Nhân rộng mô hình trường học an toàn thân thiện, lành mạnh
Sở Giáo dục Đào tạo Hưng Yên đã thông báo kết luận của UBND tỉnh Hưng Yên về xử lý vụ việc bạo lực học đường tại Trường Trung học cơ sở Phù Ủng (huyện Ân Thi) và đưa ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc.
Đồng thời, sở cũng quát triệt tới tất cả các trường học, cơ sở giáo dục những nội dung cơ bản trong phòng chống bạo lực học đường. Với giáo dục mầm non, thực hiện theo hướng lấy trẻ làm trung tâm, coi trọng việc chăm sóc nuôi dưỡng giáo dục, các hoạt động vui chơi để phát triển thể chất.
Về giáo dục phổ thông, coi trọng công tác phối hợp giữa nhà trường với gia đình, ngăn chặn kịp thời những tác động tiêu cực ngoài xã hội và việc sử dụng dịch vụ Internet, trò chơi điện tử, điện thoại di động ảnh hưởng đến học sinh.
Các trường học cũng đã đưa ra một số mô hình tốt cách làm hay, chia sẻ những kinh nghiệm trong phòng chống bạo lực học đường. Điển hình như: các trường Phổ thông Trung học Triệu Quang Phục, Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm (Yên Mỹ), Trung học phổ thông chuyên Hưng Yên, Tiểu học Tân Quang (Văn Lâm), Trung học Phổ thông Mỹ Hào...
Đây là các trường có nhiều kinh nghiệm không để xảy ra bạo lực học đường. Trong đó, tổ chức tốt việc dạy kỹ năng sống và các hoạt động vui chơi bổ ích lành mạnh, hoạt động ngoại khóa, văn nghệ thể thao, các buổi sinh hoạt chuyên đề.
Cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Đoàn Thị Điểm, chia sẻ: Để phòng ngừa những hiện tượng bạo lực học đường, Trường THCS Đoàn Thị Điểm đã tạo cơ sở vật chất sân chơi cho các học sinh, hình thành các câu lạc bộ trong trường; giáo dục kỹ năng sống, tổ chức các trò chơi dân gian, hội trại, giao lưu, văn nghệ thể thao.
Trường tổ chức hoạt động ngoại khóa, giúp học sinh có môi trường phát triển thể chất, tâm hồn, tránh xa các hoạt động xấu. Qua đó trường xây dựng đức tính tốt, ý thức tập thể, gần gũi nhằm giảm thiểu bạo lực học đường.
Cô Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Triệu Quang Phục, cho biết: Nhà trường luôn coi trọng phương pháp nêu gương, biểu dương kịp thời những học sinh có việc làm tốt trong các hoạt động; nâng cao kỹ năng mềm dẻo trong giáo dục học sinh hư, học sinh vi phạm, không để xảy ra mâu thuẫn giữa thày và trò và giữa các học trò với nhau.
Trường THPT Triệu Quang Phục còn có nhật ký hoạt động, thu thập học sinh tích cực, là vệ tinh để lấy thông tin, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em học sinh.
Các trường học cũng đưa ra những cách làm thiết thực trong phòng chống bạo lực học đường như: sử dụng các thiết bị hỗ trợ, các thiết bị camera, kịp thời ngăn chặn và phát hiện các hiện tượng lạ. Bạo lực học đường chính là việc làm tổn hại đến tinh thần của cả các em học sinh lẫn các thầy cô giáo trong môi trường học đường.
Cụ thể, đối với học sinh chưa ngoan, hay bỏ học, không có ý thức tốt, nghiện chơi game… là biểu hiện dễ gây ra bạo lực học đường. Theo đó, các trường cần có ban chỉ đạo, tổ tâm lý, mời các chuyên gia để giáo dục, bồi dưỡng cho học sinh kỹ năng mềm. Gia đình, nhà trường giáo dục phối hợp kỹ năng sống; tăng cường hòm thư góp ý, để giúp thầy cô có hướng điều chỉnh tốt.
Xây dựng hình ảnh thầy gương mẫu, trò chăm ngoan
Các ý kiến thảo luận tại hội nghị đã tập trung phân tích vai trò của người thầy. Nhà trường cần thực hiện tốt vai trò của thầy cô giáo đối với học sinh. Các thầy cô nên thường xuyên quan tâm đến diễn biến tâm lý, tình cảm của học sinh, thực sự trở thành điểm tựa để học sinh chia sẻ tâm tư, kịp thời tư vấn tác động và giúp học sinh khắc phục những hạn chế.
Và hơn hết phụ huynh chính là người thầy gương mẫu nhất, mỗi gia đình đều là môi trường giáo dục tốt, cần đầu tư tủ sách để rèn văn hóa đọc cho từng thành viên trong gia đình. Vì vậy cần sự phối hợp cả ba bên: nhà trường - phụ huynh - học sinh.
Nhiều ý kiến của các trường cũng đánh giá cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm, là người mà học sinh luôn tin tưởng, chia sẻ. Theo đó, giáo viên chủ nhiệm cần tham gia các buổi hội thảo để nâng cao kỹ năng trong việc nắm bắt hoàn cảnh, gia đình, tâm sinh lý của học sinh.
Lứa tuổi học sinh có nhiều tâm lý trái chiều nên giáo viên cần làm tốt công tác tư tưởng, định hướng việc làm đúng đắn, giúp các em rèn kỹ năng, hoàn thiện bản thân. Qua đó, giáo viên chủ nhiệm góp phần quan trọng vào việc xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, thân thiện không có bạo lực
Cũng theo cô Lê Thị Nguyệt, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Triệu Quang Phục, chức năng của giáo viên chủ nhiệm là vô cùng quan trọng. Thầy cô chủ nhiệm cần phải lấy được sự tin tưởng, nắm bắt tâm tư, tình cảm của các em học sinh, chủ động tâm lý tư vấn giữa gia đình, nhà trường và giáo viên, từ đó sẽ ngăn cản được những mầm mống tiêu cực, giúp các em tránh xa bạo lực học đường.
Ông Nguyễn Văn Phê, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hưng Yên, nhấn mạnh: Để xây dựng môi trường giáo dục an toàn lành mạnh, không có bạo lực, mọi thầy cô đều phải có nếp sống gương mẫu.
Học trò đến lớp để được yêu thương, biết yêu thương chứ không phải để được chiều chuộng. Học trò cần được thổi hồn nhân cách qua từng tiết học chứ không phải nhồi nhét kiến thức. Ngôi trường phải là nơi kết tinh khoa học và đạo đức. Mà đạo đức là nền tảng cốt lõi thấm sâu vào từng tiết học, nuôi dưỡng tâm hồn và hình thành nhân cách cho các em.
Giám đốc Sở Giáo dục Đào tạo Hưng Yên cho rằng các thầy cô cần ý thức sâu sắc về nghề giáo, rà soát lại xem mình đã mang lại gì cho học trò của mình. Theo ông, các thầy cô cần tự hỏi mình đã đóng góp gì cho việc hình thành nhân cách đạo đức, ước mơ và hoài bão của học sinh, giúp các em chuẩn bị hành trang để tự bước đi trong cuộc sống.