Hệ lụy từ việc giới trẻ bị áp đặt

Hướng nghiệp là định hướng phát triển con người trong nghề nghiệp để con người đó có khả năng phát triển bản thân một cách tốt nhất, đóng góp toàn diện nhất cho gia đình, xã hội. Tuy nhiên, công tác hướng nghiệp tại cả gia đình, lẫn nhà trường hiện nay đều chưa được coi trọng đúng mức. Hậu quả là không ít bạn trẻ thiếu khả năng định hướng nghề nghiệp và tương lai cho bản thân.

Tuy chưa có số lượng thống kê cụ thể, song khoa tâm thần của các bệnh viện đang có xu hướng gia tăng số bệnh nhân là học sinh, sinh viên phải đến điều trị, tham vấn tâm lý vì có biểu hiện stress kéo dài, suy nhược thần kinh, rối loạn giấc ngủ hoặc các bệnh lý tâm thần. Đặc biệt, hầu như không một mùa thi nào là không có trường hợp học sinh tự tử vì trượt đại học.

Thí sinh tìm hiểu thông tin tuyển sinh. Ảnh: Bích Ngọc - TTXVN


“Qua rất nhiều mùa đi tư vấn tuyển sinh, tôi thấy rằng, đa phần các em lựa chọn nghề nghiệp cho tương lai theo nhu cầu xã hội, theo sự áp đặt của cha mẹ, gia đình, theo “mốt” của các bạn đồng lứa hay của xã hội... Các nghiên cứu về nhu cầu tham vấn hướng nghiệp của học sinh cấp 3 cũng cho thấy, việc học sinh lựa chọn tương lai đa phần là theo cảm tính hoặc sự sắp đặt của cha mẹ. Điều đó là hoàn toàn chưa đủ và đôi khi gây nguy hiểm cho chính tương lai của các em”, BS Lê Minh Công, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai) khẳng định.

Em A.L ở TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai là một ví dụ cụ thể. Còn khoảng 2 tháng nữa là đến kỳ thi đại học, nhưng hiện A.L đã có những triệu chứng stress, không thể tập trung học tập, mệt mỏi và rối loạn giấc ngủ. “A.L đã điện thoại đến Trung tâm tham vấn tâm lý Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 nhờ giúp đỡ. Em tâm sự rằng hết sức mệt mỏi, căng thẳng và lo lắng quá mức cho kỳ thi tuyển sinh đại học sắp tới. Suốt mấy năm học THPT em đều là học sinh khá. Gia đình có hai chị em, chị gái L đang là sinh viên của một trường đại học có uy tín ở TP.HCM nên gia đình rất kỳ vọng vào A.L. Do áp lực căng thẳng của quá trình ôn thi tốt nghiệp, cộng với sự kỳ vọng quá mức của gia đình và chính bản thân mình nên A.L dần rơi vào trạng thái stress”, BS Lê Minh Công cho hay.

BS Lê Minh Công từng điều trị cho T. A, nữ sinh viên của một trường cao đẳng kinh tế. T. A theo học ngôi trường này là do cha mẹ em ép em phải thi vào. Cha mẹ T.A lý giải rằng, với học lực của em thi cao đẳng thì dễ đậu hơn, ngành học đó phù hợp với công việc của bố mẹ đang làm, khi T.A ra trường sẽ có nhiều thuận lợi, không phải lo lắng về việc “chạy chọt” xin việc. Nhưng do không thích học ngành đó, T. A luôn có tâm trạng chán nản, chống đối, tụ tập nhóm bạn xấu. Từ chỗ mất ham muốn học tập, em đã gia nhập một nhóm bạn ăn chơi, đua đòi ở trường và ngoài xã hội. Em sử dụng chất kích thích, tham gia đua xe, bất cần đời và không hề quan tâm đến chuyện học. Khi cha mẹ phát hiện ra thì đã quá muộn, một tương lai tốt đẹp ở rất xa đối với em.

Trên đây chỉ là một vài ví dụ nhỏ trong số rất nhiều trường hợp học sinh, sinh viên bị rối loạn tâm thần nặng, cần sự trợ giúp của chuyên gia y tế vì bị cha mẹ áp đặt, bắt phải chọn trường, chọn nghề nghiệp theo ý thích của họ. Rõ ràng, các bậc cha mẹ đó không thể phủ nhận được lỗi của mình trong việc chưa làm tròn trách nhiệm với con cái, song cũng cần thẳng thắn nhìn nhận rằng ngay bản thân họ cũng là “hệ quả” của một chương trình giáo dục hướng nghiệp chưa hiệu quả. Hiện nay, còn rất nhiều người quan niệm rằng chỉ có đại học mới là con đường lập nghiệp, con đường tiến thân duy nhất. Bài toán khó về tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vì vậy luôn diễn ra và đến nay vẫn chưa có lời giải.

Ý KIẾN:

BS Lê Minh Công, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (Đồng Nai):

Hướng nghiệp là một việc cực kỳ quan trọng, nó không chỉ ảnh hưởng riêng đến cá nhân học sinh mà còn ảnh hưởng lớn đến những vấn đề phát triển kinh tế xã hội của toàn xã hội. Nếu không được định hướng đúng đắn, trên nền tảng là những đam mê, sự thích thú, nhu cầu và mong muốn của cá nhân, học sinh sẽ dần mất đi đam mê về chính nghề nghiệp mình lựa chọn. Các em sẽ lựa chọn nghề nghiệp một cách thực dụng và khó có thể thành công trong tương lai, cả về góc độ nghề nghiệp lẫn góc độ phát triển toàn bộ đời sống xã hội của các em sau này. Sự định hướng nghề nghiệp của các em không tốt, có thể khiến xã hội xuất hiện xu hướng nghề không đúng và mất tính định hướng lâu dài.

Do đó, ngoài sự nỗ lực hướng nghiệp của các bậc cha mẹ cho con em mình thì ngành giáo dục cần phải xây dựng một chương trình giáo dục và tham vấn hướng nghiệp mang tính dài hơi. Nhưng trên hết, phải giáo dục các em về tính tự chủ cho tương lai của mình khi chọn nghề. Hãy giúp các em tự lựa chọn tương lai hơn là quyết định thay các em việc đó, đặc biệt là không nên áp đặt các em.

Theo tôi, công tác hướng nghiệp cho học sinh được bắt đầu từ khi các em còn học cấp 2. Đầu tiên, phải khảo sát kỹ vấn đề sức khỏe của các em, cả về sức khỏe thể chất và tinh thần. Bên cạnh đó cần xem xét các khả năng mà học sinh có được, như kỹ năng tâm lý xã hội, trí tuệ cảm xúc, học lực, cơ thể... Sau đó, cần xem xét đến nhu cầu và định hướng của xã hội về nghề nghiệp, sự định hướng này có thể hướng đến 4- 6 năm sau khi các em ra trường chứ không chỉ là chạy theo “mốt”. Ngoài ra, các nhà tâm lý còn khảo sát về vấn đề khí chất, xu hướng, nhu cầu, tính cách... của các em trước khi tham vấn cho các em chọn trường. Tuy nhiên, trên hết vẫn là sự đam mê, định hướng về ngành nghề mà các em muốn mình theo đuổi.

Phương Liên - Lê Vân thực hiện
Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN