Video cô Nguyễn Thị Diệu Hiền chia sẻ về cách làm phần Nghị luận xã hội để được điểm cao:
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết: Hai năm qua, do ảnh hưởng của dịch COVID-19, học sinh phải học online kéo dài. Thêm vào đó, hình thức kiểm tra đánh giá thay đổi, các em ít phải làm bài thi viết trong môn Ngữ văn. Do đó, kỹ năng làm bài tự luận của học sinh bị ảnh hưởng đáng kể. Bài kiểm tra tự luận yêu cầu học sinh vừa phải có kiến thức chắc chắn, vừa phải có phương pháp, kĩ thuật làm bài tốt.
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho biết, ở phần Nghị luận xã hội, học sinh cần phân biệt rõ ràng sự khác biệt giữa đoạn văn (không xuống dòng) với bài văn (đủ 3 phần: Mở bài, Thân bài và Kết luận).
Học sinh cũng cần phân biệt được kiểu bài Nghị luận xã hội về một tư tưởng đạo lý với kiểu bài nghị luận xã hội về một hiện tượng đời sống để có cách triển khai đoạn văn cho phù hợp. Theo đó, bài Nghị luận xã hội về tư tưởng đạo lý gồm 5 bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Bàn luận; Phản đề; Bài học nhận thức và hành động. Còn bài Nghị luận xã hội về hiện tượng đời sống thì gồm 6 bước: Giới thiệu vấn đề; Giải thích; Thực trạng; Nguyên nhân; Hậu quả; Giải pháp; Bài học nhận thức và hành động.
Về hình thức, đoạn văn 200 chữ có dung lượng khoảng 2/3 trang giấy thi (không được viết ngắn hơm 1/2 trang và dài quá 1 trang đều bị trừ điểm).
Về nội dung: Viết ngắn gọn, rõ ý, bám sát vấn đề nghị luận, đảm bảo các bước. (Không lan man dài dòng vừa không đúng đặc trưng của văn chính luận vừa ảnh hưởng đến thời gian làm câu nghị luận văn học).
Cô Nguyễn Thị Diệu Hiền cho rằng: Các em phải có dẫn chứng cụ thể, chính xác, tiêu biểu (mang tính thời sự) để thuyết phục người đọc, người chấm bài. Văn Nghị luận xã hội hấp dẫn người đọc bởi lý lẽ xác đáng, lập luận chặt chẽ, dẫn chứng hùng hồn giàu sức thuyết phục. Vì vậy, thí sinh cần có vốn hiểu biết xã hội sâu rộng, thường xuyên cập nhật những vấn đề thời sự nóng hổi để đưa vào bài viết.