Vào mỗi mùa tuyển sinh đầu cấp, các bậc phụ huynh lại “chạy đôn, chạy đáo” để lo cho con vào được những trường tốt nhất. Thậm chí, để có một suất học tại các trường điểm, phụ huynh còn chuẩn bị từ nhiều năm trước. Tình trạng này càng “nóng” hơn khi số lượng học sinh vào học lớp 1 năm nay tăng đột biến.
“Chạy” vào trường điểm
Anh Đức Hùng, một phụ huynh học sinh, cho biết: “Theo đúng tuyến thì con tôi phải học ở trường THCS Điện Biên (quận Bình Thạnh), nhưng tôi muốn cháu nó được học ở trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh) vì gần nhà và là trường dạy tốt. Khi chúng tôi hỏi: “Xin học trái tuyến ở trường này có cần điều kiện gì không?”. Anh dè dặt nói: “Bình thường thì phải đạt điểm thi khoảng 18,5 điểm, còn không thì phải nhờ người quen. Nếu được vào học trong trường, mình cũng phải “biết điều” đóng góp cho nhà trường”.
Cha mẹ luôn mong muốn con em mình có môi trường học tập tốt nhất. |
Năm nay, số học sinh vào lớp 1 của Thành phố Hồ Chí Minh tăng hơn 3.000 em, do đó tình trạng “chạy” trường lại “nóng” hơn so với những năm trước. Chị Hoàng Thị Tr. nhà ở quận 10, nhưng muốn cho con vào học tại trường tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), tâm sự: “Để tiện việc đưa đón, tôi muốn xin cho con vào học tại trường này. Tuy nhiên, để chuẩn bị cho con, tôi cũng nhờ người quen “xin” được một cái giấy KT3”. Còn chị Lê Thái Thùy X. nhà ở quận Tân Bình, có con đang học tại một trường tiểu học ở quận Tân Bình, cho biết: “Tôi nghe nói ở trường THCS Võ Trường Toản có dạy chương trình tiếng Anh Cambridge nên tôi đang lên kế hoạch chuẩn bị cho con đang học lớp 3 khi học hết tiểu học sẽ vào học trong trường này. Để chắc chắn hơn, tôi cũng đang nhờ người quen cho nhập hộ khẩu vào quận 1 luôn”.
Ông Đặng Thanh Tuấn, Trưởng phòng Giáo dục quận Gò Vấp, nhìn nhận: “Để có được một chỗ học ưng ý, nhiều phụ huynh đã không tiếc công, tiếc của “chạy” cho con. Các phụ huynh thường “chạy” vào trường điểm bằng cách “chạy” hộ khẩu. Do chất lượng đào tạo ở các trường của quận cũng đảm bảo nên không ít phụ huynh ở các quận lân cận như quận 12, Hóc Môn… “chạy” hộ khẩu để được vào học tại các trường ở quận Gò Vấp”.
Tiền mất, tật mang
Nhiều phụ huynh đã tìm mọi cách khác nhau để kiếm cho con có được một suất học ưng ý, thế nhưng, kết quả trúng tuyển thì “hên xui”. Hậu quả là mất thời gian, công sức, thậm chí con cái có thể mất chỗ học.
Bà Phạm Thúy Hà, Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (quận 4), chia sẻ: Trong lần xét nhận hồ sơ nhập học vừa rồi, nhà trường đã gạt ra 2 trường hợp học sinh không hợp lệ. Cả 2 trường hợp này có giấy gọi vào học lớp 1 nhưng khi đối chiếu với sổ lưu trú thì không hợp lệ. Vì sổ lưu trú chỉ xác nhận sinh sống tại địa phương, nhưng lại không ký tên, đóng dấu chứng nhận, không chứng minh được học sinh này đang sinh sống tại quận 4. Điều đáng lưu ý là hộ khẩu gốc của học sinh này ở quận 10. “Có nhiều trường hợp phụ huynh tự tin là con mình sẽ được vào trường trái tuyến vì đã bỏ ra một số tiền lớn nhờ người “chạy”, nhưng đến phút cuối lại bị rớt, và phải quay lại tìm trường đúng tuyến. Tuy nhiên, lúc này trường đúng tuyến cũng không còn chỗ học. Vì hết chỗ học, các bậc phụ huynh buộc phải để con em mình học tại các trường dân lập”, bà Hà cho biết.
Còn ông Nguyễn Văn Vượng, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Gia Thiều, khẳng định: “Cơ hội trái tuyến trúng tuyển rất khó. Thường thì các trường chỉ giải quyết 20% cho diện trái tuyến bằng cách xét điểm từ cao xuống thấp, ưu tiên những học sinh đạt những danh hiệu, thành tích trong học tập. Các trường hợp trái tuyến khác chỉ may mắn khi có học sinh nào đó chuyển trường hoặc thi đậu vào các trường chuyên”.
Tình trạng “chạy” trường trái tuyến đã khiến cho các trường quá tải hồ sơ mỗi khi vào đầu năm học mới. Ông Cao Đức Khoa, Hiệu trưởng trường THCS Võ Trường Toản (quận 1), cho biết: “Mỗi năm có hơn 300 bộ hồ sơ trái tuyến, phần lớn học sinh từ các quận Bình Thạnh, quận 2 nộp vào. Tuy nhiên, trường chỉ giải quyết khi kế hoạch tuyển sinh đúng tuyến đã xong”.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, để tránh tình trạng “chạy” trường, biện pháp căn bản nhất vẫn là giảm chênh lệch cơ sở vật chất và giáo viên ở các trường. Bên cạnh đó, Sở cũng nhấn mạnh: Các trường không nhận bất kỳ hình thức đóng góp nào của phụ huynh trong quá trình tuyển sinh; đồng thời phải xem xét kỹ thời gian nhập hộ khẩu để tránh tình trạng “chạy” hộ khẩu. |
Bài và ảnh: Đan Phương