Cơ sở không đảm bảo vẫn hoạt động
Các cơ sở mầm non ngoài công lập đã góp phần giải quyết chỗ gửi trẻ của người dân. Hơn nữa, thời gian hoạt động của các cơ sở ngoài công lập linh hoạt, phù hợp với công việc phụ huynh làm theo ca, tiện đưa đón trẻ. Bên cạnh những cơ sở khang trang, đảm bảo công tác chăm sóc, giáo dục trẻ thì vẫn còn một số cơ sở không đảm bảo điều kiện về phòng ốc, vệ sinh, an toàn thực phẩm, y tế, đội ngũ...
Các trường mầm non ngoài công lập góp phần giải quyết chỗ gửi trẻ nhưng lại gây khó cho công tác quản lý. |
Trước đó, tại buổi giám sát của Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh về công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập, nhóm trẻ hộ gia đình, đoàn giám sát phát hiện nhiều cơ sở mầm non không đảm bảo về cơ sở vật chất nhưng vẫn hoạt động.
Chẳng hạn như cơ sở giữ trẻ Hoa Hồng Phượng (phường Bình Trị Đông A, quận Bình Tân) có 70 trẻ, nhưng cũng chỉ có 3 giáo viên trông giữ. Cơ sở này tọa lạc ngay mặt đường, nhiễm bụi, tiếng ồn và không có phòng y tế, nhân viên y tế kiêm luôn bảo mẫu. Hoạt động vệ sinh chưa ngăn nắp, gọn gàng, các hóa chất tẩy rửa để gần tầm với trẻ nhỏ, có máy bơm trong lớp nhưng thiếu che chắn. Tương tự, cơ sở Phượng Vĩ (phường An Lạc, quận Bình Tân) là ngôi nhà cấp 4, có 2 phòng học diện tích từ 28 - 30m2 với 60 trẻ nhưng chỉ có 2 giáo viên. Ngoài ra, cơ sở này có không gian thiếu thông thoáng, nóng, nhà vệ sinh thiếu bồn rửa, đặc biệt không có nhân viên y tế.
Ông Đỗ Đình Thiện, Phó Chủ tịch UBND quận Bình Tân, cho biết mặc dù công tác quản lý cũng gặp áp lực về an toàn trường học, y tế, an toàn vệ sinh, đội ngũ... đặc biệt ở các nhóm trẻ hộ gia đình nhưng vẫn phải để các nhóm này tồn tại, xem đây là giải pháp tình thế. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn, quan trọng là việc quản lý luôn được quận chú trọng. Theo ông Thiện, về lâu dài, Bình Tân sẽ xóa dần các hộ trẻ gia đình, thay vào đó khuyến khích các nhóm, lớp phát triển lên thành trường.
Còn theo báo cáo của UBND quận Tân Phú, trước thực trạng dân nhập cư đông nên số lượng trẻ ra vào nhóm, lớp thường xuyên biến động đã gây khó khăn trong quản lý, theo dõi trẻ. Còn một vài nhóm lớp ngoài công lập hạn chế trong việc đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, sắp xếp hồ sơ lưu từng năm chưa khoa học, khẩu phần ăn chưa đa dạng. Ngoài ra, giáo viên khối ngoài công lập thường xuyên thay đổi, không ổn định, gây khó khăn trong chăm sóc giáo dục trẻ tại cơ sở. Đa số các nhóm lớp ngoài công lập là địa điểm thuê mướn khiến chủ cơ sở chưa mạnh dạn đầu tư nhiều về cơ sở vật chất. Các nhóm, lớp hay di dời, thay đổi địa điểm khi hết hạn hợp đồng nhà dẫn đến công tác quản lý nhóm, lớp chưa chặt chẽ.
