Nhiều trường đại học lập nhóm để tuyển sinh

Bộ Giáo dục - Đào tạo “mở cửa” cho các trường đại học tự chủ tuyển sinh; nhưng không phải trường nào cũng sẵn sàng để tự chủ hoàn toàn. Rất nhiều trường đã chọn phương thức an toàn là “liên kết” tuyển sinh. Mùa tuyển sinh 2016 vì vậy đánh dấu sự xuất hiện của các nhóm trường tuyển sinh chung.

Đại học Quốc gia Hà Nội vẫn là “đầu tàu”

Mùa tuyển sinh 2015, trường Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐHQG Hà Nội) được đánh giá là thành công nhất với việc lấy kết quả của kỳ thi đánh giá năng lực để xét tuyển. Chính vì vậy, không bất ngờ khi năm nay, rất nhiều trường đã quyết định cùng “chung thuyền” với ĐH Quốc gia Hà Nội.

Nhiều trường tuyển sinh theo nhóm.  Ảnh: Quý Trung

Mới đây nhất, nhóm các trường tuyển sinh chung đầu tiên đã được ĐHQG Hà Nội công bố. Theo đó, kết quả bài thi đánh giá năng lực do ĐHQG Hà Nội tổ chức sẽ là căn cứ xét tuyển vào các trường thành viên và khoa trực thuộc ĐH này (gồm Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, Trường ĐH Ngoại ngữ, Trường ĐH Công nghệ, Trường ĐH Kinh tế, Trường ĐH Giáo dục, Khoa Luật, Khoa Quốc tế, Khoa Y Dược) cùng 6 trường ĐH trong và ngoài công lập khác (gồm ĐH Tài nguyên - Môi trường Hà Nội, ĐH Sư phạm kỹ thuật Nam Định, ĐH Kiến trúc Đà Nẵng, ĐH Thủ đô Hà Nội, ĐH Nông Lâm…).

Ông Đỗ Hồng Cường, Trưởng phòng Đào tạo ĐH Thủ đô Hà Nội cho biết, một trong ba phương thức tuyển sinh của trường năm nay là áp dụng xét tuyển bằng kết quả bài thi đánh giá năng lực do trường ĐHQG Hà Nội tổ chức và phương án này sẽ chiếm khoảng 30 - 50% chỉ tiêu tuyển sinh của trường. Bên cạnh đó, để mở rộng nguồn tuyển, trường vẫn xét tuyển bằng kết quả thi THPT quốc gia 2016 và tổ chức thi năng khiếu, chủ yếu đối với các ngành đào tạo sư phạm. “Trong điều kiện hiện nay, ít trường có thể tổ chức một kỳ thi quy mô như ĐHQG Hà Nội đang làm. Đây được xem là kết quả tin cậy để các trường tuyển được thí sinh; đồng thời, tăng cường tính liên thông, liên kết với các trường đại học trong tuyển sinh, đào tạo của nhà trường”, ông Đỗ Hồng Cường khẳng định.

Với hình thức tuyển sinh theo nhóm trường, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ GD - ĐT yêu cầu các trường ĐH, CĐ, các trường thành viên của ĐHQG, ĐH vùng cần xây dựng đề án tự chủ tuyển sinh của nhóm. Ngoài ra, đề án cần quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn của các trường trong nhóm; phương thức đăng ký xét tuyển (ĐKXT) của thí sinh vào các trường trong nhóm. Liên quan đến quyền lợi của thí sinh, dự thảo quy chế tuyển sinh ĐH, CĐ 2016 của Bộ cũng nêu rõ thí sinh đăng ký xét tuyển (ĐKXT) vào các trường xét tuyển theo nhóm trường, số ngành đăng ký tối đa trong mỗi đợt xét tuyển thực hiện theo quy định chung. Theo đó, đợt I, thí sinh chỉ được ĐKXT tối đa vào 2 trường, mỗi trường không quá 2 ngành; thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong đợt xét tuyển. Trong đợt ĐKXT các đợt bổ sung, thí sinh được ĐKXT tối đa vào 3 trường, mỗi trường không quá 2 ngành. Thí sinh không được thay đổi nguyện vọng vào trường, ngành đã đăng ký trong từng đợt xét tuyển. Thời gian ĐKXT bắt đầu từ ngày 1/8 đến hết ngày 20/10 đối với hệ ĐH và đến hết 15/11 đối với hệ CĐ.

Học sinh chuyên có ưu thế

Trong phương án tuyển sinh 2016 của mình, nhiều trường ĐH đã đưa ra hình thức tuyển thẳng các học sinh ở trường THPT chuyên trên cả nước. Cụ thể, ĐHQG TP Hồ Chí Minh mở rộng đối tượng tuyển thẳng là học sinh xuất sắc của 82 trường THPT chuyên trên cả nước, thay vì chỉ có 5 trường như năm 2015; với các tiêu chí: Thí sinh phải là học sinh giỏi, có hạnh kiểm tốt, đỗ tốt nghiệp THPT năm 2016; học sinh phải có một bài viết lý giải việc chọn ngành kèm theo lời giới thiệu của giáo viên. Chỉ tiêu tuyển thẳng từ 10 - 15% mỗi ngành.

ĐH Quốc gia Hà Nội cũng dành chỉ tiêu tuyển thẳng cho những thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên, đã tốt nghiệp THPT và đạt giải chính thức trong kỳ thi chọn học sinh giỏi bậc THPT cấp quốc gia và thí sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi từng năm học trong cả 3 năm THPT, tốt nghiệp THPT loại giỏi trở lên, có hạnh kiểm 3 năm THPT đạt loại tốt.

Năm 2016 này, Học viện Ngân hàng cũng sẽ dành 10% chỉ tiêu để tuyển thẳng đối tượng là học sinh chuyên các môn: toán, tin học, vật lý, hóa học, tiếng Anh từ các trường chuyên quốc gia như: THPT Chuyên ĐH Sư phạm Hà Nội; THPT chuyên Ngoại ngữ ĐH Quốc gia Hà Nội; THPT chuyên Khoa học tự nhiên….với điều kiện là những học sinh này có kết quả điểm các môn học thuộc nhóm tổ hợp các môn xét tuyển trong 3 năm THPT đạt từ 7 điểm trở lên. Tương tự, trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP Hồ Chí Minh cũng dành 10% chỉ tiêu để xét tuyển thẳng hai loại đối tượng là học sinh THPT như sau: Thí sinh học các lớp chuyên toán, vật lý, hóa học, tiếng Anh và sinh học của các trường chuyên quốc gia hoặc trường chuyên của các tỉnh, thành phố; trường sẽ xét theo học bạ, thí sinh chỉ cần có điểm trung bình chung từng môn theo tổ hợp xét tuyển từ 8.0 trở lên là có cơ hội trúng tuyển. Đối tượng thứ 2 là những thí sinh tốt nghiệp THPT năm 2016 đạt loại giỏi trở lên (điểm 4 môn thi từ 32 điểm trở lên, trong đó không có môn nào dưới 7).

PV
Nhiều điểm trong quy chế tuyển sinh được sửa đổi
Nhiều điểm trong quy chế tuyển sinh được sửa đổi

Tối ngày 18/2, Bộ GD-ĐT đã công bố Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, nhiều nội dung đã được Bộ GD – ĐT chỉnh sửa.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN