Ngăn chặn lạm thu dưới danh nghĩa tiền 'xã hội hóa'

Bộ GD-ĐT vừa thông qua quy định về tài trợ tại các cơ sở giáo dục (xã hội hóa) phải được phê duyệt, công khai, không ép buộc và không được quy định, ép buộc mức đóng góp. Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, việc kiểm soát việc lạm thu trong nhà trường vẫn chưa hết khó kiểm soát.

Thêm nhiều biện pháp ngăn chặn lạm thu

Trước đây 6 năm (năm 2012), Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 29/2012/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các sơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Sau 5 năm thực hiện Thông tư số 29 đã đạt được một số kết quả nhất định.

Chú thích ảnh
Còn dịch vụ giáo dục chất lượng cao rất cần huy động sức mạnh từ xã hội. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Thông tư 29 đã bộc lộ một số tồn tại hạn chế như: còn quy định chung chung mang tính nguyên tắc, chưa cụ thể, dẫn đến khó triển khai. Phía các cơ sở giáo dục chưa có kế hoạch vận động tài trợ, xây dựng quy trình tiếp nhận, quản lý, sử dụng tài trợ một cách công khai minh bạch.

Do đó, Bộ GD-ĐT đã vừa ban hành Thông tư 16/2018/TT-BGDĐT quy định về tài trợ cho các cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Thông tư có hiệu lực từ ngày 18/9/2018 thay thế Thông tư số 29. Đây được coi là biện pháp giải quyết dứt điểm tình trạng lạm thu núp bóng danh nghĩa tiền “xã hội hóa”.

Ông Trần Tú Khánh - Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính (Bộ GD-ĐT) cho biết, việc ban hành Thông tư mới đã quy định rõ ràng nội dung, quy trình vận động, tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ, tạo ra kênh huy động tài trợ công khai minh bạch. Sẽ ngăn chặn tình trạng nhà trường, tổ chức cá nhân lợi dụng hình thức đầu tư xã hội hóa để vận động những nguồn tài chính tài sản không phù hợp, không chính đáng. Đây cũng là căn cứ để xử phạt nếu cá nhân, tổ chức nào vi phạm.

Yêu cầu phải xây dựng kế hoạch vận động tài trợ, kế hoạch phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt và kế hoạch phải cụ thể đến từng khâu của quá trình tiếp nhận, quản lý và sử dụng các khoản tài trợ. Như vậy, việc huy động, tiếp nhận đầu tư sẽ phải được tổ chức một cách có kế hoạch, và đều được công khai minh bạch, có sự giám sát của các cá nhân, tổ chức ngoài nhà trường.

Bên cạnh đó, Thông tư cũng yêu cầu phải quản lý các khoản tài trợ tập trung tại cơ sở đào tạo để đảm bảo việc sử dụng có hiệu quả, tiết kiệm. Các tổ chức, cá nhân khác như: Ban đại diện cha mẹ học sinh, Hội học sinh, sinh viên… không được quản lý và sử dụng các khoản tài trợ cho cơ sở giáo dục. Với các quy định cụ thể trên sẽ chấm dứt tình trạng Ban đại diện cha mẹ học sinh tự đặt ra các khoản thu áp đặt, cào bằng gây bức xúc dư luận như trong thời gian vừa qua.

“Trong điều kiện ngân sách nhà nước còn hạn hẹp, sự chung tay góp sức của toàn xã hội cho ý nghĩa rất lớn đối với cơ sở giáo dục nói riêng và ngành giáo dục nói chung. Thông tư 16 nêu rõ khuyến khích các tổ chức, cá nhân tài trợ, ủng hộ để phát triển sự nghiệp giáo dục, tăng cường cơ sở vật chất trường lớp, hỗ trợ hoạt động dạy - học, hoạt động giáo dục tại các cơ sở giáo dục” - ông Trần Tú Khánh chia sẻ thêm.

