Những sáng tạo trong từng bài giảng của cô không chỉ lôi cuốn học sinh mà còn “kéo” phụ huynh gần hơn với giáo viên, cùng phối hợp để giáo dục và dạy dỗ các con.
Sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, ngay từ khi còn nhỏ, Đặng Hoàng Hà đã mơ ước được làm cô giáo. Quyết tâm biến ước mơ thành sự thật, Hà đã chọn học Trường Cao đẳng Sư phạm Hà Tây. Sau này, Hà đã tham gia học bồi dưỡng chuyên môn nâng chuẩn và có bằng đại học của Trường Đại học Sư phạm Hà Nội vào năm 2018.
Tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm Hà Tây năm 2010, cô Đặng Hoàng Hà về làm giáo viên tại Trường Tiểu học Giáp Bát cho đến nay. Với gần 10 năm tuổi nghề, được Ban Giám hiệu nhà trường tin tưởng giao chủ nhiệm nhiều khối lớp, có lớp có học sinh khuyết tật. Bằng lòng tâm huyết, sự kiên trì, bền bỉ, coi học sinh như con ruột của mình, cô giáo Hà đã giúp học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, hòa nhập với các bạn trong lớp.
Bằng kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy, cô Đặng Hoàng Hà nhận thấy học sinh tiểu học có trí nhớ trực quan - hình tượng phát triển chiếm ưu thế hơn. Cô đã tìm tòi, học hỏi thêm về công nghệ thông tin để ứng dụng vào công tác giảng dạy, tổ chức các giờ dạy học để phát triển năng lực, phẩm chất cho học sinh thông qua một số giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin và đổi mới giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh thông qua hoạt động trải nghiệm, các hoạt động ngoài giờ lên lớp.
Để tránh đi vào lối mòn của cách giảng dạy truyền thống, cô Hà đã biến lớp học của mình thành một rạp chiếu phim mini. Những đoạn phim hoạt hình vui nhộn được chọn lọc với độ dài phù hợp do chính cô tạo ra đã kích thích trí tò mò của học sinh, khiến trẻ hào hứng tham gia vào bài giảng và hứng khởi làm bài tập. Điều thú vị ở đây chính là việc cô Hà đưa gương mặt của học sinh trong lớp vào các nhân vật hoạt hình thay cho việc sử dụng các con vật.
“Khi nhìn thấy gương mặt của mình và các bạn trong lớp xuất hiện trong đoạn phim hoạt hình, các con trở nên hào hứng tham gia giải quyết các tình huống trong bài giảng. Thông qua các tình huống đó và sự phân tích, giải đáp của cô giáo, học sinh hiểu được việc mình làm đúng hay sai, từ đó các con tự thay đổi bản thân”, cô Đặng Hoàng Hà kể lại.
Cô Hà tâm sự, công việc này thực sự không hề dễ dàng về cả yếu tố công nghệ thông tin lẫn yếu tố nhạy cảm trong phương pháp dạy học nêu gương. Là một giáo viên trẻ, mới 31 tuổi, lại là mẹ của hai bé sinh đôi 2 tuổi, cô Hà vừa lo công việc chuyên môn, vừa chăm sóc các con. Nhiều đêm, đợi các con ngủ say, cô Hà lại ngồi vào bàn miệt mài thực hiện ý tưởng làm phim của mình với mong ước học sinh có thêm kênh thông tin “xem mà học” một cách nhẹ nhàng, để thông qua đó hình thành cho học sinh các kỹ năng sống như: Tự bảo vệ chính mình khi không có người lớn bên cạnh, hình thành phẩm chất của học sinh như lễ phép với người lớn, biết hiếu thảo với ông bà, bố mẹ, vâng lời thầy cô… Từ đó, các con sống có trách nhiệm với gia đình, bạn bè, trường lớp, xã hội và chính bản thân hơn.
“Với những học sinh còn nhút nhát, khi gặp người lớn thường lảng tránh, không chào hỏi, tôi đã xây dựng các tình huống bằng những video hoạt hình hay những nhân vật cụ thể được thay tên và yêu cầu học sinh xử lý. Tôi đã gọi chính những học sinh đó đưa ra cách xử lý của mình, rồi cho các bạn nhận xét, nêu các ý kiến điều chỉnh nếu chưa hợp lý. Bằng cách làm này, học sinh đã nhận ra vấn đề và tự thay đổi”, cô Đặng Hoàng Hà chia sẻ.
Việc xây dựng các video hoạt hình còn nhận được sự hưởng ứng, phối hợp nhiệt tình của các phụ huynh học sinh. Ví dụ, như khi dạy bài “Quan tâm chăm sóc ông bà, cha mẹ”, cô Hà đã đến tận nhà học sinh, quay clip về những hành động, việc làm hiếu thảo của những học sinh ngoan trong lớp thường hay giúp đỡ bố mẹ để đưa lên thành tấm gương điển hình cho các học sinh khác noi theo. Cũng có nhiều chủ đề, cô Hà nhờ các phụ huynh tự quay và gửi cho cô lưu trữ thành tư liệu phục vụ cho công tác giảng dạy.
Với lợi thế về âm thanh, hình ảnh, màu sắc, những bộ phim hoạt hình của cô Đặng Hoàng Hà đã giúp các học sinh hiểu sâu sắc hơn bài học, nội dung vấn đề và đặc biệt là học sinh sẽ thấy hứng thú hơn, yêu thích và nhớ lâu hơn. Học sinh không còn cảm giác khô khan, cứng nhắc khi tiếp nhận những kiến thức mang tính lý thuyết, trừu tượng. Từ việc vận dụng hoạt hình hóa các nội dung học tập, học sinh của cô đã yêu thích môn học hơn, có sự gắn kết, yêu thương, chia sẻ với nhau nhiều hơn. Đồng thời cũng từ những tình huống đạo đức có trong đoạn phim hoạt hình, học sinh đã tự tin và biết cách tự giải quyết các vấn đề cụ thể trong cuộc sống hàng ngày.
Trong phân môn Tập làm văn, giáo viên thường hướng dẫn, dạy học sinh cách viết các câu văn theo mẫu, nhiều câu văn không có sự sáng tạo, thiếu vắng những từ ngữ hồn nhiên của trẻ nhỏ. Trăn trở và khao khát sự thay đổi, cô Hà đã điều chỉnh phương pháp và hình thức dạy học theo hướng phát triển trí lực. Trong giờ giảng, cô Hà đã đề nghị học sinh tự nói lên những suy nghĩ, những hiểu biết của mình về chủ đề sách giáo khoa yêu cầu. Từ việc phải tư duy và nói ra thành lời rồi nhớ và viết lại, học sinh sẽ nhớ lâu hơn những kiến thức thu nhận được. Những đoạn văn của học sinh được thể hiện sinh động hơn với các từ ngữ hồn nhiên đúng với lứa tuổi. Bản thân học sinh cũng tự tin hơn, ngôn ngữ phát triển tốt hơn.
Không chỉ sáng tạo trong các giờ dạy trên lớp, cô Đặng Hoàng Hà còn nỗ lực sáng tạo tại các giờ hoạt động ngoại khóa. Những trải nghiệm phong phú đã tạo cho học sinh hiểu và nhận ra giá trị của cuộc sống, lòng biết ơn, trách nhiệm của bản thân, đồng thời trang bị cho học sinh các kỹ năng sống cần thiết để thực hành, vận dụng vào cuộc sống hàng ngày.
“Tài năng, tâm huyết và sáng tạo” là những từ mà cô Ngô Thị Hằng, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giáp Bát nhận xét về giáo viên của mình. “Dù nhận nhiệm vụ ở khối nào, cô Hà cũng tìm ra phương pháp riêng để tiếp cận và tìm hiểu học sinh. Sự sáng tạo của cô Hà trong mỗi môn học, mỗi hoạt động ngoại khóa luôn luôn mới mẻ. Điều này không chỉ truyền cảm hứng cho học sinh mà còn làm lan tỏa tình yêu nghề với các thầy cô giáo trong trường”, cô Ngô Thị Hằng cho biết.
Mọi đổi mới, sáng tạo đều được khơi nguồn từ sự tâm huyết, lòng yêu nghề, mến trẻ. Giáo viên không chỉ là những người truyền thụ kiến thức mà còn là nhà tâm lý, nhà giáo dục học, người biết khơi những đam mê của học sinh, biết phát huy những tố chất, nội lực để học sinh được bộc lộ hết khả năng, tình cảm của mình. Đó là phương pháp mà cô Đặng Hoàng Hà đã, đang và tiếp tục thực hiện trong sự nghiệp “trồng người” của mình.
Cô chia sẻ: “Chứng kiến những thay đổi dù rất nhỏ của học sinh trong việc hình thành nhân cách, có khi chỉ một lời chào khi gặp người lớn, tự tin bộc lộ cảm xúc, biết bày tỏ ước mơ, tôi biết mình đã đi đúng hướng và chọn đúng nghề. Được làm việc vì hạnh phúc của học sinh và luôn coi học sinh như con mình, tôi càng thêm yêu nghề giáo. Tôi thấy vinh dự được làm công việc tuyệt vời này”.