Đại diện quận Thủ Đức cũng cho biết, số lượng mầm non tư thục, nhóm lớp mầm non phát triển nhanh trên địa bàn khiến quận gặp khó khăn trong quá trình quản lý. Các nhóm giữ trẻ tại gia đình hoạt động chưa đáp ứng yêu cầu về chuyên môn, người giữ trẻ trong các cơ sở này đa phần lớn tuổi, cơ sở vật chất hạn chế, không đủ điện kiện để cấp giấy phép thành lập nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập tư thục. Các nhóm trẻ, lớp mẫu giáo độc lập đa số là hợp đồng thuê lại nhà ở để tổ chức hoạt động giáo dục, không đủ điều kiện vay vốn tại các ngân hàng để đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất.
Áp lực về gia tăng dân số
Gia tăng dân số cơ học ngày càng cao, TP Hồ Chí Minh đã có nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non nhưng vẫn không đáp ứng đủ chỗ học cho trẻ. Các cơ sở mầm non ngoài công lập góp phần rất lớn trong việc giảm gánh nặng giữ trẻ cho trường công lập, tuy nhiên thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ bạo hành trẻ, ảnh hưởng đến hoạt động của nhà trường, tâm lý của phụ huynh.
Trước áp lực về gia tăng dân số, các trường mầm non ngoài công lập mở ra ngày càng nhiều. |
Theo báo cáo của quận Bình Tân, hai năm trở lại đây, quy mô phát triển trường lớp có sự tăng dần về số lượng cả công lập và ngoài công lập, trung bình 10 - 15 cơ sở/năm. Hiện trên địa bàn quận Bình Tân có 348 cơ sở giáo dục mầm non, trong đó có 22 trường công lập, 64 trường ngoài công lập, 262 nhóm lớp và tỉ lệ huy động trẻ mầm non đạt 81,7%.
Tuy nhiên, ông Đỗ Đình Thiện thừa nhận quận Bình Tân đang phải đối diện với áp lực lớn về gia tăng dân số. Năm 2018, địa bàn có 740.000 dân, trong đó dân nhập cư chiếm đến 65%. Thế nhưng, tốc độ xây dựng trường mầm non công lập lại không đáp ứng kịp khiến cho các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập tồn tại ở nhiều loại hình. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ sở mầm non ngoài công lập hỗ trợ cho trường công lập đến 73,1%.
Tương tự, quận Thủ Đức là địa bàn giáp ranh các tỉnh, có các KCX Linh Trung 1, Linh Trung 2, KCN Bình Chiểu khiến dân nhập cư tăng, tỉ lệ trẻ trong độ tuổi vào mầm non không ngừng tăng mỗi năm. Trong khi đó, mạng lưới trường lớp mầm non công lập chỉ đáp ứng thu nhận khoảng 40% tổng số trẻ trong độ tuổi và 60% trẻ còn lại học ở cơ sở ngoài công lập.
Còn tại quận 7, dù quận đã xây mới và mở rộng, đáp ứng tốc độ phát triển của dân cư hiện nay nhưng vẫn chưa đáp ứng kịp thời nhu cầu gửi con của phụ huynh. Bên cạnh đó, mạng lưới trường mầm non tại khu đô thị mới Nam Thành phố chưa đáp ứng đủ cho con em cư dân sinh sống tại đây, đặc biệt là các trường có yếu tố nước ngoài.
Trước tình hình hoạt động và quản lý cơ sở mầm non ngoài công lập hiện nay tại các địa phương, ông Vũ Thanh Lưu, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam TP Hồ Chí Minh, cho rằng các quận, huyện phải tăng cường hơn nữa công tác rà soát, quản lý hoạt động. Những cơ sở không đủ điều kiện cần có biện pháp xử lý phù hợp, ngược lại nếu đủ điều kiện cũng nên cấp phép nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ. Đặc biệt, các địa phương cần lưu ý trong công tác đảm bảo an toàn, vệ sinh, vệ sinh thực phẩm, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên phải tích cực hơn; đồng thời tuyên truyền phụ huynh nên gửi trẻ ở các cơ sở đảm bảo an toàn, đủ điều kiện.