Họa sĩ được sáng tạo với sách giáo khoa theo Chương trình mới

Hoạ sĩ Bùi Quang Tuấn, Trưởng phòng Thiết kế Mĩ thuật (Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội) là 1 trong 6 họa sĩ của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam được vinh danh giải thưởng của triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022". Anh đã có những trao đổi với phóng viên báo Tin tức về vai trò và những đóng góp của các họa sĩ trong việc thiết kế các bộ SGK theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Một số bìa sách do Họa sĩ Bùi Quang Tuấn thiết kế. Ảnh: NXB

Thưa họa sĩ, với các bộ sách giáo khoa (SGK) theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, lần đầu tiên các họa sĩ được tham gia “sâu rộng” vào việc làm SGK. Anh có thể chia sẻ cụ thể hơn về vấn đề này?

Điểm khác biệt nhất khi triển khai làm SGK theo Chương trình mới là sự xuất hiện của họa sĩ trong nhóm làm sách. Giờ đây, nhóm làm sách sẽ bao gồm: Tác giả, Chủ biên, Tổng chủ biên, họa sĩ, biên tập viên, học sinh... cùng tham gia đánh giá bản thảo trước khi gửi đi thẩm định. Trong nhóm làm sách này, vai trò của họa sĩ là bám sát những yêu cầu của tác giả, biên tập viên... để thiết kế bìa sách, cũng như các nội dung trong cuốn sách. Các khâu đều được làm việc theo hướng chủ động về nội dung, cách thức trình bày, đặc biệt là với bìa sách.

Thiết kế bìa sách giáo dục đòi hỏi họa sĩ, ngoài kiến thức chuyên môn về đồ họa, còn phải hiểu về chương trình giáo dục phổ thông, hiểu đặc điểm riêng của từng môn học. Từ đó, mới có thể xây dựng phương án thiết kế bìa SGK một cách phù hợp, chuẩn mực và vẫn có sáng tạo riêng.

Vậy đội ngũ họa sĩ của NXB Giáo dục đã có những “chuyển mình” ra sao để đáp ứng yêu cầu mới này, thưa họa sĩ?

Làm sách là một nghề rất tuyệt vời. Người làm sách vừa được sáng tạo, vừa mang tri thức, cảm hứng và năng lượng tích cực đến cho người đọc. Đây là trải nghiệm không chỉ của một người, mà lan tỏa tới nhiều người. Một cuốn sách hay chưa đủ, mà còn phải là cuốn sách đẹp. Thậm chí, cuốn sách đó có thể trở thành một tác phẩm nghệ thuật.

Trước đây, vai trò của cuốn sách đẹp đã ẩn đi khá nhiều. Vì vậy, nội dung đến với người đọc còn khô khan. Ví dụ, họa sĩ nhận thiết kế cho cuốn SGK “Để học tốt Toán 10”, sẽ rất khó thể hiện so với những cuốn SGK về văn học. Với những tác phẩm liên quan tới văn học, họa sĩ sẽ có nhiều “đất diễn” hơn.

Theo định hướng và chỉ đạo của lãnh đạo NXB Giáo dục Việt Nam, yếu tố thẩm mỹ của SGK theo Chương trình mới đòi hỏi cao hơn rất nhiều so với trước đây. Vì vậy, để làm tốt nhiệm vụ này, đội ngũ họa sĩ phải tư duy để đổi mới cách thể hiện, tìm tòi và sáng tạo.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, những chỉ đạo sát sao từ phía NXB Giáo dục Việt Nam là sự khích lệ rất quan trọng, giúp đội ngũ họa sĩ chúng tôi biến các nội dung khô khan thành những tác phẩm nghệ thuật. Qua đó, đã giúp truyền tải nội dung đến với người học một cách tự nhiên, hấp dẫn và ấn tượng.

Với thâm niên hơn 20 năm là họa sĩ của NXB Giáo dục Việt Nam, tôi cũng vinh dự là 1 trong 6 hoạ sĩ của NXB Giáo dục Việt Nam được vinh danh tại triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022". Đây là sự khích lệ lớn lao đối với đội ngũ họa sĩ làm sách, khi vai trò của mình được nâng lên và được cống hiến cho những cuốn sách đẹp của NXB Giáo dục Việt Nam.

Đến nay, giáo viên và học sinh đã có những phản hồi ra sao với những cuốn SGK mới, thưa họa sĩ?

Nhiều giáo viên khi tiếp xúc với chúng tôi đã chia sẻ: “Sách đẹp, sách hay thế”, “Chúng tôi nhận được sách mới rất hạnh phúc”. Cũng có những giáo viên đánh giá cao cách trình bày, minh họa sinh động, bắt mắt của sách và cho biết, các em học sinh rất hứng thú học với SGK mới. Những đánh giá này làm cho những họa sĩ chúng tôi thấy hạnh phúc vì mình đã góp phần mang đến những sản phẩm tinh thần không những hay về nội dung, mà còn đẹp về hình thức.

Chú thích ảnh
6 họa sĩ của NXB Giáo dục Việt nam được trao tặng giải thưởng tại triển lãm “Nghệ thuật bìa sách Việt Nam 2022”. Ảnh: NXB

Có thể thấy, sau 5 năm thực hiện SGK mới, vai trò của họa sĩ ngày càng được khẳng định. Điều này không chỉ thể hiện ở trong sản phẩm sách giấy, mà còn cả trên nền tảng số - một xu hướng mới của NXB Giáo dục Việt Nam.

Với những sản phẩm công nghệ số, kênh hình có vai trò rất quan trọng. Cuốn sách điện tử có cuốn hút hay không là phụ thuộc phần nhiều ở kênh hình. Vì vậy, với những họa sĩ chỉ quen vẽ sách giấy, sẽ càng phải nỗ lực hơn nữa để thích nghi với xu hướng mới. Bởi trên trên sản phẩm điện tử, không gian số, yêu cầu mỹ thuật có sự khác biệt.

Đội ngũ họa sĩ của NXB Giáo dục Việt Nam nói chung và Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Giáo dục Hà Nội nói riêng, đang phải tích cực bồi dưỡng học tập thêm những kỹ năng cần thiết để phục vụ tốt các nhiệm vụ của NXB Giáo dục Việt Nam đặt ra trong thời gian tới. Mục đích cuối cùng là để mang tri thức đến cho người học một cách trực quan, hấp dẫn và hiệu quả nhất.

Trân trọng cảm ơn họa sĩ!

Lê Vân (thực hiện)/Báo Tin tức
Cuộc cải cách trong ngành sách giáo khoa Bỉ
Cuộc cải cách trong ngành sách giáo khoa Bỉ

Ngành sách giáo khoa Bỉ đang trải qua một cuộc cách mạng lớn khi đối mặt với những thách thức và cơ hội mới.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN