Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu được đào tạo “bài bản, chuyên nghiệp” trong một môi trường học tập ngày càng “quốc tế hóa” hơn, đã được rất nhiều bậc phụ huynh cũng như các học sinh, sinh viên Việt Nam hướng tới.
Để đáp ứng nhu cầu này, việc mở rộng hợp tác quốc tế trong đào tạo của ngành giáo dục Việt Nam, mà cụ thể là các trường ĐH Việt Nam, được coi là xu thế tất yếu…
Môi trường học tập lý tưởng
Cậu sinh viên Hải Cường sắp kết thúc năm đầu tiên ở Đại học Sư phạm Giang Tây (Trung Quốc). Không chọn đi du học ở Xinhgapo, hay Mỹ, Ôxtrâylia, thậm chí là Anh, Đức… dù gia đình có thể lo cho Cường học phí ở những nước khá đắt đỏ này, mà chọn Đại học Sư phạm Giang Tây, cũng bởi Cường đã được nghe rất nhiều bạn bè kể về môi trường học tập ở đây. “Và những gì bạn bè em kể đều đúng”, Cường tươi cười cho biết.
Ở Trung Quốc, sư phạm là ngành rất được nhà nước coi trọng và cũng là một nghề rất có tương lai, bởi vậy, các trường sư phạm ở Trung Quốc được đầu tư mạnh. Và tại tỉnh Giang Tây, thì Đại học Sư phạm Giang Tây (thành lập năm 1940) là trường ĐH sư phạm duy nhất thuộc danh sách trường trọng điểm của tỉnh. Năm 2005, đây là trường đại học đầu tiên của tỉnh Giang Tây được Bộ Giáo dục Trung Quốc đánh giá có mức độ đào tạo cử nhân đạt loại xuất sắc trong cả nước. ĐH Sư phạm Giang Tây có thế mạnh ở một chế độ học phần rất linh hoạt tự chủ. Kể từ năm 1999 trường bắt đầu thực hiện cải cách chế độ học phần, không ngừng sáng tạo các mô hình đào tạo, kiên trì theo tinh thần: “Lấy sinh viên làm gốc, phát triển toàn diện”.
Đoàn cán bộ các trường đại học Việt Nam làm việc với lãnh đạo Trường Đại học Sư phạm Giang Tây. |
Bốn cơ chế vận hành chính của trường là: Quản lý theo học phần, giáo trình module hóa, đào tạo theo menu, giảng dạy theo hình thức mở. Ví như trường chiêu sinh theo ngành học, học sinh có thể tùy chọn một chuyên ngành trong đó, nhưng đồng thời khi vào trường cũng có thể chọn sang ngành khác theo hình thức thi chuyển. Trong thời gian học tại trường, sinh viên cũng có thể tự chủ xếp đặt tiến trình học, chế độ kéo dài 3 - 8 năm, tự chọn môn, tự chọn giảng viên chuyên ngành… Đây thực sự là điều mà nhiều sinh viên mơ ước.
Bên cạnh đó, đội ngũ giáo viên cũng là một “thế mạnh” của trường. Hiện tổng số trên 2.900 công nhân viên trong biên chế, trong đó có 1.860 giảng viên, trên 500 tiến sỹ (gồm cả những người đang học), 73% giáo viên có học vị từ thạc sỹ trở lên.
Không chỉ có môi trường học tập tốt, trường cũng xây dựng môi trường sống rất lý tưởng cho sinh viên. “Đại học Sư phạm Giang Tây là đơn vị thí điểm duy nhất của tỉnh Giang Tây thực hiện kế hoạch “Khai thác tố chất sinh viên” của Trung ương Đoàn và Bộ Giáo dục. Hơn 60 tổ chức sinh viên trong trường thu hút gần 10.000 học sinh tham gia. Đoàn nghệ thuật sinh viên tỉnh Giang Tây đặt trong trường và được đánh giá là tổ chức nghệ thuật sinh viên có chất lượng hàng đầu của tỉnh và nổi tiếng toàn quốc. Bên cạnh đó là câu lạc bộ bảo vệ môi trường “Trời xanh”, câu lạc bộ quân nhạc nữ sinh, lớp cờ tướng, câu lạc bộ kinh kịch, đội trống diễu hành, đội múa sư tử… lần lượt ra đời và nổi tiếng cả trong và ngoài trường…
Trường có 3 phân hiệu là Thanh Sơn Hồ, Thanh Viên Phổ và Giao Hồ, với tổng diện tích hơn 4.500 mẫu, trong đó tổng diện tích xây dựng là 1,4 triệu m2. Khuôn viên trường không có tường bao, được bao quanh bởi một con kênh uốn lượn dài 7 km, với hệ thống cây xanh, công viên rất lý tưởng. Các thiết bị trong trường rất đầy đủ, ký túc xá sinh viên được quản lý theo kiểu chung cư, 4 người/phòng rất tiện lợi”- đại diện trường Sư phạm Giang Tây cho biết.
Tương tự như vậy là Học viện Sư phạm Quảng Tây (tỉnh Quảng Tây). Học viện Sư phạm Quảng Tây được thành lập vào tháng 10/1953, khi đó có tên là Trường cao đẳng Sư phạm Quảng Tây; năm 1985 đổi tên thành Học viện Sư phạm Quảng Tây. Ngày 1/1/2003, được sự phê chuẩn của Hội đồng nhân dân khu tự trị Quảng Tây, Trường Sư phạm dân tộc Quảng Tây sáp nhập với Học viện Sư phạm Quảng Tây thành Học viện Sư phạm Quảng Tây Trung Quốc. Học viện có quy mô rất đồ sộ với 2 khu giảng đường: Minh Tú và Trường Cương, có 11 khoa trực thuộc, 3 học viện cấp II, 1 trường trung học trực thuộc, 3 cơ quan giáo dục thường xuyên, 1 trường đào tạo giáo viên tiểu học, 13 phòng nghiên cứu. Học viện có gần 40 chuyên ngành, 1 khoa trọng điểm cấp tỉnh, 2 phòng thí nghiệm xây dựng trọng điểm cấp tỉnh. Theo học tại học viện có hơn 16.000 sinh viên. “Cơ sở nghiên cứu khoa học của trường tốt. Nhiều năm qua, cùng với sự đi sâu vào cải cách giáo dục, chất lượng dạy và học của trường không ngừng nâng cao, đạt được những giải cao về tiến bộ khoa học trong giáo dục. Học viện tích cực mở rộng giao lưu hợp tác, thiết lập các mối quan hệ với các trường của Mỹ, Nhật, Canađa, Thái Lan, Việt Nam… Những năm gần đây, học viện tiếp nhận khoảng 1.000 lưu học sinh quốc tế từ các nước đến học”, đại diện Học viện cho biết.
Lãnh đạo Học viện Sư phạm Quảng Tây. |
Được biết, với Học viện Sư phạm Quảng Tây, các lưu học sinh Việt Nam có rất nhiều chọn lựa, với nhiều hình thức lớp, phù hợp với mình. Đó có thể là lớp dự bị đại học với thời gian học là 3 tháng, sau đó dự thi; có thể là lớp Đại học Hán ngữ (Đại học chính quy 4 năm) với nội dung học là ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc. Ngoài ra là lớp Nghiên cứu sinh dành cho những lưu học sinh có trình độ ĐH hoặc tương đương ĐH Hán ngữ, thời gian học là 3 năm; rồi lớp bồi dưỡng Hán ngữ dành cho các giáo viên đang dạy Hán ngữ tại các trường trung học và đại học, học sinh đang học Hán ngữ và những bạn yêu thích Hán ngữ, với nội dung là học văn học và ngôn ngữ Trung Quốc, thời gian học là 5 tháng trở lên. Điều đáng nói là học phí rất phù hợp với “túi tiền” của các lưu học sinh Việt Nam với mức học phí khoảng 1.500 - 1.800 USD/năm.
Hợp tác là tất yếu
Trong xu thế “quốc tế hóa” giáo dục, và cũng nhằm đáp ứng nhu cầu của các sinh viên Việt Nam trong việc đi du học, các trường ĐH của Việt Nam đã mở rộng các quan hệ hợp tác trong đào tạo, ký kết những dự án đào tạo hiệu quả với các trường ĐH nước ngoài. Giáo sư Vũ Chí Lộc - Chủ tịch Hội đồng trường Đại học Ngoại Thương, cho biết: Cùng với việc không ngừng nâng cao chất lượng dạy và học, lâu nay nhà trường rất chú trọng đến hợp tác giáo dục với nhiều đại học trên thế giới, hướng tới tuyển sinh và đào tạo sinh viên quốc tế. Hiện, trường đã hợp tác với nhiều trường ở Anh, Mỹ, Pháp, Ôxtrâylia, Nhật Bản, Trung Quốc... Nhưng với ưu thế là “gần gũi”, nên rất nhiều sinh viên đã ưu tiên chọn các trường của Trung Quốc.
“Đáp ứng nhu cầu này, mới đây chúng tôi đã có một chương trình thăm và làm việc tại nhiều trường ở Trung Quốc, như Học viện Sư phạm Quảng Tây (tỉnh Quảng Tây), Đại học Sư phạm Giang Tây… Tại đây, lãnh đạo hai trường (Việt Nam và Trung Quốc) đã cụ thể hóa những biên bản hợp tác mới được ký kết về mô hình đào tạo 1 + 3 (tuyển sinh bằng xét tuyển hồ sơ, sinh viên học một năm tiếng Trung ở Đại học Ngoại Thương, ba năm học chuyên ngành ở Học viện Sư phạm Quảng Tây hoặc Đại học Sư phạm Giang Tây). Trường đại học phía Trung Quốc cấp bằng cho sinh viên sau tốt nghiệp. Hiện trường Đại học Ngoại Thương đã sẵn sàng để tháng 9 tới tuyển sinh khóa đầu tiên theo mô hình hợp tác 1 + 3 với Đại học Sư phạm Giang Tây.
Cùng giải bài toán “quốc tế hóa giáo dục”, Đại học Sư phạm Hà Nội cũng đã ký kết những biên bản hợp tác với Học viện Sư phạm Quảng Tây và Viện Giáo dục Quốc tế (thuộc Đại học Sư phạm Giang Tây, Trung Quốc). Trong tương lai gần, Đại học Sư phạm Hà Nội sẽ tuyển sinh những “khóa học quốc tế” 1 + 3, 2 + 2.
“Các trường đại học Việt Nam kết hợp với đối tác nước ngoài sẽ đồng nghĩa với việc sinh viên có nhiều cơ hội học tập ở nước ngoài. Không những thế, học sinh tốt nghiệp phổ thông cũng có thêm kênh tham khảo để “vào đời”. Nếu không thi đỗ đại học trong nước, các em có thể chọn những mô hình đào tạo 1+3 hay 2+2”- đại diện trường ĐH Ngoại Thương cho biết.
Được biết, không chỉ ký kết hợp tác với 2 trường nói trên của Việt Nam, phía Đại học Sư phạm Giang Tây còn dự kiến sẽ triển khai mô hình 0 + 4 với các trường tại Việt Nam. Theo đó, Đại học Sư phạm Giang Tây sẽ “nhờ trường Việt Nam tuyển sinh hộ”. Sinh viên Việt Nam sẽ học cả bốn năm tại Trung Quốc và nhận bằng của trường bạn sau khi tốt nghiệp. Trường Đại học Việt Nam là “đại lý tuyển sinh” lựa chọn sinh viên, giúp các em du học an toàn, hiệu quả hơn. “Hình thức hợp tác giữa các trường giúp sinh viên chi phí thấp hơn và an toàn hơn du học tự túc” - đại diện trường Ngoại Thương nhấn mạnh.
P.V