Mười năm "vượt sóng cả" vì học trò

Cô Trần Thị Lệ, giáo viên trường Trung học cơ sở Vĩnh Trung, đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) gần 10 năm mang con chữ đến với học sinh nơi đảo xa.

Năm 2002, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Ninh (nay là là Đại học Hạ Long), cô giáo Trần Thị Lệ, sinh năm 1981 được phân công về công tác tại trường Trung học cơ sở Hải Hòa, Quảng Ninh; tiếp đó, cô được điều động tăng cường lên công tác tại trường Trung học cơ sở Hải Sơn, một xã vùng cao khó khăn nhất của thành phố Móng Cái. Đến năm học 2006 - 2007, cô Trần Thị Lệ được điều động ra công tác tại trường Trung học cơ sở Vĩnh Trung, đảo Vĩnh Thực, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ngày cô nhận quyết định ra đảo công tác, nhiều người ngạc nhiên khi thấy cô giáo trẻ vừa mới ở một trường vùng sâu biên giới về được một năm nay lại tiếp tục ra đảo dạy học. Nhưng cô giáo Trần Thị Lệ không thấy buồn mà lại vô cùng háo hức vì mang được con chữ đến với học sinh nơi đảo xa.

Cô giáo Trần Thị Lệ (bên trái ảnh) cùng đồng nghiệp. Ảnh: dantri.com.vn

Theo cô Lệ, từ đảo Vĩnh Thực về đất liền chỉ mất 10 phút đi ca nô vào những ngày thời tiết thuận lợi. Thế nhưng, những hôm thời tiết xấu, phải mất tới vài tiếng chờ đợi hoặc không thể khởi hành. Trên đảo, dân cư thưa thớt nên trường tiểu học và trung học hợp nhất thành trường liên cấp. Người dân trên đảo rất quý các thầy cô giáo. Có những dịp cuối tuần ở lại đảo, cô Lệ cùng đồng nghiệp lại đến thăm nhà học sinh hoặc cùng người dân ra biển bắt ốc… Năm tháng trôi qua, đảo xa thân thuộc đã như là nhà của mình - cô Lệ tâm sự.

Vĩnh Thực là xã đảo còn nhiều khó khăn nhưng với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, đến nay, hầu hết các trường trên đảo đã được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia. Đây chính là động lực lớn để thầy cô và học trò trên đảo vững tâm giảng dạy, học tập. Năm 2007, trong một dịp giao lưu văn nghệ giữa đoàn viên giáo viên, học sinh trên đảo với bộ đội ở đảo Vĩnh Thực, cô Lệ đã bén duyên với chiến sĩ Hoàng Văn Chung - một người con sinh ra và lớn lên, làm nhiệm vụ ngay trên đảo. Thế là dự định chuyển về đất liền sau khi hoàn thành nghĩa vụ nơi xã đảo của cô giáo trẻ đã được thay bằng quyết định ở lại gắn bó với đảo.

Cô Lệ chia sẻ, cô chưa bao giờ thấy hối tiếc với quyết định ở lại đảo công tác và xây dựng gia đình. Ra đảo đến nay đã được hơn 10 năm, giờ gia đình cô Lệ đã có 2 con nhỏ nhưng vợ chồng cô vẫn ở trong căn phòng tập thể 15 mét vuông của nhà trường cho mượn. Điều khiến cô Lệ trăn trở nhất là trình độ dân trí của người dân trên đảo còn nhiều hạn chế, đa số các gia đình trên đảo chưa thực sự quan tâm đến việc học của con em mình. Vì lợi ích trước mắt từ nghề biển mang lại, có em kiếm được vài trăm nghìn đồng từ mỗi buổi đi biển nên một số em còn coi nhẹ việc học và muốn nghỉ học sớm. Vì vậy, công tác vận động học sinh đến lớp luôn là một vấn đề nan giải đối với mỗi giáo viên và nhà trường.


Cô giáo Trần Thị Lệ luôn được Ban giám hiệu nhà trường và đồng nghiệp tin tưởng, giao phụ trách các tổ khối, công đoàn, bồi dưỡng chất lượng mũi nhọn. Hiện tại, cô được phân công dạy môn Văn và môn Sử ở cấp trung học cơ sở. Cô đã nhiều năm liền đạt danh diệu Giáo viên giỏi cấp thành phố, danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Năm 2016, trong khuôn khổ chương trình “Chia sẻ cùng thầy cô” do Trung ương Hội Liên hiệp Thanh Niên Việt Nam và Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức, cô giáo Trần Thị Lệ đã được chọn là một trong số 42 giáo viên biển đảo trên toàn quốc được tuyên dương. Niềm vui này cũng chính là động lực để cô Lệ tiếp tục nỗ lực trong sự nghiệp trồng người ở xã đảo.

Trung Nguyên (TTXVN)
Bác sĩ chữa bệnh trên đảo Bạch Long Vỹ
Bác sĩ chữa bệnh trên đảo Bạch Long Vỹ

Mỗi năm, Bệnh viện đa khoa Bạch Long Vỹ khám chữa bệnh cho khoảng 3.000 bệnh nhân là chiến sĩ, người dân. Hàng chục ca mổ, trong đó có nhiều ca khó như chửa ngoài tử cung vỡ, viêm ruột thừa cấp, vết thương thấu phổi, thấu gan, ngộ độc… đã được các y bác sĩ thực hiện thành công.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN