Hãy hành động để niềm tin đặt đúng chỗ

Năm học 2023 - 2024 vừa bắt đầu được gần 1 tháng với rất nhiều niềm tin, hồ hởi của học sinh, phụ huynh và ngành Giáo dục. Tuy nhiên cũng chỉ trong thời gian ấy, mọi người lại phải chứng kiến nhiều vụ việc đau lòng, thương tâm liên quan đến các học sinh. Chưa bao giờ, câu chuyện an toàn trường học được đặt ra cấp thiết như hiện nay.

Chú thích ảnh
Đối tượng Nguyễn Thanh Sơn (bắt cóc bé gái 3 tuổi) tại cơ quan công an. Ảnh: TTXVN phát

Mới nhất, vào khoảng 15 giờ ngày 2/10, Nguyễn Thanh Sơn (34 tuổi, ngụ thành phố Tân An, tỉnh Long An) đến một trường Mầm non thuộc Phường 6 (thành phố Tân An) dụ dỗ, đón một bé gái 3 tuổi là con một người quen. Sau khi đón được bé, Sơn chở cháu về hướng TP Hồ Chí Minh. Trên đường đi, đối tượng liên tục nhắn tin cho cha mẹ của bé để đòi số tiền chuộc 2 tỷ đồng. Rất may, ngay trong tối 2/10, lực lượng Công an đã nhanh chóng vào cuộc, bắt được đối tượng và đưa cháu bé an toàn về với gia đình.

Trước đó, không được may mắn như cháu bé trên, ngày 19/9, cháu N.H.T (21 tháng tuổi, ở  Hà Nội) bị đối tượng Giáp Thị Huyền Trang (27 tuổi, quê Bắc Giang) bắt cóc từ trường với thủ đoạn tương tự sau khi cháu tan học. Đối tượng nhắn tin cho gia đình cháu bé và đòi 1,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, do lo sợ bị bắt, Trang đã nhẫn tâm sát hại cháu bé; sau đó, nhảy xuống sông tự tử.

Từ hai vụ việc này cho thấy, việc tổ chức đưa đón các cháu, nhất là trẻ Mần mon quá dễ dàng và niềm tin của các bậc cha mẹ đã bị đặt sai chỗ.

Những ngày qua, dư luận xôn xao một số clip xảy ra trong trường học khi học sinh bị bắt quỳ trước cửa lớp, khóc xin cô giáo tha lỗi xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Đa Phúc (huyện Sóc Sơn, Hà Hội) ngày 29/9; thầy giáo xưng hô, có những hành vi thiếu chuẩn mực trong giờ học tiếng Anh tại Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú (Thạch Thất, Hà Nội).

Cùng với đó, một số vụ việc có tính chất “bạo lực học đường” được ghi nhận rất đáng lưu tâm. Ngày 2/10, ông Nguyễn Chơn Ủy, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Hồng Đức (thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) xác nhận, nhà trường đang làm rõ vụ việc một học sinh bị bạn học dùng guốc đánh vào đầu gây thương tích.

Cũng tại Đắk Lắk, trước đó, chiều 24/9, mạng xã hội lan truyền đoạn video về việc một nam sinh đang ngồi ở hành lang lớp học, bất ngờ bị ba bạn nam lao vào đánh. Sau khi thầy cô có mặt, nhóm học sinh mới giải tán. Đoạn video ghi sự việc xảy ra tại Trường Trung học Phổ thông Nguyễn Công Trứ (huyện Krông Pắc).

Có thể nói, những vụ việc bạo lực học đường không còn là chuyện hiếm, xuất hiện ngày càng nhiều, lan truyền nhanh hơn qua mạng xã hội. Trường học là nơi trau dồi kiến thức, nơi mỗi học sinh được bảo vệ an toàn tuyệt đối cả về thể chất lẫn tinh thần. Trẻ em ở trường chiếm phân lớn thời gian. Vì vậy, việc đảm bản an toàn cho trẻ trong trường học có vai trò rất lớn, quan trọng của Ban Giám hiệu nhà trường; trong đó, trực tiếp là các thầy cô giáo.

Cùng với đó là sự đồng hành, sát sao của gia đình các em. Tuy nhiên, những câu chuyện đáng tiếc trên, tuy không phải là phổ biến nhưng cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo về việc phải có các biện pháp bảo vệ an toàn cho trẻ, trước hết ở chính môi trường giáo dục, trong nhà trường; đồng thời có quy định chặt chẽ từ khâu đưa đón trẻ, ăn uống trong trường học cho đến xây dựng cơ sở, trường lớp, môi trường sinh hoạt mỗi ngày của các em.

Ngày nay, việc đến trường của học sinh không còn bó hẹp ở trên lớp mà có không gian mở hơn rất nhiều, từ phòng thí nghiệm, ngoài trời, thậm chí ngoài nhà trường với các hoạt động ngoại khóa khác nhau. Vì vậy, nhà trường cần thực hiện tốt, có hiệu quả công tác an ninh trường học, phòng, chống bạo lực học đường; phòng, chống tai nạn thương tích; phòng, chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; phòng, chống cháy nổ; phòng, chống dịch bệnh; phòng, chống tai nạn đuối nước. Mặt khác, nhà trường cần thực hiện tốt công tác quản lý học sinh nội trú, bán trú; hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa cho học sinh.

Về công tác giảng dạy, mỗi ngày đến trường, các em và thầy cô đều thấy được khẩu hiệu “Tiên học lễ, hậu học văn”. Để thực hiện được ”tiên học lễ”, thiết nghĩ chính các thầy cô giáo là tấm gương, gương mẫu để các em học theo. Trong thời đại công nghệ số hiện nay, những hành vi sai trái, nếu để xảy ra rất dễ lan truyền nhanh chóng với sự trợ giúp của mạng xã hội. Mỗi thầy cô giáo hãy luôn không ngừng trau dồi kiến thức, chuyên môn và cập nhật phương pháp giảng dạy mới, hiện đại để phục vụ công tác “trồng người”. Các bậc phụ huynh, gia đình cần quan tâm đến con em mình hơn nữa, chủ động kết nối, chia sẻ, đồng hành với nhà trường, giáo viên trong việc chăm sóc các em.

Chú thích ảnh
Những vết roi do giáo viên Lê Thị Hải đánh học sinh lớp 4B trường Tiểu học Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa. Ảnh: TTXVN phát

Trường học là nơi trao truyền kiến thức, gieo mầm của tương lai, các thầy cô giáo là những người chèo lái con thuyền đi vào tương lai của các em. Vì vậy, cả hệ thống chính trị, cộng đồng và ngành Giáo dục cũng như mỗi gia đình, cá nhân và học sinh cùng chung tay phòng ngừa, ứng phó với bạo lực học đường, xây dựng môi trường sư phạm an toàn, thân thiện. Ở đó, học sinh, thầy cô giáo luôn cảm thấy hạnh phúc, thoải mái, an toàn trong dạy và học; xứng đáng với với niềm tin của cả xã hội.

Anh Tuấn  (TTXVN)
Xử lý nghiêm các hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường
Xử lý nghiêm các hành vi lệch chuẩn trong môi trường học đường

Liên quan đến đoạn video về một giáo viên có hành vi thiếu chuẩn mực với học sinh, chiều 2/10, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội cho biết, đơn vị đã nhận được báo cáo về sự việc của Trường Trung học Phổ thông Phan Huy Chú - Thạch Thất (huyện Thạch Thất).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN