Nhắc đến Nại Cửu, hầu hết người dân tỉnh Quảng Trị đều mặc nhiên gọi đó là "làng giáo viên". Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã Triệu Đông, làng thuần nông Nại Cửu có 690 hộ với 3.120 nhân khẩu thì đến nay có trên 600 người làm giáo viên, hoặc công tác trong lĩnh vực giáo dục ươm mầm tài năng cho quê hương, đất nước. Trong đó hiện có khoảng trên 270 người đang giảng dạy trong tỉnh, gần 150 người giảng dạy ở các tỉnh thành khác; nhiều người đang giảng dạy tại một số trường đại học, cao đẳng uy tín trong nước như: Giáo sư Tiến sỹ Võ Văn An ở Trường Đại học Y Huế; Phó Giáo sư Tiến sỹ Võ Viễn ở Trường Đại học Quy Nhơn; Phó Giáo sư Tiến sỹ Lê Năm ở Trường Đại học Sư phạm Huế…
Thầy giáo, cô giáo luôn không ngừng cống hiến trí lực để góp phần phát triển sự nghiệp trồng người trên mọi miền đất nước. Ảnh: Phước Ngọc-TTXVN |
Trong làng, nhiều hộ gia đình có đến 3 thế hệ đều làm giáo viên, coi truyền thụ kiến thức, đạo đức làm người là nghề truyền thống của gia đình. Điển hình là gia đình thầy Hoàng Danh (hơn 90 tuổi) dạy Trường cấp 1 + 2 xã Triệu Đông vào những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, có 5/6 người con và 4 dâu, rể đều làm giáo viên, hiện nay có 2 cháu học tập tại Trường Đại học Sư phạm Huế. Thầy Trần Ước (trên 80 tuổi) dạy Trường cấp 1 + 2 Triệu Đông những năm 60 - 70 của thế kỷ trước, có 3/6 con làm giáo viên; thầy Hoàng Hậu (66 tuổi) từng dạy Trường cấp 1 - 2 Triệu Đông có 3/5 con đều làm giáo viên…
Em Nguyễn thị Hiền, học sinh lớp 12 Trường Trung học phổ thông huyện Triệu Phong nhà ở làng Nại Cửu cho biết: Năm nay là năm học cuối cấp, em đang nỗ lực học hết sức mình, phấn đấu thi đậu vào Trường Đại học Sư phạm Huế để thỏa nguyện mong ước của ba mẹ và của bản thân, truyền nối nghề truyền thống của làng.
Thầy Hoàng Danh, giáo viên dạy Trường cấp 1 + 2 xã Triệu Đông những năm 60 - 70 của thế kỷ trước cho biết: Từ lâu nay đến giờ, không ai bảo ai cả nhưng mọi người dân trong làng đều coi nghề giáo viên là nghề truyền thống. Mọi gia đình luôn vận động, khuyến khích con em thi vào các trường sư phạm để nối nghiệp nghề giáo truyền thống của làng, coi đó là niềm tự hào của người dân Nại Cửu.
Nhờ có nhiều giáo viên nên việc học của con em trong làng luôn được các hộ gia đình quan tâm nhắc nhở, mà bản thân các em cũng luôn ý thức được trách nhiệm của bản thân trong việc học hành, bình quân mỗi năm làng có khoảng 100 - 150 học sinh thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng trong nước.
Ông Võ Văn Bắc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Triệu Đông cho biết: Hiện nay làng Nại Cửu có trên 400 con em đang học tập tại các trường đại học, cao đẳng trong nước. Để động viên, khuyến khích con em của làng học giỏi, hiện nay trong tất cả các dòng họ, làng, chi, phái của các dòng họ đều có quỹ học bổng trao cho học sinh học giỏi, như Quỹ học bổng Võ Tự Văn (tên một người con của làng đã từng làm thầy dạy cho các con vua thời nhà Nguyễn) trao cho các học sinh đạt các giải quốc gia, tiến sỹ, thủ khoa các trường đại học cao đẳng; Quỹ khuyến học của làng trao tặng cho các học sinh giỏi các cấp và thi đậu vào các trường đại học, cao đẳng công lập…
Trong làng còn lưu truyền tích chuyện hiếu học của gia đình ông Lê Quốc Tuấn và bà Hoàng Thị Thiệt có 2 con đậu đại học. Do khó khăn gia đình đã dự định bán nhà cửa, đất đai cho con tiếp tục đi học chứ nhất quyết không để con phải bỏ học giữa chừng. Nhờ có chính quyền và anh em, bà con xóm giềng giúp đỡ nên 2 con của ông bà vẫn tiếp tục đi học mà không phải bán nhà. Hiện cả 2 đã có việc làm ổn định ở Thành phố Hồ Chí Minh và đã đón 2 ông bà vào sinh sống cùng được gần 10 năm nay. Cũng do trong làng có nhiều người làm giáo viên, điều kiện kinh tế ổn định hơn các địa phương khác, nên Nại Cửu là địa phương dẫn đầu trong thực hiện cuộc vận động phong trào "học tập suốt đời" của tỉnh.