gia Kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông (thi từ ngày 8-10/8/2020). Ngoài ra, các trường cần công bố công khai để thí sinh biết và an tâm về cách phân bổ chỉ tiêu các đợt hợp lý.
Bà Nguyễn Thu Thuỷ nhấn mạnh: Nguyên tắc chung là đảm bảo tính công bằng giữa các thí sinh về điều kiện được xét tuyển và chất lượng đầu vào nguồn tuyển sinh.
Ổn định tâm lý - chuẩn bị tốt cho kỳ thi
Nhận xét về phương án tổ chức thi của Bộ Giáo dục và Đào tạo, ông Đặng Tự Ân, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam, nêu rõ: Với diễn biến dịch như hiện nay, thật khó lựa chọn được giải pháp tối ưu cho việc vừa tổ chức tốt kỳ thi, đúng quy chế mà vừa đảm bảo an toàn tính mạng, sức khỏe cho học sinh, các thầy cô giáo và những người tham gia tổ chức thi.
Theo ông Đặng Tự Ân, năm nay có gần một triệu học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp trung học phổ thông, trong đó có khoảng 70% học sinh đăng ký xét tuyển vào các trường đại học. Nếu không tổ chức thi, có nghĩa là sẽ không có điểm thi. Điều này sẽ không ảnh hưởng nhiều với khoảng 30% học sinh dự thi nhằm mục đích chỉ xét tốt nghiệp. Trong khi đó, 70% học sinh dự thi với nguyện vọng được xét tuyển vào các trường đại học lại cần có điểm thi tốt nghiệp để tham gia xét tuyển. Như vậy, sẽ rất khó khăn cho các trường cũng như thí sinh.
Ông Đặng Tự Ân phân tích: Tuy dịch bệnh đang có diễn biến phức tạp nhưng số đông các tỉnh, thành phố chưa phải thực hiện biện pháp giãn cách xã hội, trong đó có Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Học sinh đang tích cực ôn tập nước rút, việc chuẩn bị cho kỳ thi như in sao đề, chuẩn bị phòng thi, điều động người làm nhiệm vụ thi... tại các địa phương cơ bản đã được chuẩn bị xong. Như vậy sẽ là không công bằng, ảnh hưởng tâm lý cho hầu hết học sinh nếu chọn hình thức công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông mà không qua kỳ thi.
Trong bối cảnh này, Bộ Giáo dục và Đào tạo chốt phương án thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm nay chia thành hai đợt là linh hoạt, khả thi; vừa bảo đảm công bằng, quyền lợi cho thí sinh, vừa bảo đảm an toàn về sức khỏe cho học sinh, cán bộ, giáo viên tham gia kỳ thi.
Đánh giá về đề thi, Giáo sư Nguyễn Hữu Đức (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết: Với kỹ thuật xây dựng đề thi dựa trên ngân hàng câu hỏi như hiện nay, độ chênh lệch, khác biệt giữa các đề thi rất ít. Vì vậy, phương án thi 2 đợt hoàn toàn khả thi. Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng được ngân hàng câu hỏi với số lượng khá lớn, đảm bảo được độ khó – dễ tương đồng. Những thí sinh thi sau có sự vất vả hơn nhưng có mặt lợi đó là, thời gian ôn thi sẽ dài hơn.
Anh Lê Bá Trần Phương (quận Nam Từ Liêm, Hà Nội), là phụ huynh có con tham gia kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông năm nay chia sẻ: "Con tôi đăng ký xét tuyển vào ba trường đại học tốp trên dựa trên điểm bài thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Nếu không tổ chức thi sẽ khó trong việc xét tuyển. Lý do là lâu nay việc xét tuyển đại học chỉ dựa vào học bạ vẫn khiến dư luận còn băn khoăn, do điểm trên học bạ còn chưa phản ánh đúng thực chất lực học của học sinh".
Anh Phương cho rằng để đảm bảo công bằng cho tất cả thí sinh, việc tổ chức kỳ thi là cần thiết. Các địa phương đang có dịch COVID-19 diễn biến phức tạp thì nhiệm vụ trước hết là phải đảm bảo sức khoẻ của thí sinh, cán bộ, giáo viên, do đó sẽ tổ chức thi đợt sau. Điều quan trọng nhất tại thời điểm này là tránh gây xáo trộn để tạo tâm lý thoải mái cho các thí sinh bước vào kỳ thi.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà, chuyên gia tâm lý nhấn mạnh: Trong thời điểm hiện nay Bộ Giáo dục và Đào tạo đã lắng nghe dư luận và đưa ra quyết định phù hợp, bởi sự công bằng trong các kỳ thi là rất quan trọng, được phụ huynh đặc biệt quan tâm. Chỉ còn vài ngày nữa là kỳ thi diễn ra, phụ huynh cần dành thời gian quan tâm, củng cố tinh thần cho con em mình, giúp các con yên tâm hơn với kỳ thi sắp tới. Dù thi trước hay thi sau, các em cần giữ được thể trạng và tâm lý tốt nhất.
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Mạnh Hà nêu rõ: Chúng ta tổ chức kỳ thi đúng thời điểm, có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, dám đối mặt với khó khăn thì chắc chắn kỳ thi sẽ được tổ chức thành công. Cán bộ coi thi, phụ huynh và mỗi thí sinh đều tuân thủ theo yêu cầu của công tác phòng chống dịch COVID-19 thì việc tổ chức kỳ thi đúng thời điểm sẽ tạo ra sự an tâm và hiệu ứng tích cực cho xã hội.