Vẫn còn khó kiểm soát lạm thu trong nhà trường

Ngay trước thềm năm học mới, một loạt các vụ việc lợi dụng hội cha mẹ phụ huynh học sinh, áp đặt cào bằng để thu tiền tiếp tục được phát hiện như các trường hợp ở Hải Phòng, Thanh Hóa hay mới đây nhất là trường tiểu học Sơn Đồng (Hoài Đức, Hà Nội).

Theo ý kiến nhiều chuyên gia, khi ngân sách nhà nước hạn chế thì việc huy động các nguồn lực xã hội một cách tự nguyện để đầu tư nâng cao đảm bảo chất lượng giáo dục là chính đáng và hết sức cần thiết. Tuy nhiên có vẻ chúng ta đang gặp phải vấn đề khá nghiêm trọng, đó là chưa hiểu đúng và làm đúng pháp luật về xã hội hóa trong giáo dục dẫn tới cách thức triển khai không phù hợp khi kêu gọi xã hội hóa tài trợ với cơ sở giáo dục.

Trao đổi với phóng viên, ông Hoàng Văn Cường, Đại biểu Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học kinh tế Quốc dân cho rằng, tất cả những người làm trong lĩnh vực giáo dục không ai muốn phải trực tiếp đi thu tiền, huy động đóng góp tiền của cha mẹ học sinh. Họ chỉ mong toàn tâm toàn ý lo chuyên môn chứ không phải lo về vật chất, tuy nhiên do đầu tư ngân sách hạn hẹp nên chúng ta có chủ trương xã hội hóa trong việc huy động các nguồn lực xã hội cho đầu tư. Nhưng ranh giới xã hội hóa cho đầu tư và lạm thu rất mỏng manh nên nếu không cẩn thận, chúng ta có thể bị lạm dụng hoặc làm 1 việc xã hội hóa nhưng lại thành lạm thu khiến xã hội lên án.

Chính vì những khó khăn trong việc phân biệt được khái niệm xã hội hóa giáo dục khiến câu chuyện lạm thu đầu năm học trở thành vấn đề khó giải quyết.

Ông Hoàng Văn Cường chia sẻ: “Đầu tư của Nhà nước đã có sự ưu ái quan tâm cho giáo dục, nhưng chưa đáp ứng được nhu cầu của người học, đặc biệt người học mong muốn đầy đủ phương tiện, cơ sở vật chất để học tập tốt hơn. Rõ ràng với nguồn ngân sách nhà nước hạn chế, và nhu cầu cao của người dân như hiện nay, cùng với những đòi hỏi của cuộc cách mạng 4.0 thì đầu tư cho giáo dục cần nhiều hơn thế.

Con em chúng ta cần học ở những phòng học có chất lượng tốt, khang trang, có điều hòa, máy chiếu, đài cassette để học ngoại ngữ, phải có phòng thí nghiệm, thư viện với đầu sách phong phú. Bếp ăn bán trú cũng phải hiện đại, khoa học đảm bảo vệ sinh và chất lượng thực phẩm cho các cháu. Những yêu cầu này, ngân sách Nhà nước không thể đáp ứng được hết. Luật Giáo dục quy định, Nhà nước sẽ lo các phần đảm bảo giáo dục cơ bản, và đào tạo tinh hoa.

Còn dịch vụ giáo dục chất lượng cao cần huy động sức mạnh từ xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đều biết giữa xã hội hóa và lạm thu là ranh giới mong manh khó phân biệt, ta cần đưa ra tiêu chí. Xã hội hóa cần đảm bảo 3 yêu cầu: đúng quy định, công khai, minh bạch. Nếu làm tốt 3 điều này thì sẽ không còn câu chuyện lạm thu”.

L.Sơn/Báo Tin tức
TP Hồ Chí Minh chống lạm thu trong trường học, xây dựng bộ sách giáo khoa mới
TP Hồ Chí Minh chống lạm thu trong trường học, xây dựng bộ sách giáo khoa mới

Nhằm chấm dứt tình trạng lạm thu trong trường học, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu các đơn vị tăng cường quản lý thu- chi, đồng thời sẽ bắt tay thực hiện bộ sách giáo khoa mới ngay sau khi chương trình môn học được ban hành.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN