Ngành Hán Nôm đi đầu trong khai thác, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm

Sáng 12/11, tại Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) diễn ra lễ kỷ niệm 50 năm thành lập ngành Hán Nôm – Khoa Văn học.

Ngành Hán Nôm của nền đại học Việt Nam được thành lập tại Khoa Ngữ văn - Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là Khoa Văn học - Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội) vào năm 1972, giữa lúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt nhất, với nhiệm vụ đào tạo đội ngũ những người làm công tác sưu tầm, bảo quản, nghiên cứu, phiên dịch, khai thác di sản Hán Nôm, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hiến của dân tộc, phục vụ cho sự nghiệp cách mạng.  

Sự ra đời của ngành Hán Nôm ở thời điểm đó đã cho thấy sự quan tâm đặc biệt và thể hiện tầm nhìn xa rộng của Đảng và Nhà nước, vì tương lai lâu dài của văn hóa và học thuật nước nhà, để tương lai không bị gián đoạn với mạch nguồn nghìn năm văn hiến của tổ tiên.

Theo Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội): Nhiệm vụ và sứ mệnh của ngành Hán Nôm là đào tạo ra đội ngũ những người làm công tác Hán Nôm vừa tinh thông chữ Hán, chữ Nôm, vừa nắm vững các phương pháp nghiên cứu Hán Nôm chuyên ngành và liên ngành hiện đại; có khả năng khai thác và giới thiệu các giá trị của văn hóa truyền thống, trực tiếp góp phần bảo đảm sự liên tục về văn hóa giữa truyền thống và hiện đại.  

Chú thích ảnh
PGS.TS Nguyễn Văn Thịnh, nguyên chủ nhiệm Bộ môn Hán Nôm, giảng viên lão thành, người đã có những đóng góp to lớn cho sự hình thành và phát triển của ngành Hán Nôm) bày tỏ niềm tin và kỳ vọng vào sự phát triển của ngành với tinh thần “Văn hóa Hán Nôm”. Ảnh: USSH

Sinh viên tốt nghiệp ngành Hán Nôm của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội trước đây và Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội (Đại học Quốc gia Hà Nội) hiện nay là một trong những lực lượng chủ đạo làm công tác Hán Nôm trong cả nước ở thời điểm hiện tại.  

Các thế hệ tốt nghiệp ngành Hán Nôm đến nay nhiều người đã trở thành những chuyên gia đầu ngành, đã có những công trình nghiên cứu xuất sắc về Hán Nôm và văn hóa Việt Nam truyền thống, nhiều người đã và đang đảm nhận những trọng trách ở các cơ quan nghiên cứu, giảng dạy, truyền thông, ngoại giao, bảo tồn di sản, quản lý văn hoá, quản lý giáo dục…

Hiện nay, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) là một cơ sở đào tạo ngành Hán Nôm có uy tín trong toàn quốc, đào tạo ngành Hán Nôm ở cả ba bậc học Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, có sứ mệnh tiên phong trong việc đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực có kiến thức Hán Nôm cho các cơ sở nghiên cứu và giảng dạy Hán Nôm, bảo tồn di sản truyền thống và quản lý văn hóa...  Đồng thời, ngành Hán Nôm còn đi đầu trong việc khai thác, nghiên cứu, công bố di sản Hán Nôm và các vấn đề khác liên quan tới Hán Nôm.  

Thành tựu đào tạo và nghiên cứu của ngành Hán Nôm đã góp phần gìn giữ và minh giải các tư liệu văn tự của tổ tiên để lại từ quá khứ, giúp các thế hệ hiện tại và tương lai tiếp cận với mạch nguồn văn hóa truyền thống. Đồng thời, là cơ sở để xây dựng một nền văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc. Trong những năm gần đây, cùng với một số ngành khoa học cơ bản khác, ngành Hán Nôm được Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (Đại học Quốc gia Hà Nội) tạo cơ chế, chính sách, đầu tư nguồn lực để phát triển. Đặc biệt là những chính sách hỗ trợ người học, thu hút và bồi dưỡng tài năng theo định hướng cá thể hoá, “tâm truyền" nhằm đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao, tâm huyết, gắn bó với công tác Hán Nôm, với sự nghiệp khai thác, bảo tồn các giá trị văn hiến cổ điển.  

 

Lê Vân/Báo Tin tức
15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán Nôm
15 năm truyền 'lửa đam mê' chữ Hán Nôm

Tình yêu với truyền thống văn hóa thấm đẫm từ thủa còn thơ đã gắn bó thầy đồ Lê Trung Kiên với Nhân mỹ học đường, với hàng nghìn đồng đạo, đồng môn trong hành trình 15 năm truyền dạy Hán Nôm, thư pháp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN