Ứng phó với thời tiết bất thường
Theo thông tin từ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), công tác chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã được thực hiện khẩn trương, hiệu quả từ Trung ương đến địa phương với 2.243 điểm thi (42.293 phòng thi). Tính tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành và sẵn sàng triển khai theo đúng kế hoạch đề ra.
Kỳ thi tốt nghiệp THPT chính thức diễn ra trong hai ngày 7 và 8/7 với 5 bài thi. Trong đó 3 bài thi độc lập là Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ và một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học); bài thi tổ hợp Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân đối với thí sinh học chương trình giáo dục phổ thông cấp THPT hoặc các môn thi thành phần Lịch sử, Địa lý đối với thí sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT).
Năm nay, cả nước có tổng số 1.002.432 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó, số thí sinh đăng ký trực tuyến là 933.510, chiếm 93,12%; số thí sinh đăng ký trực tiếp là 68.922, chiếm 6,88%.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đã thành lập 5 đoàn kiểm tra của Ban Chỉ đạo kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 24 địa phương trên toàn quốc và thành lập 10 đoàn kiểm tra của Bộ kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại 20 địa phương.
Các địa phương còn lại được Ban Chỉ đạo kiểm tra bằng hình thức trực tuyến. Hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi được các lãnh đạo Bộ GD&ĐT thực hiện liên tục, xuyên suốt từ ngày 24/6 đến ngày 5/7/2022.
Thông qua hoạt động kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi, lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo hội đồng thi các địa phương thực hiện nghiêm túc Quy chế, quy định; đảm bảo an toàn, bảo mật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng phục vụ kỳ thi hiệu quả; quan trọng nhất là đảm bảo cho các thí sinh được tạo mọi điều kiện để tham gia kỳ thi có chất lượng cao nhất.
Một số vấn đề còn hạn chế, thiếu sót của một số Hội đồng thi đã được Ban Chỉ đạo cấp quốc gia và Đoàn kiểm tra của Bộ nhắc nhở, đề nghị điều chỉnh phù hợp, theo đúng quy định. Công tác đảm bảo phòng dịch, đảm bao an ninh, an toàn và đúng quy chế cho kỳ thi được nhấn mạnh trong những đợt kiểm tra liên tục vừa qua. Các địa phương đều sẵn sàng phương án đảm bảo an toàn phòng dịch tại các điểm thi. Trong đó, mỗi điểm thi đều có các phòng dự phòng cho thí sinh F0, nghi ngờ nhiễm COVID-19 và phương án coi thi tại các phòng thi này. Tuy nhiên, một vấn đề đặt ra với công tác tổ chức thi của các tỉnh phía Bắc là mưa lớn kéo dài. Nếu ở thành phố thì xảy ra ngập lụt còn ở các địa phương đối mặt với việc sạt lở và chia cắt địa bàn.
Tại Hà Nội, để ứng phó với nguy cơ có thể xảy ra úng ngập do mưa lớn, Sở Xây dựng Hà Nội đã có kế hoạch phòng, chống úng ngập, cây đổ; bảo đảm cấp nước sạch đầy đủ và bố trí nhân lực ứng trực tại các điểm thi.
Tại các địa phương vùng núi, Ban Chỉ đạo thi các tỉnh đều có phương án đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển đề thi, bài thi. Khuyến cáo thí sinh và người nhà có phương án di chuyển đến địa điểm thi sao cho an toàn. Những thí sinh ở xa được hỗ trợ ăn ở để đảm bảo cho các em không bị muộn thi, bỏ thi nếu xảy ra tình huống giao thông bị chia cắt.
Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hòa Bình đã có phương án phối hợp với lực lượng Công an để vận chuyển đề thi, bài thi bằng cano trên lòng hồ thủy điện Hòa Bình đến hai điểm thi tại trường THPT Yên Hòa và THPT Mường Chiềng của huyện vùng cao Đà Bắc, do hai địa điểm này nếu xảy ra mưa lớn kéo dài sẽ rất dễ bị chia cắt về giao thông.
