Tiếng trống khai giảng vang vọng giữa trùng khơi
Hòa chung không khí chào đón ngày khai giảng năm học mới, sáng 5/9, học sinh của huyện đảo Cồn Cỏ (Quảng Trị) hân hoan đến trường dự lễ khai giảng năm học 2024 - 2025.
Từ sáng sớm, học sinh Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba đã có mặt. Sau phần văn nghệ, đại diện lãnh đạo trường đã đọc thư của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước chúc mừng năm học mới 2024 - 2025 khiến nhiều học sinh và phụ huynh xúc động. Giữa muôn trùng biển khơi, tiếng trống khai giảng vang vọng trên hòn đảo anh hùng đã thắp lên niềm tin và hy vọng cho thế hệ trẻ hôm nay trên con đường xây dựng, phát triển đất nước.
Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba hiện đang có cấp mầm non và tiểu học. Trong đó, mầm non có 1 lớp ghép với 11 học sinh trong độ tuổi từ 18 tháng đến 5 tuổi; tiểu học có 1 lớp ghép với 8 học sinh từ 6 - 7 tuổi, đang học từ lớp 1-2. Hiện, cấp mầm non có 2 giáo viên, tiểu học có 1 giáo viên và 1 nhân viên cấp dưỡng.
Để chuẩn bị cho năm học mới, huyện đảo Cồn Cỏ đã quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trường, lớp, bàn ghế, trang thiết bị dạy học. Cô Lê Thị Thùy Linh, giáo viên Phụ trách Trường Mầm non - Tiểu học Hoa Phong Ba cho biết, để chuẩn bị cho lễ khai giảng, những ngày qua, trường đã nhận được sự hỗ trợ về vật chất và tinh thần của các đơn vị cũng như chính quyền địa phương. Nhờ đó, trường đã thực hiện tốt công tác chuẩn bị về mọi mặt như: vệ sinh trường, lớp; trang trí phòng học; tập văn nghệ; chuẩn bị cơ sở vật chất, dụng cụ học tập… Hôm nay, lễ khai giảng được tổ chức vui tươi, hứa hẹn một năm học đạt được kết quả và mục tiêu đã đề ra.
Học sinh các trường thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hoà cũng nô nức tham dự lễ khai giảng, bước vào năm học mới 2024- 2025. Theo thông tin từ các trường tiểu học ở thị trấn Trường Sa, xã Song Tử Tây, xã Sinh Tồn, và đảo Đá Tây của huyện Trường Sa, từ sáng sớm, các bậc phụ huynh đã đưa con em của mình đến trường dự lễ khai giảng.
Lễ khai giảng diễn ra trong không khí vui tươi và rực rỡ cờ hoa. Các em học sinh trong bộ quần áo mới, niềm vui lộ rõ trên những khuôn mặt trẻ thơ. Trong năm học 2023 - 2024, thầy và trò của các trường trên huyện đảo Trường Sa đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, học sinh của các trường đều đạt học lực khá, giỏi và có hạnh kiểm tốt. Bước vào năm học mới, quân và dân huyện đảo thể hiện sự quan tâm, động viên các giáo viên và học sinh khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu thi đua “Dạy tốt - học tốt” ngay từ những buổi học đầu tiên, phấn đấu giữ vững thành tích có 100% học sinh đạt học lực khá, giỏi, hạnh kiểm tốt.
Trước ngày khai giảng, các đoàn thể, cán bộ, chiến sĩ và giáo viên, phụ huynh, học sinh trên các xã đảo và thị trấn Trường Sa đã cùng nhau tổ chức dọn vệ sinh, tạo cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, chỉnh trang lớp học.
Năm học mới 2024 -2025, toàn tỉnh Khánh Hòa có trên 520 trường mầm non, phổ thông và các trung tâm, với hơn 290.000 học sinh và hơn 20.000 cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên. Toàn ngành đã đầu tư xây dựng, sửa chữa cơ sở vật chất cho các trường với tổng kinh phí gần 675,4 tỷ đồng, trong đó mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy gần 62 tỷ đồng.
Tạo không khí sôi sổi, hào hứng cho học sinh vùng cao
Hơn 11.000 học sinh mầm non đến trung học cơ sở tại huyện miền núi biên giới Mường Lát (Thanh Hóa) đã hào hứng tham dự Lễ khai giảng năm học mới.
Năm học này, Trường Tiểu học Mường Lý (Mường Lát) có 305 học sinh; trong đó hơn 90% là dân tộc Mông. Nhà trường hiện có 3 điểm lẻ và 1 điểm chính, điểm lẻ xa nhất cách điểm chính khoảng 15km. Thầy giáo Hoàng Lê Thành, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Mường Lý cho biết, cách đây khoảng 3 năm, nhà trường không tổ chức khai giảng tập trung; học sinh học ở điểm lẻ nào sẽ tham dự lễ khai giảng tại điểm đó. Từ năm học 2021-2022, nhà trường tổ chức khai giảng tập trung về một điểm chính để tạo không khí sôi sổi, hào hứng cho các em học sinh.
“Mặc dù có điểm trường cách xa trung tâm chừng 15 km, nhưng sáng 5/9, hơn 300 học sinh đã có mặt từ rất sớm để tham dự lễ khai giảng. Buổi lễ diễn ra thành công, trong không khí tưng bừng, phấn khởi; kỳ vọng thầy và trò nhà trường sẽ có năm học mới đạt thành tích cao…”, thầy Hoàng Lê Thành nói.
Có mặt tại điểm chính từ 6 giờ ngày 5/9, em Lò Văn An, học sinh lớp 3, điểm lẻ Mau, Trường Tiểu học Mường Lý cho biết, nhà em cách điểm trường chính khoảng 15km nên em và bố đã dậy từ rất sớm để sửa soạn cho ngày tựu trường. Năm nay, bố em đã mua được xe máy để chở em đi. Em rất vui khi được đến điểm trường chính tham dự lễ khai giảng năm học mới, vì ở đây có rất đông học sinh. Năm học này, em sẽ cố gắng học tập tốt để đạt thành tích cao.
Trường Tiểu học Mường Lý có 18 phòng học (8 phòng kiên cố 2 tầng, 10 phòng học cấp 4 đã xuống cấp). Trường còn thiếu nhiều phòng học chức năng, cùng các trang thiết bị dạy học thiết yếu phục vụ chương trình giáo dục phổ thông mới 2018. Mặc dù còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, nhưng năm học 2024- 2025, thầy và trò nhà trường quyết tâm khắc phục khó khăn để hoàn thành tốt chương trình dạy và học…
Cũng trong sáng 5/9, 408 học sinh Trường Tiểu học Trung Lý 2 (huyện Mường Lát) đã khai giảng năm học mới 2024 - 2025 trọn vẹn, nhiều cảm xúc. Mặc dù hơn 90% học sinh là đồng bào dân tộc Mông, nhà cách xa các điểm trường, nhưng các em đều có mặt đông đủ từ rất sớm.
Thầy giáo Nguyễn Tiến Hiệp, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, năm học này, trường có 408 học sinh, trong đó học sinh là người dân tộc thiểu số chiếm hơn 98%. Mặc dù còn nhiều khó khăn về cơ sở vật chất, trang thiết bị nhưng thầy và trò đều bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, quyết tâm khắc phục khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học… Lễ khai giảng được tổ chức ngắn gọn, trang trọng, mang tính giáo dục đạo đức truyền thống, tạo tâm lý phấn khởi, hào hứng, đảm bảo an toàn cho học sinh, giáo viên, phù hợp với điều kiện thực tiễn.
“Khó khăn lớn nhất hiện nay của trường là thiếu giáo viên; các trang thiết bị phục vụ Chương trình giáo dục trung học phổ thông mới 2018 của các lớp 3, 4, 5 vẫn chưa được cấp về. Nhà trường mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của các cấp, ngành đầu tư cơ sở vật chất, cấp đủ trang thiết bị…”, thầy Nguyễn Tiến Hiệp chia sẻ.
Hơn 926.000 học sinh của khoảng 1.500 trường học tại Nghệ An dự lễ khai giảng năm học mới vào 7 giờ 30 phút, ngắn gọn, trang trọng, phù hợp với tình hình thực tế và tâm lý lứa tuổi học sinh mỗi cấp học, tạo không khí vui tươi, phấn khởi. Tại các huyện miền núi, không khí lễ khai giảng năm học mới diễn ra vui tươi, rộn ràng. Ngay từ sáng sớm, trên các nẻo đường từ thôn, bản đổ về điểm trường chính, học sinh ăn mặc chỉnh tề, tay cầm cờ và hoa, háo hức dự lễ. Nhiều học sinh ở xa, nhất là học sinh khối lớp 1, mầm non… được bố mẹ, ông bà đưa đến tận trường.
Từ mờ sáng, em Vi Thị Thanh háo hức dậy sớm, mặc bộ váy mới cùng mẹ và anh tới trường. Bản Kẻm Đôn (huyện Quế Phong) cách trường chính Tiểu học Tri Lễ 1 là 5km. Em Thanh đi học ở điểm trường lẻ Tân Thái, cách nhà 2km đi bộ.
Thầy giáo Nguyễn Minh Hòa, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tri Lễ 1 cho biết, trường có 15 lớp, 2 điểm trường với 398 học sinh, chủ yếu là đồng bào dân tộc Thái, Khơ Mú. Hòa chung không khí cả nước, tại 2 điểm trường, 100% học sinh đều đến dự khai giảng năm học mới đầy đủ, vui vẻ. Dù là trường khó khăn vùng giáp biên, trước ngày khai giảng, nhà trường đã sửa sang lại cơ sở vật chất, sơn sửa lại nhiều hạng mục, tạo cho học sinh không khí vui tươi, phấn khởi trước thềm năm học mới. "Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là tại điểm trường lẻ Tân Thái vẫn chưa có máy vi tính để các em học", thầy giáo Nguyễn Minh Hòa nói.
Tại các trường trung học phổ thông: Quế Phong, Quỳ Châu, Kỳ Sơn, Tương Dương…, ngay sau phần lễ khai giảng trang trọng cũng diễn ra phần hội với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian mang đậm bản sắc…
Ở các huyện vùng cao, nhiều trường đã tổ chức dạy học từ trước để ổn định sĩ số. Bà Võ Tuyết Chinh, Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Tương Dương cho biết: Mặc dù chưa chính thức vào năm học nhưng các trường mầm non tại huyện đã cho trẻ đến lớp để quen cô, quen bạn. Với các bậc học còn, học sinh cũng đã đến trường, nhiều trường đã thực hiện.
Nghệ An có 11 huyện miền núi, để nâng cao giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng khó khăn, ngành Giáo dục đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND thông qua Nghị quyết về chính sách hỗ trợ các trường bán trú ở các huyện miền núi. Trên cơ sở mô hình các trường bán trú, nội trú kiểu mới sẽ có 16 tiêu chí đánh giá; tăng cường các môn Tin học, Tiếng Anh cho các trường miền núi với kế hoạch bài bản. Đồng thời lựa chọn đội ngũ có chuyên môn tốt (kể cả theo hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến) để đảm bảo giáo viên có chất lượng...
Năm học 2024-2025, Nghệ An tiếp tục triển khai mô hình “trường giúp trường, phòng giúp phòng”. Các trường ở thành phố, thị xã sẽ hỗ trợ trường miền núi về chuyên môn, nghiệp vụ, đánh giá học sinh...