Kể từ khi nhận được lịch đi học của cô con gái học lớp 3, gia đình chị Băng Tâm (quận 9) băn khoăn không biết sẽ phải bố trí thời gian đưa đón và trông con như thế nào. Vì ngoài bé gái đi học khối Tiểu học, chị Băng Tâm còn một bé học lớp lá, hiện chưa có lịch đi học lại vì cả hai vợ chồng chị đều làm giờ hành chính. Chưa kể, thời gian di chuyển từ nhà đến trường quận 1 của bé học lớp 3 cũng tầm hơn 30 phút, trong khi đó hai vợ chồng chị cũng đi làm xa. Phương án cuối cùng gia đình chị Tâm, đó là chị sẽ tạm thời xin nghỉ việc ở cơ quan chờ đến khi các con chị đi học bán trú trở lại.
Tương tự, hai vợ chồng chị Nguyễn Thị Diệu (quận Gò Vấp) cũng thấy rối bời với lịch học của hai đứa con. Chị Diệu cho hay, hai đứa nhỏ nghỉ dịch, sinh hoạt của gia đình chị hầu như bị thay đổi bởi cứ phải cắt cử nhau ở nhà để trông con và theo dõi con học online tại nhà.
“Cứ tưởng hai đứa đi học rồi sẽ ổn định, ai ngờ với lịch học của hai đứa lệch nhau như thế này thì còn vất vả hơn lúc chúng nghỉ dịch. Đứa lớn thì học buổi chiều, còn đứa nhỏ thì học buổi sáng. Đã không được học bán trú mà lịch học lại lệch nhau thì thật sự tôi không biết phải đưa rước hai đứa đi học kiểu gì. Trong khi trường học và chỗ làm của hai vợ chồng đều xa và ngược đường nhau”, chị Diệu cho biết.
Anh Nguyễn Văn Hiếu (quận Thủ Đức) cho rằng, nếu Chính phủ không yêu cầu phải giãn cách học sinh trong trường học nữa thì các trường nên cho học đi học với lịch học như trước. Với việc bố trí giờ giấc đi học như hiện nay, rất khó cho cả phụ huynh và cho học sinh. “Nhất là thời điểm hiện nay, TP Hồ Chí Minh đang vào mùa nắng nóng. Buổi trưa trời nắng gắt mà đưa đón trẻ đến trường hoặc về nhà kiểu này thì các cháu rất dễ ốm”, anh Hiếu chia sẻ thêm.
Theo Hiệu trưởng một trường tiểu học ở quận 1 (TP Hồ Chí Minh), việc không tổ chức bán trú cho học sinh tiểu học sẽ là một áp lực lớn cho phụ huynh. Nhưng với quy định về giãn cách học sinh trong trường học và để đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh, nhà trường đành phải tạm thời không tổ chức bán trú cho đến khi có quyết định mới của thành phố.
Cô Nguyễn Kim Phượng, hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp), cho biết để đảm bảo quy định giãn cách học sinh, nhà trường đã chia nhỏ lớp học từ 37 lớp thành 74 lớp học. Nếu tổ chức học bán trú cả tuần thì sẽ không đủ lớp, do đó trường dự kiến sau khi lấy ý kiến phụ huynh học sinh, nhà trường sẽ tổ chức mỗi lớp sẽ được học bán trú 3 ngày/tuần. Nhà trường chỉ tổ chức học bán trú cả tuần khi có quyết định mới của thành phố về quy định giãn cách học sinh.
Trên thực tế, việc tách lớp học và thời gian dạy học như hiện nay không chỉ ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh mà giáo viên cũng gặp khó khăn về việc bố trí thời gian dạy học. Thầy Phan Thế Hoài, tổ trưởng tổ Ngữ Văn, trường THPT Bình Hưng Hòa (quận Bình Tân), cho biết thời điểm này đã có trường tách đôi lớp học và giáo viên sẽ chạy qua chạy lại dạy cùng lúc 2 lớp. Cách làm này không ổn khi học sinh các khối lớp đi học đồng loạt. Hơn nữa, kiểu dạy thế này mất thời gian, giáo viên không quản lí được lớp học dẫn đến không đảm bảo yêu cầu chuyên môn. “Nếu một nửa lớp học sáng và nửa lớp còn lại học chiều thì giáo viên phải dạy gấp đôi số tiết. Như thế, thầy cô sẽ không đảm bảo sức khoẻ, thiếu thời gian soạn bài và nhà trường phải trả tiết phụ trội do tăng tiết”, thầy Hoài cho hay.
Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có công văn về việc thực hiện phòng chống dịch COVID-19 trong trường học, trong đó có nội dung không áp dụng giãn cách trong lớp học; hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau và chỗ đông người. Với quyết định mới này, nhiều trường học tại TP Hồ Chí Minh cũng đang đợi hướng dẫn của ngành giáo dục thành phố để có lịch học cụ thể cho học sinh vào tuần tới và ổn định tâm lý của học sinh, phụ huynh cũng như giáo viên.