Khẳng định công tác chuẩn bị đã được Ban Chỉ đạo thi thành phố Vĩnh Yên (Vĩnh Phúc) tích cực triển khai và đến nay đã cơ bản hoàn tất, tuy nhiên, theo Trưởng Ban Chỉ đạo thi thành phố Vĩnh Yên, nỗi lo lớn nhất đối với thành phố Vĩnh Yên là gần đây hay xảy ra tình huống mưa to bất thường dẫn tới ngập lụt. Do đó, Công an thành phố được giao xây dựng phương án nhằm đảm bảo giao thông thông suốt và hỗ trợ học sinh đến được điểm thi đúng giờ.
Tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh: “Mặc dù những người tham gia vào các khâu của kỳ thi đã được tập huấn và có những người đã nhiều kinh nghiệm, tuy nhiên, không được chủ quan, lơ là ở bất kỳ khâu nào của kỳ thi. Cần phải rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm trong từng khâu, kiểm tra kỹ lưỡng từng “mắt xích” để kịp thời phát hiện và xử lý những tình huống phát sinh. Các cán bộ tham gia vào kỳ thi, cán bộ coi thi phải nắm chắc quy chế thi, cùng với đó, khi coi thi phải giải thích và hướng dẫn thí sinh hiểu rõ về quy chế, tránh tối đa việc xảy ra sai sót không đáng có làm ảnh hưởng đến các thí sinh”.
Các địa phương chú trọng đến công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi; tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật tổ chức thi; chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí các nguồn lực thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy chế và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD&ĐT. Kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau kỳ thi đã được xây dựng để bảo đảm kỷ cương, giảm vi phạm, tổ chức kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan và chất lượng. Các địa phương đều có các giải pháp hỗ trợ tối đa cho thí sinh, đảm bảo không để thí sinh nào vì hoàn cảnh khó khăn mà không đến dự thi.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Phúc Vũ Việt Văn: Ban in sao đề thi gồm 24 người, khu vực in sao đề thi là địa điểm an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt thời gian làm việc, có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng phương án đảm an ninh, an toàn của Ban in sao; dán kín (có niêm phong) các cửa sổ, cửa chính... Ngày 24/6/2022, Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra và dán tem niêm phong các thiết bị máy móc phục vụ in sao đề thi. Ngày 25/6/2022, Sở GD&ĐT phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc lắp đặt 2 bộ thiết bị phá sóng thông tin di động và wifi tại khu vực in sao và 1 thiết bị ghi âm cuộc gọi phục vụ công tác bảo mật.
Các địa phương, nhất là các địa phương có các huyện, xã miền núi, hải đảo đã quan tâm sâu sát đến từng thí sinh là người đồng bào dân tộc thiểu số, những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, huy động các nguồn lực nhằm tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh tham gia kỳ thi.
Bên cạnh đó, bảo đảm an toàn phòng, chống dịch và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch COVID-19. Công tác chuẩn bị đề thi được bảo mật, an toàn, đúng quy định. Đề thi gốc đã được chuyển đến Hội đồng thi ở các địa phương để in sao theo quy định, bảo đảm phục vụ tổ chức kỳ thi theo kế hoạch. Hội đồng ra đề thi thực hiện nhiệm vụ theo đúng yêu cầu tổ chức thi. Theo đó, nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12; các nội dung dạy học được tinh giản do tác động của dịch COVID-19 (năm học 2019 - 2020, 2020 - 2021 và 2021 - 2022) không được đưa vào đề thi năm nay.
Đề thi gốc được bàn giao cho các hội đồng thi để tổ chức in sao kịp thời, bảo đảm bảo mật tuyệt đối. Các Sở GD&ĐT đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất và nhân lực để triển khai công tác in sao đề thi tại địa phương.
Nghiêm túc, an toàn, chất lượng là mục tiêu mà kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 hướng đến. Vì vậy, những vị trí quan trọng trong Ban chỉ đạo và các hội đồng thi, các địa phương có thể xin ý kiến của cơ quan công an để phối hợp tổ chức thực hiện. Đồng thời, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau kỳ thi để bảo đảm kỳ thi nghiêm túc, minh bạch.