Ôn tập trong chương trình lớp 12
Kiến thức thể hiện trên đề thi thử tập trung trong chương trình lớp 12, phù hợp cho đối tượng học sinh có học lực trung bình trở lên, đủ điều kiện xét tốt nghiệp và đại học.
Theo cô Lê Hoàng Anh, Tổ phó tổ ngoại ngữ Trường THPT Nguyễn Du, đối với học sinh khá dễ đạt được điểm 7, 8; nhưng đạt điểm 9, 10 bất cứ đề thi nào cũng có những câu thể hiện sự phân hóa kiến thức và đan xen trong từng phần kiến thức.
Thí sinh cần tập trung ôn thi những kiến thức trong chương trình lớp 12 để có thể làm tốt bài thi THPT quốc gia. |
Cô Lê Hoàng Anh cho rằng, do kiến thức tập trung ở chương trình lớp 12 nên học sinh cần rèn luyện ngữ pháp, từ vựng một cách nhuần nhuyễn, đặc biệt phải rèn nhiều kỹ năng đọc hiểu. Tăng cường tìm thêm các chủ đề giống với với đề trong sách giáo khoa để đọc hoặc xem chương trình trên truyền hình nhằm phát triển rộng vốn từ vựng về chủ đề đó. Làm được điều này, thí sinh sẽ không gặp nhiều khó khăn và tự tin trong quá trình làm bài.
Làm từ câu dễ đến câu khó
Thói quen của học sinh khi bắt đầu cầm đề thi thường cắm cúi đọc, thiếu kỹ năng làm bài và không biết cách phân bổ thời gian dẫn đến ảnh hưởng đến quá trình làm bài. Do đó học sinh lưu ý khi cầm đề thi, nên làm câu dễ trước để lấy tinh thần. Trung bình 1 câu có hơn 1 phút để làm, học sinh nên xác định nửa thời gian đầu phải làm được từ 25 đến 30 câu.
Đặc biệt, thí sinh cần làm đến đâu tô đáp án đến đó, tránh để đến cuối giờ tô sẽ dễ bị sai, sót vì áp lực thời gian gần hết, luống cuống, mất tinh thần. Đến gần cuối giờ, nếu không đủ thời gian suy nghĩ làm bài thì cũng phải cố gắng hoàn thành hết các câu vì bỏ 1 câu sẽ mất đến 0,2 điểm.
Lưu ý từng phần
Trong quá trình làm bài, học sinh cũng nên lưu ý từng phần. Ở phần dấu nhấn từ, sẽ có 1 câu dễ, 1 câu khó. Theo cô Hoàng Anh, trong nhiều năm trở lại đây, dấu nhấn từ luôn có 3 âm tiết trở lên. Phần đồng nghĩa, trái nghĩa, học sinh có vốn từ rộng thì đạt được 80% điểm. Ngược lại với học sinh gặp từ mới nhiều thì nên dựa vào ngữ cảnh để loại trừ câu sai.
Phần ngữ pháp, rải đều từ chia thì, so sánh, câu điều kiện, từ nối... nên học sinh phải chú ý ngay trong quá trình ôn tập. Phần hỏi đáp, chú ý yếu tố văn hóa. Không nên chọn các câu thiếu tế nhị, vì thiên về văn hóa đòi hỏi phải có sự tôn trọng lẫn nhau. Phần điền từ, chỉ cần đọc lướt, nắm bắt ý chính, xem nội dung nói gì rồi đi vào từng ô điền từ. Ví dụ ô từ loại, xem từ đó là từ gì, phải dùng từ loại nào cho đúng, qua đó loại trừ các từ khác, hoặc tìm những manh mối để loại câu sai. Ví dụ: thấy "to become" thì có thể loại ngay "replace" và "maintain" vì hai từ này không đi với "to".
Phần đọc, sẽ có 1 bài đọc dễ (7 câu), 1 bài đọc khó (8 câu), không nên đọc kỹ từ đầu đến cuối để tiết kiệm thời gian. Thông thường, trật tự câu hỏi luôn theo trật tự đoạn văn vì thế học sinh nên đọc chủ đề mỗi đoạn trước, sau đó đi xuống câu hỏi và nhớ lưu ý từ khóa của câu hỏi. Những câu chung chung như ý chính, thái độ tác giả này là gì, khách quan hay mỉa mai... thì làm cuối cùng.