Năm học của những chuyển biến nhận thức

Đổi mới trong thi cử, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia... là những vấn đề nóng của Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015, do Bộ GD - ĐT tổ chức ngày 12/8 tại Hà Nội. Ngành giáo dục đánh giá, năm học vừa qua đã có những chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của người dạy và người học.

Tăng sự chủ động của học sinh

Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, năm học 2014 - 2015, cả nước đã thành lập được 2.410 trường mầm non, phổ thông ngoài công lập; giảm áp lực cho các địa phương có nhu cầu cao về trường lớp, đặc biệt là các địa phương có đông học sinh như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Hải Phòng. Có 14 tỉnh, thành phố đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, nâng số đơn vị cấp tỉnh được công nhận đạt chuẩn lên 32/63, đạt tỉ lệ 50,8%. Đây cũng là năm Bộ triển khai đánh giá học sinh tiểu học theo Thông tư 30: Không chấm điểm mà chỉ kết hợp nhận xét trong suốt quá trình học và kết quả kiểm tra cuối học kỳ và cuối năm học của học sinh để đánh giá. Kết quả cho thấy, các thầy cô đã theo sát được sự tiến bộ của từng em, không so sánh em này với em khác trong quá trình học tập, làm cho học sinh bớt tự ti, mặc cảm hoặc chủ quan, tự mãn; giúp các em tự tin, từng bước vượt qua khó khăn, tạo hứng thú trong học tập.

Năm học vừa qua, thi THPT quốc gia là một trong những vấn đề nóng ảnh hưởng đến xét tuyển ĐH đang được dư luận quan tâm.


Một điểm được Bộ GD - ĐT nhấn mạnh là ngành giáo dục đã triển khai mạnh mẽ việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học, tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới. Kỳ thi THPT quốc gia năm 2015 đã được chuẩn bị chu đáo từ Trung ương đến địa phương, kết quả thi quá đủ để làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh.

“Sau 2 năm triển khai, Nghị quyết 29 đã đi vào cuộc sống, nhận thức của thầy cô, cán bộ quản lý giáo dục, học sinh sinh viên, các cấp ủy đảng và nhân dân đã thay đổi. Tuy nhiên, đây mới là kết quả bước đầu, còn xa mới đạt được mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 29”. Bộ trưởng Bộ GD - ĐT Phạm Vũ Luận

Theo Thứ trưởng Bộ GD - ĐT Nguyễn Vinh Hiển, về kỳ thi THPT quốc gia, Bộ sẽ nghiên cứu điều chỉnh thời gian thi phù hợp và tiếp tục rút kinh nghiệm công tác ra đề thi, tổ chức thi, để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi trong những năm sau.

Đánh giá về năm học này, Bộ trưởng Phạm Vũ Luận cho rằng: “Thay đổi thái độ, quan trọng nhất là chuyển từ việc coi học sinh là người bị động, giáo viên là người chủ động, sang chú trọng đến sự chủ động của học sinh, vì quyền lợi học sinh, tạo thuận lợi cho xã hội, thí sinh và nhận phần khó về phần mình”. Theo Bộ trưởng, năm học tới cần triển khai mọi việc “đồng bộ hơn, toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn”. Trong đó cần đổi mới tư tưởng, nhận thức cho ngang tầm với Nghị quyết 29, trước hết là trong các thầy cô, học sinh và cán bộ ngành. Trên cơ sở đó, tạo ra những chuyển biến trong xã hội.

Thống nhất một ngày khai giảng

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, điều cần thay đổi trước mắt là cách tổ chức khai giảng năm học mới. Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu dẫn chứng: “Từ nhiều năm nay tôi đã đi dự khai giảng, nhưng có một điều tôi thấy, ngày giờ khai giảng của các trường lại phải phụ thuộc vào thời gian của các lãnh đạo cấp trên. Bất kể thời tiết nắng hay mưa, học sinh, nhất là các cháu tiểu học phải tập dượt để chuẩn bị khai giảng. Tôi đến dự khai giảng và nhà trường yêu cầu phát biểu, nhưng phần lớn các cháu có để ý tôi phát biểu gì đâu. Do đó, ngành giáo dục nên kiên định chọn 1 ngày khai giảng. Cả nước chỉ khai giảng trong một ngày (sáng mùng 5 hoặc sáng mùng 4) và khai giảng đúng nghi lễ cần thiết là chào cờ. Nếu được, cả nước cùng làm một buổi, cùng một giờ, cùng một thời khắc, cùng hát Quốc ca, cùng chào cờ, cùng đọc thư Chủ tịch nước. Hiệu trưởng phát biểu ngắn gọn, còn phần sau là để ngày hội cho thầy cô giáo và các cháu. Chúng ta hãy làm vì học sinh”.

Về việc tổ chức một kỳ thi Quốc gia, Phó Thủ tướng Đam đề nghị Bộ GD - ĐT tiếp tục lắng nghe, trên tinh thần cầu thị, sẵn sàng chịu vất vả, điều chỉnh nếu cần thiết để tất cả vì thí sinh. Mục tiêu lớn nhất là không có thí sinh điểm cao trượt ĐH.

Lê Vân
Nhìn thẳng vào hạn chế để tìm giải pháp phát triển giáo dục
Nhìn thẳng vào hạn chế để tìm giải pháp phát triển giáo dục

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2014 - 2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015 - 2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN