Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hiếu cho biết, năm nay kết quả thi không chỉ để công nhận tốt nghiệp THPT mà còn làm cơ sở cho các trường đại học xét tuyển vào đại học. Bên cạnh đó, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh chỉ được tham dự một bài thi tổ hợp (thay đổi so với năm 2019, thí sinh có thể đăng ký cùng lúc 2 bài thi tổ hợp); riêng thí sinh hệ giáo dục thường xuyên chỉ được chọn môn thi thành phần trong cùng bài thi tổ hợp.
Ngoài ra, năm nay thí sinh chỉ được điều chỉnh một lần duy nhất nguyện vọng. Đối với các trường hợp thay đổi nguyện vọng mà không thay đổi số lượng nguyện vọng, có thể thực hiện bằng thao tác trực tuyến.
Theo các chuyên gia tuyển sinh, để tăng xác suất trúng tuyển đại học, thí sinh cần lưu ý yếu tố quan trọng đầu tiên khi đăng ký nguyện vọng là ngành học ưu tiên, sau đó chọn tổ hợp môn thế mạnh. Với mỗi ngành đào tạo, các trường đại học thường xét tuyển với nhiều tổ hợp môn, vì thế thí sinh nên xác định thế mạnh của mình để chọn tổ hợp phù hợp nhất, có thể dựa vào điểm số năm lớp 12 để xem tổ hợp môn nào mình đang sở hữu thành tích cao nhất.
Sau khi xác định được ngành học, thí sinh sẽ phải tiếp tục lựa chọn một ngôi trường đại học phù hợp để đăng ký nguyện vọng. Nếu thí sinh có năng lực học tập tốt thì hoàn toàn có thể tự tin lựa chọn đăng ký vào trường mình yêu thích. Với những thí sinh có năng lực nhất định thì có thể dựa vào điểm ước lượng để chọn những trường nằm trong "vùng an toàn".
Các chuyên gia tuyển sinh cũng lưu ý thêm, dù không giới hạn nguyện vọng nhưng thí sinh sẽ chỉ được công nhận trúng một nguyện vọng thứ tự ưu tiên cao nhất. Do đó, thí sinh cần hết sức lưu ý đến thứ tự nguyện vọng ưu tiên. Với các trường tổ chức thi hoặc xét tuyển theo phương thức khác, thí sinh sẽ phải thực hiện theo quy định riêng của từng trường. Thí sinh cần theo dõi đề án tuyển sinh của trường để nắm được các quy định về thời gian và phương thức tuyển sinh.
Điểm mới của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm nay là tăng cường tự chủ của các địa phương. Trong đó, chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chịu trách nhiệm toàn diện về chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương. Cơ sở giáo dục đại học không tham gia coi thi, chấm thi, chỉ tham gia các đoàn thanh tra, kiểm tra, giám sát các khâu của kỳ thi. Ngoài ra, sau khi có kết quả thi tốt nghiệp, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ thực hiện đối chiếu, so sánh, phân tích kết quả thi và kết quả học tập bậc THPT của thí sinh.
Tại buổi tập huấn kỳ thi tốt nghiệp năm 2020 cho các trường, ông Nguyễn Văn Hiếu yêu cầu tất cả các khâu tổ chức của các trường phải được tiến hành chặt chẽ, cẩn trọng, đúng quy chế, không được vận dụng, sáng tạo hay chủ quan, dựa theo kinh nghiệm của các năm trước. Theo đó, các trường THPT phải tổ chức tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên, học sinh về các điểm mới trong quy chế thi và đăng ký xét tuyển đại học, tránh tình trạng tư vấn nhầm hoặc chọn sai nguyện vọng của thí sinh. Đặc biệt, các trường cần kiểm tra chế độ ưu tiên của thí sinh, tránh tình trạng sau khi công bố kết quả thi mới phát hiện sai sót.
Về công tác chấm thi, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cũng cho biết tất cả giáo viên chỉ chấm thi một lần duy nhất, tức giáo viên đã chấm thi tự luận không được tham gia chấm phúc khảo. Năm nay, TP Hồ Chí Minh sẽ huy động lực lượng giáo viên khá lớn để thực hiện công tác chấm thi và phúc khảo.
Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo về tổ chức thi tốt nghiệp THPT năm 2020, thí sinh bắt đầu đăng ký nguyện vọng từ 15/6 và hạn cuối thu nhận hồ sơ đăng ký dự thi của thí sinh là 30/6. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 bắt đầu diễn ra từ ngày 8/8 đến ngày 10/8. Ngày 27/8 sẽ công bố kết quả thi.
Các sở Giáo dục và Đào tạo hoàn thành việc xét tốt nghiệp THPT chậm nhất là 30/8, công bố kết quả xét tốt nghiệp vào ngày 1/9. Từ ngày 27/8 đến hết ngày 5/9, các đơn vị đăng ký dự thi nhận đơn phúc khảo, lập danh sách phúc khảo bài thi và hoàn thành chấm phúc khảo chậm nhất vào ngày 20/9. Việc xét công nhận tốt nghiệp THPT sau phúc khảo chậm nhất vào 23/9.