Phát biểu tại hội thảo, ông Dương Anh Đức, Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong ngành giáo dục được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhằm đổi mới phương pháp giảng dạy, học tập và quản lý, góp phần nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục.
Chuyển đổi số ngành Giáo dục và Đào tạo là quá trình thay đổi về tư duy, cách thức hành động của cá nhân và vận hành của tổ chức trong hệ thống giáo dục. Sự thay đổi này được tạo điều kiện bởi công nghệ, được phát triển bởi sự tiếp nhận, tham gia tích cực của cộng đồng và được dẫn dắt bởi sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ khai thác nguồn vốn tài chính sang khai thác nguồn vốn dữ liệu.
“Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề chuyển đổi số, nhất là giáo dục càng phải được quan tâm, nếu không sẽ bị tụt hậu. Hạ tầng số hiện nay không chỉ được hiểu là những mạng lưới viễn thông, trung tâm dữ liệu, hệ thống máy chủ mà còn là những hạ tầng công nghệ liên kết các nền tảng số”, ông Dương Anh Đức cho biết thêm.
Để chuyển đổi số thành công, ông Dương Anh Đức cho rằng, cần có một chiến lược chuyển đổi số đúng đắn, dẫn dắt sự phát triển của hệ sinh thái công nghệ với các nền tảng số phục vụ hiệu quả cho hoạt động giáo dục.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, tại TP Hồ Chí Minh công tác xây dựng và chuẩn hóa dữ liệu của ngành giáo dục được thực hiện theo mô hình trục liên thông dữ liệu thay cho mô hình phần mềm dùng chung ngành giáo dục và đào tạo. Việc khai thác dữ liệu số đã được ứng dụng thực hiện các giải pháp chuyển đổi số của ngành, góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý cũng như chất lượng các hoạt động giáo dục; giảm cường độ lao động cho đội ngũ giáo viên.
“Chúng tôi nhận thức rằng trong quá trình triển khai, sự thay đổi về công nghệ và khả năng thích nghi của ngành sẽ có thể tác động ít nhiều đến tiến độ thực hiện những mục tiêu đặt ra. Tuy nhiên, những định hướng chiến lược trong chuyển đổi số toàn ngành, lấy dữ liệu làm cơ sở, lấy giáo viên và người học làm trung tâm là vô cùng vững chắc”, ông Nguyễn Văn Hiếu thông tin thêm.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh, chuyển đổi số của ngành Giáo dục và Đào tạo đến năm 2025 và định hướng 2030 bao gồm 10 mục tiêu. Cụ thể: đảm bảo hạ tầng kỹ thuật và trang thiết bị công nghệ thông tin; nâng cao vai trò của hệ thống thông tin quản lý; thúc đẩy các mô hình dạy học kết hợp; tạo lập kho học liệu số dùng chung cho toàn ngành; phát triển nền tảng số phục vụ hoạt động dạy hoc; đẩy mạnh bồi dưỡng đào tạo; triển khai các chứng chỉ tin học chuẩn quốc tế; tích hợp, hợp tác với cộng đồng doanh nghiệp Edtech; xây dựng cơ chế và chính sách hỗ trợ và giám sát và đánh giá định kỳ.
Qua các báo cáo tham luận, tọa đàm, các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích liên quan đến các nội dụng: khởi tạo, quản trị, chuẩn hóa dữ liệu; phân tích dữ liệu phục vụ công tác quản lý; khai thác dữ liệu tạo ra giá trị mới; đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao năng lực số.
Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, xây dựng, quản lý và khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu dùng chung góp phần quan trọng trong việc thực hiện thành công các giải pháp chuyển đổi số của ngành giáo dục và đào tạo. Tuy nhiên, khó khăn chung của nhiều địa phương đang gặp phải trong thực hiện chuyển đổi số đó là vấn đề xây dựng, liên thông dữ liệu, hướng đến việc quản lý, khai thác hiệu quả cho công tác quản lý, dạy và học; xây dựng phần mềm liên thông cho ngành giáo dục; vấn đề khai thác hiệu quả dữ liệu dân cư cho việc quản lý ngành.
Tại hội thảo cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Sở Giáo dục và Đào tạo các tỉnh, thành phố vùng Đông Nam Bộ để thúc đẩy chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo của vùng.