Kết thúc nộp hồ sơ đăng ký dự thi ĐH, CĐ năm 2012: Nhìn về tương lai nguồn nhân lực

Theo lịch tuyển sinh đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) năm 2012, hôm qua (16/4), là hạn cuối nộp hồ sơ đăng ký dự thi (ĐKDT) theo tuyến Sở Giáo dục và Đào tạo (GD – ĐT). Theo ghi nhận, xu hướng thí sinh lựa chọn các khối ngành kinh tế, tài chính vẫn chiếm đa số trong các hồ sơ đăng ký của thí sinh. Điều này đặt ra vấn đề về cân đối trong cơ cấu nhân lực nước ta thời gian tới, cũng như cơ hội việc làm của lao động trẻ sau khi ra trường.

Kinh tế vẫn “lên ngôi”

Sau khi kết thúc hạn nộp hồ sơ theo tuyến Sở GD – ĐT, theo thống kê ban đầu từ các trường THPT, phòng GD – ĐT tại Hà Nội, số hồ sơ nộp vào các ngành kinh tế, tài chính chiếm khoảng 60%, trong đó hồ sơ nộp vào khối ngành kinh tế chiếm tỷ lệ cao.

Xu hướng không thay đổi

Cán bộ phụ trách công tác hướng dẫn hồ sơ ĐKDT của một số phòng GD - ĐT tại Hà Nội như: Hai Bà Trưng, Ba Đình, Cầu Giấy cho biết, trong hồ sơ ĐKDT năm nay, thí sinh vẫn lúng túng khi khai mục mã ngành, mã trường dự thi, mục trường tổ chức thi và không tổ chức thi. Theo thống kê ban đầu, tỷ lệ hồ sơ ĐKDT vào khối ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh, kế toán vẫn áp đảo các ngành khác, chiếm khoảng 60% số hồ sơ ĐKDT. Trong khi số lượng hồ sơ ĐKDT vào các ngành xã hội rất thấp. Xu hướng ĐKDT không thay đổi nhiều so với năm ngoái.

Thí sinh nộp hồ sơ đăng ký dự thi đại học, cao đẳng tại Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Phương Vy - TTXVN


Còn các trường THPT cho biết, tuy mùa tuyển sinh ĐH, CĐ 2012 có nhiều thay đổi so với năm ngoái nhưng nhờ được hướng dẫn làm hồ sơ chu đáo nên rất ít học sinh sai sót trong hồ sơ ĐKDT, tình trạng một thí sinh nộp nhiều hồ sơ ĐKDT đã giảm hẳn. Tình trạng học sinh ”chuộng” ngành kinh tế, tài chính - ngân hàng... vẫn chiếm tỷ lệ cao.

Theo thầy Phan Trung Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Thăng Long, nhà trường đã hoàn tất việc thu hồ sơ ĐKDT. Số lượng hồ sơ ĐKDT nhiều nhất vẫn tập trung vào các trường như: ĐH Kinh tế Quốc dân, ĐH Ngoại thương, ĐH Bách khoa... với các ngành như: Kinh tế, tài chính - ngân hàng, quản trị kinh doanh... Tình trạng này cũng diễn ra với một số trường như THPT Cầu Giấy, THPT Trần Phú. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng thì số lượng hồ sơ ĐKDT mà học sinh nộp là gần 300 bộ, giảm nhiều so với năm trước, trung bình mỗi em nộp 1,5 bộ. Phần lớn các em đăng ký dự thi vào khối A và D, còn khối C, A1 thì rất ít.

Theo đánh giá chung của nhiều trường trong ngày cuối cùng thu hồ sơ ĐKDT, xu hướng chọn trường năm nay của học sinh Hà Nội không khác nhiều so với những năm trước, những trường được nhiều em quan tâm vẫn là ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Kinh tế quốc dân, Học viện Ngoại giao, ĐH Thương mại, ĐH Hà Nội, ĐH FPT... với các ngành Kinh tế, Tài chính, Quản trị kinh doanh...

Dẫn đầu khối A

Khối thi được thí sinh tập trung ĐKDT nhiều nhất là khối A, sau đó là khối D và A1. Theo cô Cát Tuyết Nhung, cán bộ phụ trách thu nhận hồ sơ dự thi ĐH, CĐ của trường THPT Phan Đình Phùng, nhiều học sinh đăng ký dự thi khối A1, D, ít thí sinh đăng ký thi khối C. Còn ông Phạm Trung Dũng, Hiệu trưởng trường THPT Thăng Long cho biết, trong hơn 2.000 bộ hồ sơ của 700 học sinh lớp 12, chỉ có 5 bộ hồ sơ ĐKDT khối C vào các ngành khoa học xã hội và nhân văn.

Đánh giá về thực trạng này, bà Tạ Song Hà, Phó trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở GD - ĐT Hà Nội cho biết, hiện nay Sở GD - ĐT Hà Nội đã nhận được hồ sơ ĐKDT của gần 40 trường trên địa bàn. Theo ghi nhận ban đầu thì số lượng hồ sơ đăng ký khối C rất ít, thậm chí ít hơn cả năm trước. Phải sau khi nhận được tất cả hồ sơ ĐKDT, các trường mới có thống kê cụ thể về nhóm ngành cũng như khối thi.

Theo đánh giá của lãnh đạo nhiều trường THPT tại Hà Nội thì hiện nay thí sinh đã có sự cân nhắc kỹ lưỡng về những ngành và trường sẽ theo học. Kết hợp với những thông tin đa dạng và tư vấn tuyển sinh, trong nhiều hồ sơ ĐKDT đã tỏ rõ sự khôn ngoan của thí sinh khi lựa chọn cho mình ngành, trường phù hợp với năng lực, sở thích của bản thân. Ông Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức nhận xét, cùng một ngành kinh tế nhưng những học sinh có học lực giỏi sẽ chọn những trường có điểm chuẩn tuyển sinh cao. Đối với những em có học lực khá sẽ chọn những trường đa ngành. Còn những học sinh có học lực trung bình thì chọn trường có điểm chuẩn tuyển sinh chỉ bằng điểm sàn hoặc chọn trường ngoài công lập.

Lê Vân
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN