Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm – Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội: Giáo dục bằng trải nghiệm chưa tốt
Đầu tiên, phải nói rõ là chúng ta đã có rất nhiều thông tư, nghị định liên quan đến tạo dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng, chống bạo lực học đường. Không địa phương nào, không ngôi trường nào muốn xảy ra bạo lực học đường trong môi trường học tập của mình. Thế nhưng, bạo lực học đường vẫn diễn ra ở nhiều nơi. Theo tôi, nguyên do chính của hiện tượng này là hiệu quả giáo dục đến các em học sinh về phòng, chống bạo lực học đường chưa cao.
Chính việc giáo dục bằng trải nghiệm chưa tốt dẫn đến việc các em học sinh sống bàng quan với nhiều hiện tượng xã hội, không có tình thương, không tôn trọng người khác. Giáo dục giáo điều không giúp các học sinh có được những tác động sâu sắc về mặt tâm hồn, làm những điều xấu mà chưa thấy là mình làm sai.
Trong trường hợp cụ thể như vụ việc xảy ra với em học sinh ở Hưng Yên, dù luôn chủ trương không đuổi học các em mà cần giáo dục để các em hiểu sai lầm của mình nhưng tôi xin khẳng định đây là một vụ việc có thể quy trách nhiệm hình sự khi các em học sinh đánh người và vi phạm nhân phẩm người khác. Các em sẽ phải chịu trách nhiệm vì những điều mình làm bằng việc phạt lao động công ích hoặc những án phạt thích đáng với những lỗi lầm mình gây ra. Các học sinh khác lấy gương đấy để thay đổi.
Về nguyên nhân của bạo lực học đường gia tăng, có thể nhìn nhận ở 3 vấn đề. Ở thời điểm hiện tại, tâm sinh lý các em học sinh ngày càng phức tạp, nhưng giáo viên chủ nhiệm chưa nắm bắt được tâm lý, tình cảm của học sinh. Thêm vào đó, công tác tổ chức quản lý của mỗi nhà trường, khuyến khích những điều tích cực, đấu tranh với cái xấu chưa cao. Hiệu trưởng, giáo viên chủ nhiệm hiện nay chỉ quen chỉ thị nhưng không phát hiện, không kiểm tra nên không phát hiện kịp thời sự việc. Yếu tố cuối cùng khiến bạo lực học đường gia tăng là các em học sinh chưa được giáo dục về chịu trách nhiệm với vấn đề mình gây ra.
PGS. TS. Trần Thành Nam, Trường Đại học Giáo dục: Chứng kiến bạo hành cũng là những nạn nhân bị tổn thương tâm lý
Chúng ta thấy có nhiều trường hợp bạo hành, học sinh đứng chứng kiến bạn bị bạo hành nhưng không có hành động gì, thậm chí còn giơ máy điện thoại lên quay. Đấy không phải là bàng quan mà tất cả các thành viên đó thuộc một băng nhóm. Điều rất tệ là bây giờ bạo lực thường được tiến hành theo nhóm. Nhiều em để được chấp nhận tham gia vào nhóm thậm chí còn phải làm thủ tục ra mắt nhóm bằng cách đánh một thành viên đã dám có thái độ “vô lễ” theo chỉ định của đại ca đứng đầu nhóm. Các thành viên trong nhóm vây quanh nạn nhân có thể vừa làm nhiệm vụ rào chắn để người khác không nhìn thấy rõ vụ việc và làm công tác cảnh giới. Kẻ cầm đầu nhiều lúc chính là người cầm điện thoại quay để tiếp tục “làm nhục” nạn nhân trên mạng xã hội và dằn mặt những kẻ khác nếu có ý đồ chống đối.
Cũng phải nói là trong nhóm cũng có nhiều học sinh cảm thấy bất nhẫn nhưng cũng không thể làm gì. Các em đã quen với cách giáo dục ép buộc, nói theo chuẩn, làm bài theo mẫu nên sớm quen với việc chấp nhận và không dám đưa ra ý kiến cá nhân trái chiều với số đông. Và khi chứng kiến bạo hành trong lớp, các em cũng là những nạn nhân bị tổn thương tâm lý.
Bạo lực học đường vẫn phổ biến vì chúng ta chưa hành động đủ để phòng ngừa bạo lực học đường, các biện pháp kiểm soát bạo lực học đường hiện hành không hiệu quả do các yếu tố kích hoạt bạo lực vẫn tồn tại, những yếu tố duy trì củng cố bạo lực vẫn tồn tại thậm chí phát triển hơn.
Yếu tố duy trì củng cố bạo lực còn có cả hiện tượng bố mẹ khuyến khích bạo lực vì không muốn con yếu đuối, bị bắt nạt. Nhiều nạn nhân cam chịu làm người gây bạo lực càng cảm thấy có vị trí, có quyền lực. Những người trông hổ báo thực tế làm người khác sợ hãi, họ giải quyết được một số việc việc nhanh chóng, có thể kiếm tiền một cách dễ dàng hơn những người khác.
Gia đình và nhà trường có một thời gian chỉ quan tâm đến dạy chữ mà coi nhẹ dạy con làm người, dạy các giá trị sống cơ bản. Cha mẹ và người lớn cũng không phải làm tấm gương hành vi tốt. Tất cả làm cho học sinh chấp nhận bạo lực như một phần bình thường của cuộc sống và phải dùng bạo lực để đạt điều mình muốn
Để phòng chống và giảm bạo lực học đường bền vững, cần hạn chế các yếu tố bất lợi hoặc tập nhiễm bạo lực cho trẻ ngay từ thời thơ ấu. Tăng cường huấn luyện cha mẹ sử dụng kỷ luật không nước mắt, nhấn mạnh đến yếu tố giáo dục giá trị cho con thông qua hành vi thái độ của cha mẹ khi xử lý các tình huống thường ngày.
Nhà trường và giáo viên tăng cường các hoạt động giáo dục giá trị sống và kỹ năng sống để giúp trẻ hội nhập và xử lý thành công các khúc mắc học đường. Tăng cường sự kiểm soát của cha mẹ và nhà trường để hạn chế sự tập nhiễm văn hoá phẩm bạo lực đồi truỵ đến trẻ từ phim ảnh đến game online cũng như sự ảnh hưởng của nhóm bạn xấu đến hành vi nhân cách của trẻ.
Bên cạnh đó, cha mẹ và giáo viên cũng cần tự trang bị kiến thức để nhận diện sớm các tổn thương sức khoẻ tâm thần của các em và chủ động tìm kiếm các hỗ trợ can thiệp phù hợp cho các em một cách kịp thời vì rất nhiều vụ việc xảy ra do thủ phạm cũng có những vấn đề tâm lý và tổn thương sức khỏe tâm thần.