Video Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ về vai trò sự lãnh đạo của Đảng với giáo dục và đào tạo:
Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn: Dự thảo văn kiện đã nêu đậm nét vai trò, tầm quan trọng của phát triển nhân lực trình độ cao
Chúng tôi rất vui mừng khi thấy dự thảo văn kiện Đại hội XIII nêu rất đậm nét vai trò, tầm quan trọng của phát triển nguồn nhân lực trình độ cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; vai trò của giáo dục và đào tạo gắn với vai trò nghiên cứu, đặc biệt trong các trường đại học. Trung ương rất sáng suốt đặt những vấn đề này cho nhiệm kỳ tới, cho đến năm 2030.
Với những điểm được nêu ra trong Dự thảo văn kiện Đại hội Đảng XIII, chúng tôi rất kỳ vọng Đại hội sẽ tập trung thảo luận và ra được những quyết sách để trong nhiệm kỳ tới, hay đến năm 2030 và nhiều năm nữa thì giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ thực sự được coi là quốc sách hàng đầu. Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Đại hội có quyết sách đúng đắn, để tiếp tục đưa giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ thực sự là quốc sách hàng đầu và là động lực quan trọng phát triển kinh tế xã hội của đất nước.
PGS TS Huỳnh Quyết Thắng, Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội: Công tác đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ tăng tốc mạnh mẽ
Đại hội Đảng XIII của Đảng đã được chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng và khoa học. Các dự thảo văn kiện của Đại hội đã thể hiện sự làm việc nghiêm túc, đánh giá rất đầy đủ và thẳng thắn những kết quả thực hiện, làm rõ những hạn chế, tồn tại hiện nay; làm rõ nguyên nhân, bài học kinh nghiệm.
Dự thảo văn kiện Đại hội thể hiện tầm quan trọng của chính sách của Đảng trong giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ. Đồng thời, dự thảo cũng chỉ rõ những tồn tại vì sao đổi mới giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ chưa thực sự trở thành động lực then chốt thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và đề ra những chủ trương và những giải pháp chủ yếu thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát triển con người cho giai đoạn 2021-2030.
Tôi thực sự tâm đắc và tin tưởng chắc chắn rằng, những chủ trương về giáo dục và đào tạo sẽ mang lại những kết quả tốt. Với kết quả ban đầu của giai đoạn 2015- 2020, trong tương lai, công tác đổi mới giáo dục và đào tạo sẽ tăng tốc mạnh mẽ, mang lại hiệu quả cao, trở thành động lực để phát triển kinh tế xã hội.
Sứ mạng của trường Đại học Bách khoa Hà Nội là phát triển con người, đào tạo nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu khoa học, sáng tạo công nghệ và chuyển giao tri thức, phục vụ xã hội và đất nước. Trong những năm qua, trường Đại học Bách khoa Hà Nội có bước phát triển mạnh mẽ về nguồn lực đào tạo và năng lực nghiên cứu. Trong năm 2020, trường có vị trí trong TOP 1.000 trường đại học tốt nhất thế giới và TOP 400 các trường đại học về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo các bảng xếp hạng do Times Higher Education thực hiện và công bố. Với các chiến lược chính sách của Đại hội XIII, tôi nghĩ rằng trường sẽ có điều kiện để tiếp tục phát triển mạnh mẽ, thực hiện đột phát trong giảng dạy, trong nghiên cứu khoa học và chuyển giao, trong đổi mới sáng tạo.
PGS. TSKH Vũ Hoàng Linh, Hiệu trưởng trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội): Kỳ vọng những chính sách với khoa học cơ bản
Tôi hoàn toàn nhất trí với các nội dung dự thảo văn kiện Đại hội Đảng liên quan đến giáo dục đào tạo và khoa học công nghệ. Đặc biệt là việc nêu rất đậm nét vai trò, tầm quan trọng của việc phát triển nguồn nhân lực trình độ cao gắn với phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo; vai trò của giáo dục đào tạo gắn với vai trò nghiên cứu, đặc biệt trong các trường đại học. Một nền kinh tế vững mạnh chỉ có thể là nền kinh tế tri thức, dựa trên trí tuệ, sự thông minh, sáng tạo và cần cù của người Việt Nam.
Trường Đại học Khoa học tự nhiên (ĐH Quốc gia Hà Nội) là một trong những trường đại học có sứ mệnh thực hiện các mục tiêu nói trên. Chúng tôi cũng kỳ vọng Đảng và Nhà nước sẽ chú trọng hơn nữa vào khoa học cơ bản. Vì đó là nền tảng cho các lĩnh vực của cách mạng công nghiệp 4.0, có sự hỗ trợ hiệu quả và phù hợp cho công tác đào tạo các ngành khoa học cơ bản trong bối cảnh kinh tế thị trường và sự tự chủ của các trường đại học có thể làm giảm sút số lượng cũng như chất lượng nhân lực khoa học cơ bản. Bên cạnh đó, công tác đào tạo và nghiên cứu trong các lĩnh vực như biến đổi khí hậu, môi trường, tài nguyên thiên nhiên cũng cần đặc biệt quan tâm. Bởi phát triển bền vững là một vấn đề then chốt trong công cuộc xây dựng một đất nước Việt Nam hiện đại, văn minh trong tương lai.