Kiến nghị hoàn thiện chính sách, tăng đầu tư cho giáo dục

Tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 diễn ra chiều 18/8, đại diện một số địa phương, cơ sở đào tạo đã nêu những thách thức hiện nay trong quá trình đổi mới giáo dục và thực hiện tự chủ đại học.

Chú thích ảnh
Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Từ đó, kiến nghị Chính phủ cùng các bộ, ngành quan tâm đầu tư hơn nữa cho giáo dục để tháo gỡ dần những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện nhiệm vụ giáo dục và đào tạo.

Đầu tư xây dựng trường lớp, cơ sở vật chất để triển khai Chương trình mới

Bà Y Ngọc, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum cho biết: Năm học 2022-2023, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ưu tiên các giải pháp chăm lo phát triển giáo dục và đào tạo trên địa bàn và đạt được những kết quả quan trọng. Tuy nhiên, công tác giáo dục tại địa phương còn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Do địa bàn rộng, dân cư phân tán, đặc biệt là ở 4 huyện biên giới, mạng lưới trường lớp nhỏ lẻ, nhiều lớp ghép… Hạ tầng công nghệ thông tin còn khó khăn và chưa đồng bộ; có nhiều điểm lõm về sóng viễn thông, internet hoặc chất lượng đường truyền không đảm bảo.

Tỉnh Kon Tum còn thiếu 836 giáo viên. Đời sống vật chất và tinh thần đối với hầu hết các nhà giáo đang công tác tại các xã ở vùng sâu, vùng xa còn gặp khó khăn. Một số chính sách ưu tiên hỗ trợ cho học sinh vùng dân tộc thiểu số như miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập, bán trú…còn thiếu tính bền vững do số xã đặc biệt khó khăn ngày càng giảm.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi hiện ưu tiên cho các trường phổ thông dân tộc nội trú; phổ thông dân tộc bán trú; trường phổ thông có học sinh bán trú (gồm 70/359 trường). Các cơ sở giáo dục mầm non vùng khó khăn theo Quyết định số 1609/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và các trường có đông học sinh dân tộc thiểu số chưa thuộc đối tượng thụ hưởng của chương trình. Vì vậy, bà Y Ngọc đề xuất Chính phủ và các Bộ, ngành quan tâm mở rộng đối tượng thụ hưởng chương trình này.

Tỉnh Kon Tum kiến nghị rà soát, ban hành cơ chế chính sách đặc thù đối với đội ngũ giáo viên công tác tại vùng khó khăn, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, như: Chính sách thu hút, chính sách về tiền lương, phụ cấp nghề, hoàn thiện đồng bộ chính sách tuyển dụng đối với sinh viên đào tạo cử tuyển, đào tạo người người dân tộc thiểu số về công tác tại địa bàn khó khăn. Bổ sung chỉ tiêu số lượng người làm việc còn thiếu cho ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum và không cắt giảm 10% số lượng người làm việc đối với địa bàn khó khăn.

Chia sẻ những khó khăn về cơ sở vật chất, trường lớp, ông Nguyễn Minh Luân - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho biết, tại địa phương, lớp học bán trú còn thấp; học 2 buổi/ngày còn ít; trường lớp nhỏ lẻ, tạm bợ... Đội ngũ giáo viên thiếu nhiều nhưng không có nguồn tuyển; nhất là giáo viên các môn học của Chương trình mới.

Ông Nguyễn Minh Luân kiến nghị, Bộ, ngành Trung ương cần có các chương trình kiên cố hóa trường lớp, làm nhà công vụ cho giáo viên để giáo viên yên tâm, gắn bó dạy học và công tác; quan tâm đầu tư chương trình Sóng và máy tính cho em ở các vùng khó khăn, biên giới, hải đảo…

Là địa phương có quy mô giáo dục lớn nhất cả nước, năm học 2022 - 2023,  thành phố Hà Nội có khoảng 2.870 trường mầm non, phổ thông và Trung tâm Giáo dục thường xuyên với gần 2,2 triệu học sinh.

Bà Vũ Thu Hà, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Hiện nay, Thủ đô đang có tình trạng tăng dân số cơ học cao. Mỗi năm, dân số tăng từ 50.000 - 60.000 học sinh, tương đương cần xây mới 30 - 40 trường học. Tuy nhiên, một số quận nội thành hiện không còn quỹ đất. Để đáp ứng chuẩn xây dựng trường học, đề nghị các cấp xem xét cho phép Thành phố sử dụng chỉ tiêu diện tích sử dụng trên đầu học sinh thay thế cho chỉ tiêu diện tích đất trên học sinh. Đồng thời, Chính phủ cho phép Hà Nội được nâng tầng với các khối nhà xây dựng và xây tầng hầm cho nhà trường ở quận nội thành để khai thác quỹ đất hiệu quả.

Tự chủ đại học gặp nhiều thách thức

Với giáo dục đại học, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho biết, hành trình tự chủ đại học đã ghi nhận được nhiều kết quả rất tích cực, đặc biệt là chất lượng đào tạo không ngừng được nâng cao. Kết quả này phản ánh thông qua 3 minh chứng: Số lượng công bố quốc tế tăng nhanh; số lượng chương trình được kiểm định quốc tế tăng lên; số trường đại học trên bảng xếp hạng quốc tế cũng tăng.

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, tiến trình thực hiện tự chủ đại học ở Việt Nam đã gặp 5 thách thức rất lớn, hầu hết liên quan đến tài chính đại học gồm: Nguồn thu chủ yếu dựa vào học phí; Chính sách cho sinh viên vay còn rất hạn chế, kể cả đối tượng, quy trình thủ tục, định mức và thời hạn vay; Một số quy định về pháp luật còn chưa đồng bộ, chưa thúc đẩy tự chủ đại học. Mất cân đối trong lĩnh vực ngành nghề đào tạo khi có ít sinh viên chọn ngành khoa học, kỹ thuật công nghệ bao gồm cả bậc sau đại học.

Đặc biệt, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh cho rằng: Thách thức lớn nhất là thách thức về niềm tin của xã hội đối với giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng. Có lẽ, chưa bao giờ người thầy lại có nhiều tâm tư như bây giờ.

Để giải quyết những thách thức trên, Giám đốc Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh nêu 3 kiến nghị. Trước hết, cần tăng đầu tư của Nhà nước cho giáo dục đại học. Bên cạnh nguồn đầu tư chiều sâu cho cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm, cần quan tâm đầu tư trực tiếp cho con người thông qua các đề tài, dự án. Thực tế, các phòng thí nghiệm chỉ hoạt động hiệu quả khi nó được vận hành bởi những nhà khoa học giỏi.

Nhà nước cần có lộ trình điều tiết ngân sách đối với các trường đại học tự chủ theo hướng chỉ dừng cấp ngân sách chi thường xuyên sau khi trường đại học đã tự chủ xong một chu kỳ đào tạo (4-5 năm). Trong trường hợp chưa tăng được học phí, Nhà nước nên cấp bù phần ngân sách chưa được tăng. Ngoài ra, cần sớm hoàn thiện các thể chế chính sách pháp luật để thúc đẩy hợp tác PPP, nghiên cứu chuyển giao khoa học và công nghệ, thúc đẩy văn hóa hiến tặng.

Về chính sách tín dụng cho sinh viên vay, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân đề xuất một số số giải pháp cụ thể như: Mở rộng đối tượng được hưởng chính sách tín dụng sinh viên; điều chỉnh mức cho vay nhằm đảm bảo cho sinh viên có thể chi tiêu cho đời sống bằng nhóm trung bình của xã hội và đủ tiền nộp học phí; giảm lãi suất cho vay; điều chỉnh theo hướng tăng thời gian cho vay. Ngoài ra, cần nghiên cứu xây dựng và sớm ban hành chính sách tín dụng cho vay thương mại dành cho sinh viên.

Nhấn mạnh cần tăng đặt hàng đào tạo, nghiên cứu, theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Vũ Hải Quân, giáo dục vẫn cần sự điều tiết, vai trò dẫn dắt của Nhà nước trong việc gắn đào tạo và nghiên cứu với các nhiệm vụ chiến lược quốc gia, nhiệm vụ phát triển vùng của đất nước. Việc này giúp tạo ra sự hài hòa trong nhu cầu của người học, chuẩn bị cho nguồn nhân lực trong tương lai gần và tránh "khủng hoảng thừa" và "khủng hoảng thiếu".

Các ngành đề xuất được đặt hàng đào tạo gồm: Các ngành thuộc nhóm ngành Khoa học tự nhiên, nhóm ngành Khoa học xã hội, nhóm ngành Văn hóa - nghệ thuật và một số lĩnh vực khác như Nông - Lâm nghiệp, Địa chất, Hải dương học…

Việt Hà (TTXVN)
Luôn đồng hành giải quyết những khó khăn của ngành Giáo dục
Luôn đồng hành giải quyết những khó khăn của ngành Giáo dục

Chiều 18/8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã dự Hội nghị tổng kết năm học 2022 - 2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023 - 2024, do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN